Cần sớm có chính sách phát triển các nhóm nghiên cứu

GD&TĐ - Tại Hội thảo quốc gia về “Xây dựng và Phát triển các nhóm nghiên cứu trong các trường ĐH Việt Nam” do Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) tổ chức mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu trong các trường ĐH. 

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và cộng sự trong một đề tài nghiên cứu
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và cộng sự trong một đề tài nghiên cứu

Ông cho biết, tới đây Bộ GD&ĐT và Bộ KHCN sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng cơ chế chính sách để hình thành cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu mạnh thực sự và sống được bằng khoa học nhằm thúc đẩy sự phát triển của nghiên cứu khoa học trong các cơ sở GDĐH.

Quan điểm khẳng định vai trò không thể thiếu các nhóm nghiên cứu (NNC) trong các trường ĐH được GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Khoa học Hội thảo, khẳng định: Các NNC chính là các tế bào sống của hoạt động khoa học và thậm chí của cả hoạt động đào tạo trong các trường ĐH. Vì chỉ có xây dựng được các NNC mạnh, mới triển khai được các hoạt động nghiên cứu mạnh, đủ sức giải quyết những vấn đề khoa học đỉnh cao của ngành và những nhiệm vụ KHCN quan trọng của đất nước.

Mặt khác đào tạo và phát triển đội ngũ cũng được thông qua hoạt động của chính các NNC, nhất là đào tạo nghiên cứu sinh. Khi NNC đã đủ mạnh về nhân lực, cơ sở vật chất (CSVC) và các nguồn lực khác, lại có thể xây dựng các chương trình đào tạo mới. Thông qua sự phát triển của các NNC cũng sẽ tăng các công bố quốc tế, từ đó sẽ nâng được thứ bậc và xếp hạng của trường ĐH.

GS Nguyễn Đình Đức đưa ra kiến nghị, Nhà nước, Bộ GD&ĐT cần sớm có chính sách hỗ trợ cho việc xây dựng và phát triển các NNC trong các trường ĐH. Các NNC thuộc các lĩnh vực khác nhau cần có những chính sách khác nhau. Các NNC cũng có quy mô, trình độ và thành tích nghiên cứu, đào tạo nghiên cứu, uy tín và khả năng kết nối, hợp tác trong ngoài nước rất khác nhau. Vì vậy, các chính sách cũng cần xây dựng các tiêu chí đánh giá phù hợp với từng đối tượng để đảm bảo đầu tư không lãng phí, tránh cào bằng và đem lại hiệu quả cao nhất.

Kết quả khảo sát từ GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và cộng sự cho thấy, từ 142/271 trường ĐH, hiện nay trong hệ thống các trường ĐH đã hình thành 945 NNC, một trường đại học có trung bình 7 NNC. Độ tuổi đông nhất của các thành viên trong NNC là từ 35 - 45 chiếm 59,2%.

Nhiều NNC mới được tạo lập từ 2017 trở lại đây, điều này có thể lý giải bởi áp lực của yêu cầu về công bố quốc tế với đội ngũ giảng viên và NCS. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, đóng góp lớn nhất của các NNC trong 5 năm qua là đã tạo được sự chuyển biến đột phá về chất lượng. Đến nay, 80% các NCS trong lĩnh vực KHTN - CN của ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Duy Tân và nhiều trường đại học khác. Có tới 65,3% các giảng viên tham gia các NNC đã có các công bố trên các tạp chí ISI/Scopus.

Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế; NNC trong các lĩnh vực cũng không đồng đều và có sự chênh lệch khá lớn: KHTN: 40,2%; Công nghệ - kỹ thuật chiếm 37%; Xã hội nhân văn chiếm 22,8% và Kinh tế - Luật chỉ chiếm 10,2%; trong khi Khoa học Giáo dục chỉ chiếm 1,6%. Số lượng các công bố quốc tế của các NNC còn khá khiêm tốn. Còn thiếu cán bộ khoa học đầu ngành dẫn dắt NNC.

Nguồn lực đầu tư cho các NNC còn hạn chế. Kinh phí cho các đề tài rất khiêm tốn và thường bị cấp chậm. CSVC, thiết bị đầu tư cho nghiên cứu không có, hoặc rất thiếu, hoặc không đồng bộ. Chưa có những cơ chế chính sách mạnh để hỗ trợ và thúc đẩy sự hình thành và phát triển các NNC trong các trường ĐH. Quốc tế hóa trong các hoạt động nghiên cứu chưa cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ