14h ngày mùng 2 Tết (29/1), chiếc ôtô 7 chỗ biển Bắc Giang đỗ xịch trước khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức. Đằng sau, một chiếc xe cấp cứu khác hú còi inh ỏi xin được vào. Các y, bác sĩ nhanh chóng mang cáng để cùng một lúc cấp cứu cho hai bệnh nhân tai nạn giao thông.
33 ca tai nạn giao thông trong 14 tiếng
Vừa đẩy con trai vào phòng cấp cứu, bà Ngô Thị Linh (58 tuổi, quê Bắc Giang, mẹ của bệnh nhân Nguyễn Văn Dũng, 32 tuổi) vừa lau nước mắt. “Con tôi bị tai nạn giao thông tối qua (mùng 1 Tết). Nó đi xe máy, bị người ta đâm trúng, chấn thương ở vùng đầu. Tối qua chúng tôi đã đưa con lên bệnh viện tỉnh được các bác sĩ sơ cứu, băng bó vết thương lại. Sáng nay con tôi lại kêu đau đầu, buồn nôn và đầu óc không được tỉnh táo như bình thường nên gia đình đưa thẳng lên đây”.
Anh Dũng, quê Bắc Giang bị chấn thương phần đầu do tai nạn giao thông. Ảnh: Văn Chương.
Trong lúc các bác sĩ đưa anh Dũng. vào phòng cấp cứu thì anh trai bệnh nhân này, mặt phờ phạc ra quầy làm thủ tục nhập viện.
Anh trai bệnh nhân Dũng bảo: “Em trai tôi bị một người uống rượu say, cùng xã đâm vào. Đầu Dũng đập xuống đường bê tông nên bị chấn thương nặng đến vậy”.
Chỉ đứng khoảng 30 phút tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi ghi nhận 3 ca cấp cứu vì tai nạn giao thông. Nhiều trường hợp hôn mê sâu được các bác sĩ bóp bong bóng để hỗ trợ thở.
Vừa đẩy mẹ vào phòng cấp cứu, anh Minh (quê Lý Nhân, Hà Nam) cho biết mẹ mình vị gãy chân vì tai nạn giao thông.
“Con trai tôi đưa bà nội đi lễ Tết, va chạm với xe máy đi ngược chiều. Con trai tôi thì không sao nhưng bà nội văng ra khỏi xe, đập chân vào cột bê tông giới hạn đường. Các bác sĩ bệnh viện tỉnh sau khi chụp chiếu khẳng định bà bị vỡ xương ống chân nên chuyển lên đây để phẫu thuật ghép lại. Như thế này thì cả nhà coi như mất Tết rồi còn gì”, anh Minh nói.
Những bệnh nhân chấn thương nhẹ được nằm ở ngoài phòng cấp cứu. Ảnh: Văn Chương.
Trong phòng Hồi sức tích cực 1 của Bệnh viện Việt Đức, các giường bệnh đã chật kín. Đây đều là những bệnh nhân gặp tai nạn giao thông, chấn thương nặng, bất tỉnh phải thở ôxy và máy đo nhịp tim.
Nhìn chồng bất tỉnh, trên đầu quấn băng trắng, cởi trần, thở bằng máy ôxy, chị Nguyễn Thị Loan (34 tuổi, quê Phú Thọ) ứa nước mắt. Thỉnh thoảng chị Loan lại chạy ra ngoài trả lời điện thoại người thân ở quê gọi điện ra để hỏi thăm sức khỏe chồng.
Chị Loan kể, mùng 1 Tết, chồng chị đi chúc Tết họ hàng. Thế rồi khoảng 16h, chị đang làm cơm chiều thì nghe điện thoại lạ báo tin chồng mình gặp tai nạn. Khi chị và cậu con trai cả chạy ra đến nơi thì thấy chồng đang được người dân đưa đi bệnh viện tỉnh cấp cứu.
Chị Loan cho biết từ khi nhập viện, chồng luôn hôn mê và phải thở máy.
Dở sổ thống kê các ca cấp cứu, một bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Đến 14h chiều, chúng tôi đã tiếp nhận hơn 50 ca cấp cứu trong đó có 33 ca tai nạn giao thông. Đa số các bệnh nhân bị ngã xe máy, nhẹ thì gãy chân tay, nhiều ca chấn thương sọ não, hôn mê sâu”.
Cũng theo bác sĩ này, ngày mùng 1 Tết, khoa Cấp cứu tiếp nhận khoảng hơn 70 bệnh nhân tai nạn giao thông.
25 người chết vì tai nạn giao thông ngày mùng 2 Tết
Chiều 29/1, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGT) cho biết cả nước xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông khiến 25 người chết, 36 người bị thương. Toàn bộ số vụ tai nạn trên đều xảy ra ở lĩnh vực đường bộ.
So với ngày mùng 1 Tết, số người tử vong do tai nạn giao thông tăng lên 2 người.
Trong ngày 29/1, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý gần 1.400 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc Nhà nước hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, cảnh sát giao thông còn tạm giữ 2 ôtô, hơn 500 môtô, tước 40 giấy phép lái xe các loại.
Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy toàn quốc đã xử lý 1 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nộp kho bạc Nhà nước 500 ngàn đồng
Cũng theo Ủy ban ATGT Quốc gia, từ 27-29/1 (tức 30 đến mùng 2 Tết), cả nước xảy ra 109 vụ tai nạn giao thông khiến 64 người chết, 112 người bị thương. So với 3 ngày tết cùng kỳ năm 2016 tăng 5 vụ (tăng 4,8 %), không tăng không giảm người chết, tăng 14 người bị thương ( tăng 14,2%).