Cần sự đổi mới thường xuyên trong kiểm tra đánh giá và phương thức tổ chức học

Cần sự đổi mới thường xuyên trong kiểm tra đánh giá và phương thức tổ chức học

(GD&TĐ) - Sáng 14-12, Trường ĐH Sài Gòn đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc về “ đổi mới kiểm tra, đánh giá đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ”. Hội thảo đã thu hút gần 80 tham luận, báo cáo khoa học từ những nhà quản lý giáo dục các trường trên cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Viết Ngoạn, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Với mục tiêu không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ, hội thảo sẽ tập chung vào những vấn đề mang tính thực tiễn, chỉ ra những vướng mắc, nhằm đánh giá được tốt nhất phương thức đào tạo mà các trường đang áp dụng và triển khai.

Đổi mới phải triệt để: 

Nội dung hội thảo lần này tập trung vào 3 nhóm về đề chính của việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ, nên phần lớn các tham luận, ý kiến đóng góp của các đại biểu xoay quanh 3 nhóm vấn đề cụ thể: Mối liên hệ giữa phương pháp dạy-học và kiểm tra đánh giá trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Những hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả tự học của sinh viên. Đổi mới kiểm tra đánh giá quá trình học tập của SV trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ.  

Quảng cảnh hội Thảo
Quảng cảnh hội Thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Đặng Quốc Bảo, Nguyên hiệu trưởng trường CBQL-Bộ GD-ĐT cho rằng: Đào tạo hệ thống tín chỉ có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Nước này chuyển từ nền giáo dục ĐH tinh hoa sang giáo dục ĐH đại chúng nên họ đã chọn con đường đào tạo tín chỉ. Chúng ta đang đi những bước đầu tiên, nhưng việc thành công là điều đã nhìn thấy.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Quốc Bảo để phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ được hiệu quả, các trường cần đảm bảo được hai loại vấn đề; Vấn đề “Tổ chức-Sư phạm và vấn đề “Kinh tế-giáo dục”. Không có sự vận dụng hài hòa cả hai loại vấn đề này, mà đã triển khai thì thường có sự méo mó và chệch choạc. Nó dẫn đến việc đào tạo không hiệu quả, dẫn đến sự phá hoại cấu trúc toàn vẹn của quá trình giáo dục đại học.

Chính vì thế, để phương thức đào tạo mới này ổn định, chất lượng đào tạo vượt lên với phương thức đào tạo truyền thống, các trường cần phải có một phương án tài chính đủ mạnh, phương thức đào tạo phải đảm bảo được 2 yếu tố: “nhân cách”, đào tạo “con người”. Bởi sản phẩm của giáo dục cốt yếu là 2 cái đó.  

PGS.TS Lê Đức Ngọc, giám đốc Trung tâm đo lường và đánh giá giáo dục, thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập thì cho rằng: Ngoài các giải pháp chiến lược, giải pháp tài chính và phương thức giáo dụng linh động, các trường cần đẩy mạnh hơn công tác kiểm tra đánh giá (KTĐG). Bởi theo ông đào tạo theo học chế tín chỉ-một học chế lấy người học làm trung tâm, lấy tự học làm chính thì hoạt động KTĐG cũng phải tương ứng và thường xuyên được đổi mới.

KTĐG trước tiên nhằm hỗ trợ người học điều chỉnh các hoạt động học tập, biến các công cụ đánh giá (hàng ngàn câu hỏi bài tập) thành công cụ tự học môn học cho SV.  Trước đây, với triết lý dạy học là truyền thụ kiến thức-kỹ năng-phẩm chất cho người học nên công tác KTĐG chủ yếu lấy nội dung kiến thức-kỹ năng người học được đào tạo làm chính. Nhưng ngày nay, triết lý dạy học đã thay đổi thành dạy học là dạy cách học (cách chiếm lĩnh kiến thức-kỹ năng-phẩm chất). Do đó, nội dung KTĐG phải lấy năng lực nhận thức( nhớ, hiểu, ứng dụng, phân tích và tư duy sáng tạo), năng lực tư duy và năng lực xã hội mà người học được giáo dục làm chính. Làm tốt và đổi mới phương thức KTĐG theo hướng trên, việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ mới hiệu quả, GV mới không lúng túng và dạy học tích hợp hơn. 

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM thì trong thực tế việc áp dụng học chế tín chỉ ở các trường ĐH nước ta trong mấy năm qua chưa tiến triển nhiều vì các nhà quản lý GDĐH cũng như các giảng viên ĐH chưa hiểu biết đầy đủ về học chế này. Do đó, để đổi mới quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ hiệu quả, triệt để, các trường cần phải tiến hành đồng thời 5 nhóm giải pháp: Đổi mới chương trình và nội dung đào tạo. Đổi mới phương pháp dạy (chú trọng thảo luận). Đổi mới phương pháp học tập (chú trọng học nhóm). Đổi mới việc kiểm tra đánh giá (chú trọng đánh giá thường xuyên) và Đổi mới cách biên soạn giáo trình và tài liệu tham khảo. 

Hướng đến phục vụ người học: 

Theo TS Phạm Xuân Thanh, Phó cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định CLGD, Bộ GD-ĐT thì ngoài công tác đổi mới việc KTĐG một cách toàn diện, việc cung cấp thông tin phản hồi sau KTĐG, tạo động lực cho người học thông qua KTĐG cần được các trường chú trọng hơn. Bởi theo ông hiện nay, hiện tượng chú trọng điểm số vẫn còn rất đậm nét, công tác đa dạng hóa thi kiểm tra nhằm phát triển các phẩm chất của người học vẫn chưa được chú trọng. Chính vì thế, việc xây dựng cơ chế đảm bảo chất lượng trong KTĐG, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giảng viên, khai thác tốt khả năng tự học, tự nghiên cứu, khả năng làm việc nhóm, khả năng trình bày, giao tiếp nơi người học…sẽ góp phần không nhỏ trong việc hướng đến công tác nâng cao chất lượng vì người học.

Ý thức tự giác của sinh viên luôn là yếu tố quyệt định mọi việc
Ý thức tự giác của sinh viên luôn là yếu tố quyệt định mọi việc

TS Tôn Thất Dụng, trường ĐH Sư Phạm Huế thì lại cho rằng: Ưu điểm của đánh giá trong đào tạo theo học chế tín chỉ là đánh giá cả quá trình học, đánh giá năng lực tự học của SV. Do vậy, theo ông, các trường cần tổ chức đa dạng các hoạt động đào tạo với cách đánh giá thích ứng, nhằm giúp SV thể hiện được các năng lực hiện có, đồng thời nâng cao tiềm lực của mình. Đặc biệt, các trường phải mạnh dạn loại bỏ những quán tính cũ để xác lập một cách thức đánh giá hiệu qủa và có độ tin cây cao, tạo ra một hợp lực để xóa bỏ cái cũ, trì trệ để xây dựng cái mới, hướng những sự đổi mới đến một mục tiêu: phục vụ và nâng cao môi trường học tập cho SV.

Đổi mới phương pháp giảng dạy theo nhiều đại biểu là việc làm cần thiết khi các trường chuyển đổi hình thức theo đào tạo tín chỉ. Trong đó, bao gồm cả công việc hướng dẫn SV tự học và nghiên cứu. Đây là hình thức học tập không thể thiếu được của SV.

Trên thực tế, theo khảo sát của TS Tô Minh Thanh, Phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng trường ĐH KHXH&NV TP.HCM việc tổ chức hoạt động tự học một cách hợp lý, khoa học, hiệu quả là trách nhiệm không chỉ ở thầy và trò mà còn là hệ thống đào tạo của nhà trường.

Theo nghiên cứu, SV có nhận thức đúng về tầm quan trọng của hoạt động tự học chiếm tỉ lệ khá cao (79,5%). Trong đó, 75,7% SV được khảo sát cho biết hoạt động tự học giúp họ chủ động và linh hoạt hơn trong học tập. Tuy đánh giá cao về những lợi ích mà việc tự học mang lại. Nhưng tỉ lệ SV hài lòng với phương pháp và hiệu quả của hoạt động tự học vẫn còn khá thấp khi chỉ 17% SV được khảo sát hài lòng, 64,5% tạm hài lòng bởi những khó khăn trong thích ứng, tìm tòi tài liệu nghiên cứu  cho phương thức học tập theo học chế tín chỉ. 

Chính vì thế, theo Th.s Nguyễn Ngọc Diệp, Khoa Lý luận Chính trị, trường ĐH Thương Mại, các trường muốn nâng cao chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì cần nâng cao chất lượng nghiên cứu của SV, mà trước hết là nâng cao ý thức tự giác nơi họ.

Bên cạnh đó, giảng viên cần định hướng cho SV nội dung tự nghiên cứu một cách khoa học. Bởi đối với SV, xác định rõ ràng, khoa học nội dung tự nghiên cứu có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả nghiên cứu của họ. Đặc biệt, việc hình thành kỹ năng tự nghiên cứu, phương pháp hệ thống hóa tài liệu học tập và tài liệu tham khảo để giúp họ tự nghiên cứu… theo Th.s Diệp là cực kỳ quan trọng. Vì nó không chỉ giúp SV chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập, mà còn giúp giảng viên dễ hướng việc dạy theo phương thức lấy SV làm trung tâm được dễ dàng và hiệu quả hơn.

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ