Cần sớm xây dựng chương trình can thiệp tổng thể

GD&TĐ - Trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng đáng chú ý về cả kinh tế và xã hội khi tỉ lệ nghèo đã giảm đáng kể. Phát triển con người cũng đang tăng đều và Việt Nam đã gia nhập đội ngũ những quốc gia có thu nhập trung bình thấp, cùng với nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Ấn Độ, Indonesia và Philippines. 

Cần sớm xây dựng chương trình can thiệp tổng thể

Năm 2016, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật trẻ em – Đây là văn kiện pháp lý chủ chốt để xây dựng chiến lược và hành động của Chính phủ về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên ở cấp vĩ mô công tác phát triển toàn diện trẻ em đang gặp phải một số thách thức.

Khoảng cách giàu - nghèo

Thách thức lớn nhất đối với phát triển trẻ thơ là khoảng cách giầu nghèo và tình trạng bất bình đẳng về cơ hội phát triển và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc Y tế, Giáo dục, nước sạch và các dịch vụ phúc lợi xã hội của trẻ em giữa các vùng kinh tế và dân tộc. Hiện có khoảng 5,6 triệu trẻ em Việt Nam là trẻ em nghèo theo phương thức tính nghèo đa chiều.

Theo báo cáo của UNICEF (Hà Nội năm 2016) tỷ lệ trẻ em chưa từng đi học vẫn khá cao, đặc biệt là ở một số dân tộc thiểu số. Ví dụ: 1/4 trẻ em người H’mông trong độ tuổi đến trường chưa từng đi học hoặc tham gia bất kì hình thức giáo dục chính quy nào.

Tỷ lệ tử vong của bà mẹ miền núi vẫn cao hơn gấp 4 lần so với đồng bằng. Hơn 60% hộ gia đình DTTS được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Vấn đề bình đẳng giới và dân tộc ở học sinh các địa phương vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Vấn đề trẻ em gái bỏ học và sự chênh lệch về kết quả học tập giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số chủ yếu là do thiếu trường lớp.

Đặc biệt một số vấn đề xã hội mới nảy sinh gây ảnh hưởng đến phát triển trẻ thơ đó là tình trạng Bạo lực học đường xảy ra ở tất cả các cấp học và vấn đề trẻ em lứa tuổi tiểu học và Trung học cơ sở bị rối nhiễu tâm trí và các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Sau 5 năm triển khai, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá lại các mục tiêu của Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em, cho thấy kết quả thực hiện các mục tiêu giữa kỳ chưa đạt, như điểm vui chơi an toàn của trẻ em tại cộng đồng, tỷ lệ tử vong trẻ em do đuối nước và các loại hình tai nạn thương tích, tình trạng trẻ bị bạo lực, xâm hại tình dục… vẫn còn xu hướng tăng. Đồng thời các vấn đề mới về trẻ em tiếp tục nảy sinh như trẻ em bị bắt nạt qua mạng, bạo lực học đường, bắt cóc và buôn bán trẻ em…

Nguyên nhân chính là công tác dự phòng trong bảo vệ và chăm sóc trẻ em chưa được chú trọng, thiếu hụt nguồn lực cho các hoạt động bảo vệ chăm sóc trẻ em ở tất cả các cấp. Hơn nữa ngân sách dành cho trẻ em còn thấp và do nguồn tài chính đầu tư cho lĩnh vực này đang bị xé lẻ, đầu tư dàn trải, công tác phối hợp liên ngành thực hiện các mục tiêu trẻ em chưa đồng bộ.

Việt Nam chưa xây dựng được một chương trình can thiệp tổng thể, toàn diện cho trẻ em từ 0 đến 8 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 36 tháng tuổi tại gia đình và cộng đồng. Thiếu mạng lưới kết nối các dịch vụ tại gia đình và cộng đồng để đảm bảo cho trẻ em các dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho trẻ em những năm đầu đời.

Ví dụ: Hệ thống nhà trẻ công lập và tư thục, nhóm trẻ gia đình, chăm sóc tại nhà, chăm sóc ban ngày cho trẻ những năm đầu đời thuộc trẻ em nói chung và nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng. Chưa có quy định về gói can thiệp sớm nhằm chăm sóc toàn diện cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng.

Vấn đề kiểm soát tiêu chuẩn đồ chơi cho trẻ em dưới 3 tuổi chưa chặt chẽ dẫn đến các tử vong không đáng có ở trẻ, điều kiện vui chơi cho trẻ em dưới 3 tuổi chưa được quan tâm nhiều. Ngoài ra, nhận thức, kiến thức, kỹ năng của cha mẹ người chăm sóc trẻ về chăm sóc đảm bảo trẻ thơ đặc biệt trẻ dưới 36 tháng tuổi phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần còn hạn chế.

Việc chăm sóc sức khỏe, tâm lý cho trẻ em còn yếu

Chưa có chính sách hoặc chương trình hoạt động cũng như các hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em và các hoạt động quan tâm đến phát tâm lý, tinh thần của trẻ dưới 36 tháng tuổi cũng như toàn bộ trẻ em Việt Nam.

Tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe và việc tiếp cận với các dịch vụ phát triển toàn diện trong các gia đình nghèo còn ở mức thấp và khoảng cách của nhóm trẻ thơ nghèo so với trẻ thơ trong gia đình giàu và khá giả ngày càng gia tăng đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Mặc dù kinh tế tăng trưởng nhanh, phúc lợi xã hội, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể, tỷ lệ đói nghèo có giảm nhưng nhóm người nghèo vẫn có nguy cơ bị tụt hậu xa và ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ thơ.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (theo cân nặng trên tuổi) tuy đã giảm, nhưng vẫn có sự chênh lệch giữa các vùng miền thành thị và nông thôn, giữa trẻ em người Kinh, Hoa với trẻ em vùng dân tộc thiểu số.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ở mức rất cao 24,9%. Tử vong sơ sinh giảm rất chậm và vẫn còn cao chiếm 12/1000 trẻ sinh ra sống; tỷ lệ tử vong sau 1 tháng tuổi đến dưới 1 tuổi là 4/1000 trẻ sinh ra sống; tỷ lệ bú sữa mẹ trong vòng 1 giờ đầu, bú hoàn toàn trong 6 tháng còn thấp, vẫn còn 5,7 trẻ có cân nặng sau sinh dưới 2500 gram.

Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ từ 0-3 tuổi tại các hộ gia đình chưa cao do kiến thức, kỹ năng của các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ trực tiếp còn hạn chế. Tỷ lệ nhập học mầm non của trẻ còn thấp, đặc biệt trong các gia đình nghèo và trẻ em vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Chưa quan tâm nhiều đến đầu tư cho nhóm trẻ lứa tuổi nhà trẻ dẫn đến nhiều nhóm trẻ em tư thục phát triển chưa có giám sát chặt chẽ dẫn đến các vấn đề bạo lực, chăm sóc lứa tuổi này chưa tốt; Còn thiếu các trường lớp cho trẻ dưới 36 tháng, do vậy một số trường mầm non tại một số địa phương chưa nhận được trẻ dưới 36 tháng tuổi vào học;

Vẫn còn một số trường mầm non tại một số khu công nghiệp chưa được cấp phép dẫn đến ảnh hưởng đến vấn đề bảo vệ chăm sóc trẻ em; tỷ lệ dưới 36 tháng tuổi đến lớp mầm non là 26,2%; Ngoài ra vẫn còn tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lưc, bóc lột, buôn bán trẻ…

Việc lồng ghép phát triển toàn diễn trẻ thơ chưa được nhận thức đầy đủ ở các cấp, do vậy giữa các bộ ngành vẫn còn tồn tại phương thức làm việc đơn lẻ; thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa nhiều ngành nghề, khu vực khác nhau như Y tế, Giáo dục, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Công an… các hoạt động chăm sóc tại gia đình và cộng đồng, giáo dục trong vào ngoài nhà trường…

Vì vậy rất cần có sự phối kết hợp các chương trình giáo dục giữa cha mẹ với nhà trường và cộng đồng. Cùng với đó là các chính sách khuyến khích hỗ trợ của Nhà nước để trẻ thơ có được môi trường, điều kiện tốt nhất để phát triển một cách toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ