Cần sự quản lý chặt lớp học online

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhờ những mưu mẹo, chiêu trò quảng cáo và khéo mồm một chút khiến nhiều người dễ dàng trở thành… giáo viên online trên mạng xã hội.

Thầy V.N.A dùng máy đếm tiền để trả lương cho nhân viên.
Thầy V.N.A dùng máy đếm tiền để trả lương cho nhân viên.

Họ thu hút hàng được hàng nghìn học sinh. Không bị ràng buộc về bằng cấp và môi trường giáo dục nên họ không ý thức được giá trị của 2 chữ “giáo viên”.

Muôn kiểu giáo viên online

Kể từ sau thời điểm bùng phát dịch Covid-19, các “khóa học online” “giáo viên online”… đã trở thành cụm từ không còn xa lạ với học sinh từ cấp 1 cho đến cấp 3 ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Chỉ tốn khoảng vài triệu đồng là có được khóa học, bao gồm đầy đủ combo cho cả bài giảng, tài liệu ôn tập và thậm chí được thêm vào nhóm có cả đội ngũ trợ giảng.

Nếu ngày xưa chỉ có thầy, cô là những người trực tiếp giảng dạy ở trường lớp chuyển qua dạy trực tuyến, thì ngày nay ai cũng có thể trở thành… giáo viên online. Trong số đó, nhiều người không có bằng cấp hay chứng chỉ sư phạm.

Họ dựa vào thành tích học tập chút ít của mình, là cái mác “9,5 điểm Văn”, “8.0 IELTS”… Xa hơn, có những người đang dần biến nghề sư phạm trở thành công cụ kiếm tiền khi tìm đủ mọi cách để có thể thu hút học sinh tham gia khóa học.

Cách đây không lâu, trường hợp của cô giáo M.T là ví dụ. M.T tự nhận là cô giáo livestream “dạy Vật lý kiểu Gen Z”. Nổi lên nhờ ngoại hình xinh xắn, song M.T khiến nhiều người phẫn nộ với loạt hành động dạy học chẳng giống ai. Từ chửi bậy, dụ học trò chơi game... cho đến cả nhận tiền donate của học sinh.

Sau cùng, người ta mới phát hiện trình độ dạy học của M.T chẳng có mấy, chưa tốt nghiệp sư phạm vật lý, liên tục sai kiến thức cơ bản nhưng lại luôn rao giảng bản thân dạy ở ngưỡng điểm 8, 9 thi đại học.

Hoặc gần đây nhất, nhân vật V.N.A, được cộng đồng mạng tung hô là “thầy giáo trẻ” truyền cảm hứng học vật lý cho hàng ngàn học sinh bước tới ngưỡng cửa đại học.

Hiện nay, trang Facebook cá nhân của V.N.A có hơn 100.000 lượt theo dõi, thường xuyên đăng tải các clip, buổi livestream chữa đề, giải đáp thắc mắc kiến thức vật lý. Nhiều phụ huynh cho rằng, V.N.A đang có những hành động quá chừng mực của một “giáo viên” khi đăng tải cả những clip khoe tiền trên trang cá nhân của mình.

Bên cạnh đó, “thầy” V.N.A còn thường xuyên cập nhật những hội nhóm của mình có lượng thành viên lớn nhằm mục đích câu view để dễ dàng thu hút học viên.

“Khoe tiền hay thậm chí là số lượng học viên lớn tôi nghĩ là những hành động không nên làm. Một người giáo viên tốt sẽ được đánh giá và cảm nhận qua góc nhìn của học sinh và phụ huynh”, chị Hà Lê, phụ huynh một học sinh chia sẻ.

Dạy khoanh lụi, chờ “thần may mắn”

Giáo viên TikTok hướng dẫn học viên khoanh lụi qua quyển sách 'vua trắc nghiệm'.

Giáo viên TikTok hướng dẫn học viên khoanh lụi qua quyển sách 'vua trắc nghiệm'.

Bước vào giai đoạn nước rút ôn tập thi tốt nghiệp THPT 2023, không ít thí sinh tìm đến những kênh mạng xã hội như TikTok để trau dồi thêm kiến thức và học hỏi phương pháp làm bài hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh luồng thông tin bổ ích, có không ít video hướng dẫn người học “đi đường tắt” bằng cách khoanh lụi (lựa chọn có tính chất cảm tính, tương đối) với những lời giới thiệu “có cánh” như giúp đạt điểm cao, phương pháp dựa trên... “Tâm lý học”.

Chẳng hạn, trong video TikTok có 3,9 triệu lượt xem, tài khoản H.I.H giới thiệu 3 bước khoanh lụi đúng đáp án trắc nghiệm môn Toán “có cơ sở” được cho là đã giúp người này đạt 28 điểm khối D1 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Lụi dựa trên khoa học” cũng là lập luận được TikToker thầy H.G sử dụng trong những video giới thiệu về quyển sách “vua trắc nghiệm”. Cụ thể, người này cho rằng đây là phương pháp được giáo viên chỉ dạy dùng chung cho các môn chứ không phải tự suy đoán, và khuyên thí sinh thống kê lại số lần chọn các đáp án A, B, C, D sau khi làm bài xong, đáp án nào ít được chọn nhất thì lụi những câu trống là đáp án đó.

Thực tế hiện nay, một điều đáng nói ở mô hình dạy online này là thiếu đi sự tương tác trực tiếp từ học sinh và giáo viên. Một giáo viên chính thống khi dạy offline phải rất để ý câu từ của mình, bởi nếu dạy không đúng còn có thể bị phụ huynh đến nhà khiển trách, bị nhà trường kỷ luật.

Nhưng giáo viên online ở xa hàng trăm cây số, liệu có học trò nào đến tận nơi phản ánh cho được? Kể cả khi có những bài phốt, nhiều giáo viên cũng có thể nhờ đội ngũ của mình report, xóa bài. Chỉ sau một thời gian, những bài phốt cũng chìm dần và những người này vẫn có thể tiếp tục công việc dạy học của mình.

Nhờ những mưu mẹo này mà không ít giáo viên online có trình độ hạn chế (đôi khi chỉ là được 9 điểm thi đại học, được 7.0 IELTS), biết chiêu trò quảng cáo và cả khéo mồm một chút đều có thể trở thành… giáo viên online trên mạng xã hội.

Cô Phạm Thu là giáo viên một trường chuyên tại Hà Nội đưa ra lời khuyên cho các em học sinh, cần phải để ý nhiều điều trước khi quyết định đăng ký khóa học online.

“Các em chọn học trung tâm uy tín, giáo viên có tên tuổi ở ngoài đời. Nếu định học giáo viên không có bằng sư phạm, cần phải học thử ít nhất 4 - 5 buổi và được cung cấp tài liệu, bài tập đi kèm để xem năng lực bạn đó dạy đến đâu”, cô Thu chia sẻ.

Không phủ nhận, cũng có rất nhiều giáo viên dạy online tốt dù có bằng cấp sư phạm hay không. Nhưng vẫn cần có một khung quy chế rõ ràng khi dạy trên MXH để đảm bảo công bằng cho những giáo viên chính thống và cũng khiến môi trường giáo dục được trả về với đúng giá trị của nó. Còn trước hết, học sinh cần tự bảo vệ bản thân bằng việc lựa chọn kỹ lưỡng những khóa học online của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ