Kinh nghiệm tăng cường tiếng việt cho HS dân tộc thiểu số

GD&TĐ - “Dòng sông Pô Kô ngày đêm trôi êm ả, ven đường nhỏ có lối dẫn đến trường em. Ngôi trường ấy yêu thương và thân thiện, cô dạy em từng nét chữ xinh xinh, biết viết tên mình trên những trang giấy trắng...”.

Kinh nghiệm tăng cường tiếng việt cho HS dân tộc thiểu số

Đó là lời mở đầu giới thiệu về ngôi Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (thị trấn Đắk Tô, huyện Đăk Tô) của học sinh Y Thanh Trúc tại buổi giao lưu tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số (DTTS) cấp tiểu học - một trong những hoạt động thiết thực để tăng cường tiếng Việt cho HS dân tộc ở Kon Tum.

Hoạt động ngoại khóa bổ ích

Ông Võ Xuân Thủy - Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GD&ĐT Kon Tum) - cho biết: Đó là một trong những hoạt động bổ ích mà ngành tổ chức 2 năm một lần, nhằm tạo sân chơi lành mạnh, thiết thực cho các em học sinh DTTS bậc tiểu học có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các bạn cùng lứa tuổi, tạo thói quen mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp. 

Từ đó, các em tăng thêm vốn tiếng Việt, yêu thích đến trường, nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức, tạo nền tảng vững chắc hòa nhập môi trường giáo dục và cuộc sống xã hội sau này. Đây cũng là hoạt động ngoại khóa khá hiệu quả đã được Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố triển khai thực hiện thời gian qua.

Qua tìm hiểu, được biết, các năm trước, việc dạy tiếng Việt cho các em DTTS trên địa bàn tỉnh còn lắm khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa - học sinh tiểu học là người DTTS có cuộc sống sinh hoạt tập trung ở làng, chủ yếu giao tiếp bằng tiếng dân tộc bản địa nên khi đến tuổi đi học, khả năng phát âm, nói, viết tiếng Việt của rất hạn chế, ngại giao tiếp và khả năng tiếp thu bài giảng bằng tiếng Việt không cao. 

Về lâu dài, điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục học sinh DTTS. Trong khi đó, Kon Tum có gần 63% học sinh DTTS trong tổng số 33 ngàn học sinh tiểu học đang theo học tại các trường học.

Chính vì vậy, việc tăng cường vốn tiếng Việt cho học sinh DTTS được ngành Giáo dục tỉnh quan tâm ngay từ những ngày đầu học sinh học ở bậc tiểu học. 

Ông Võ Xuân Thủy cho biết: Với chức trách được giao, ông và đội ngũ cán bộ, giáo viên mảng tiểu học đã tham mưu ngành GD&ĐT đẩy mạnh triển khai việc thiết lập môi trường tiếng Việt cho học sinh thông qua sự quản lý của nhà trường, tạo sự tương tác đồng bộ giữa các yếu tố người dạy, người học và môi trường giao tiếp.

Theo đó, trong lớp học, các cô giáo luôn chú trọng khuyến khích học sinh tham gia sưu tầm, trưng bày những sản phẩm phản ánh hoạt động của bản thân các em như các bài văn hay, vở sạch chữ đẹp, hộp thư cá nhân; ở các góc hành lang, sân trường và thư viện chung còn được trang trí các loại cây xanh, đồ dùng sinh hoạt của người đồng bào do các em tự làm lấy và có phần chú thích bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt. 

Đối với giáo dục văn hóa, giáo viên luôn tạo không gian học tập thoải mái, thân thiện với các em. Ở mỗi tiết học, bài học thì giáo viên đứng lớp hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu, sưu tầm mẫu vật, hay sách báo tranh ảnh có liên hệ cuộc sống thực tế, hay gắn với văn hóa địa phương. 

Trong môi trường giáo dục tập thể, các trường kêu gọi giáo viên đưa ra sáng kiến tổ chức các hoạt động ngoại khóa mang tính cộng đồng, vận động học sinh và cả phụ huynh cùng tham gia dưới hình thức “tiếng Việt của chúng em” qua các trò chơi dân gian, tổ chức lễ hội vào các dịp lễ tết của đất nước; thi đố vui tìm hiểu về doanh nhân, lịch sử - văn hóa dân tộc; biểu diễn văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao...

Ưu tiên giáo viên giỏi

Ngành cũng chỉ đạo các trường luôn ưu tiên chọn các giáo viên đứng lớp khối 1 là những nhà giáo dạy giỏi, có thâm niên, nhiệt tình, giọng chuẩn, kiên trì và thương yêu trẻ thơ để giao trọng trách “cầm tay” tạo nền móng kiến thức tiếng Việt ban đầu cho học sinh. 

Đồng thời, thường xuyên tạo điều kiện cho giáo viên đứng lớp tham gia học tiếng DTTS; tổ chức kiểm tra, theo dõi và tổ chức dự giờ; tổ chức giao lưu học tập kinh nghiệm giảng dạy giữa các giáo viên trong và ngoài nhà trường, nhằm giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và có nhiều phương pháp tiếp cận, truyền đạt kiến thức hiệu quả hơn. 

Ông Thủy diễn giải thêm: “Trong đó, mỗi giáo viên phải mạnh dạn thay đổi cách dạy các môn học và cách tổ chức các hoạt động theo hướng sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng học sinh. 

Và ở mỗi bài học, tiết học, giáo viên nghiên cứu kỹ tâm lý, đối tượng học sinh để chắt lọc kiến thức cần thiết, tránh ôm đồm, dàn trải, nhưng phải đảm bảo dạy bài mới và tăng cường ôn tập kiến thức đã học. 

Khi trình bày vấn đề đưa ra, giáo viên phải diễn đạt cụ thể cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ; nhất là một số khái niệm, hình ảnh xa lạ, trừu tượng bắt buộc có tranh ảnh, vật thật, động tác, điệu bộ...”.

Với sự triển khai đồng bộ công tác tăng cường tiếng Việt dành cho học sinh DTTS đã góp phần phát huy nhiều yếu tố tích cực. Theo thống kê của Sở GD&ĐT năm học 2013 - 2014, công tác vận động các em DTTS ra lớp, duy trì sĩ số luôn đạt trên 96%; chất lượng giáo dục có số lượng học sinh xếp loại môn tiếng Việt trung bình trở lên chiếm 94,5%, trong đó khá giỏi chiếm gần 43% (tăng gần 13% so với thời điểm 2006). Thành tích này đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác phổ cập tiểu học đúng độ tuổi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink.

Truyện ngắn: Viết tiếp giấc mơ

GD&TĐ - Chẳng hiểu sao ba mẹ lại treo ảnh Bác trên bàn thờ, ở vị trí cao nhất. Chòm râu dài, ánh mắt hiền từ và cái miệng cười mỉm trấn an tinh thần chị.
Binh chủng đặc biệt ở Trường Sơn

Binh chủng đặc biệt ở Trường Sơn

GD&TĐ - ​Tạo nên sức mạnh Trường Sơn là tổng lực của cả dân tộc, của cả thời đại, trong đó có sự đóng góp của đội ngũ báo chí, văn nghệ sĩ.