Cần nhìn nhận lại yêu cầu về năng lực với giáo viên ngoại ngữ

GD&TĐ - Dù các đơn vị có nhiều nỗ lực bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng cho giáo viên, nhưng qua khảo sát, kiểm tra trình độ năng lực giáo viên ngoại ngữ tại nhiều tỉnh, địa phương vẫn chưa đạt so với yêu cầu để triển khai đại trà Đề án ngoại ngữ vào năm 2020.

Cần nhìn nhận lại yêu cầu về năng lực với giáo viên ngoại ngữ

Những kết quả này đặt ra vấn đề cần nhìn nhận lại việc xác định vai trò của người dạy, những quan điểm về mối quan hệ giữa người dạy với quá trình và kết quả dạy và với người học, những mục tiêu đặt ra đối với người dạy, cũng như công tác bồi dưỡng người dạy đang được triển khai.

Báo Giáo dục và Thời đại trao đổi với TS Đỗ Tuấn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) - về vấn đề này.

Bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ vẫn đang dừng lại ở mục tiêu ngắn hạn

- Ông suy nghĩ, đánh giá như thế nào về việc áp dụng mức chuẩn chung và hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người dạy hiện nay?

Nhìn chung, việc áp mức chuẩn chung và việc bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người dạy ngoại ngữ là những giải pháp phù hợp. Những lợi ích có thể dễ hiểu được: Một mặt, mức chuẩn chung giúp cho việc quản lý, kiểm soát chất lượng, lập kế hoạch bồi dưỡng… thuận lợi hơn. Mặt khác, năng lực tiếng tốt hơn giúp người dạy là nguồn cung cấp ngữ liệu có chất lượng hơn cho người học.

Tuy nhiên, quy định về chuẩn năng lực tiếng của giáo viên hiện nay là dựa trên năng lực ngôn ngữ chung, chứ không phải là ngôn ngữ gắn với nghề nghiệp. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực giảng dạy ngoại ngữ cho thấy tầm quan trọng của năng lực về ngôn ngữ giảng dạy của người dạy.

Đối với những người làm nghề dạy tiếng Anh chuyên nghiệp (tức là giáo viên tiếng Anh), thì những bối cảnh sử dụng ngôn ngữ đích cơ bản của họ chính là gắn với hoạt động giảng dạy.

TS Đỗ Tuấn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) 

Bối cảnh sử dụng ngôn ngữ đích là căn cứ để quyết định năng lực cần đánh giá đối với người sử dụng ngôn ngữ. Như vậy, người dạy của chúng ta cần được đánh giá dựa trên những năng lực này là chủ yếu.

Bên cạnh đó, lẽ tất nhiên, người dạy cũng là một trong những nguồn ngôn ngữ đích mẫu cho người học. Trong quá khứ, vai trò này của người dạy là quan trọng khi họ là nguồn chủ yếu làm mẫu việc sử dụng tiếng Anh cho người học học tập theo.

Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, có nhiều nguồn cung cấp ngôn ngữ đích khác mà người dạy có thể sử dụng thay bằng chính mình trong quá trình giảng dạy của mình.

Ví dụ, thay vì việc người dạy phải thường xuyên nói hay viết tiếng Anh để làm mẫu cho người học học theo, người dạy có thể sử dụng các tài liệu in, video, hoặc audio bằng tiếng Anh của người bản ngữ để cung cấp ngữ liệu cho người học của mình.

Do vậy, ở những điều kiện này, năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh) của giáo viên có thể không cao, nhưng nếu năng lực giảng dạy bằng ngoại ngữ đó ở mức độ hợp lý, và năng lực lựa chọn, sử dụng và hướng dẫn người học sử dụng những nguồn học liệu bằng ngoại ngữ tiếng Anh tốt sẽ vẫn giúp mang lại những hiệu quả giáo dục mong đợi.

Với quan điểm trên, chúng ta cần nhìn nhận lại những yêu cầu về năng lực hiện đang đặt ra đối với người dạy. Năng lực người dạy cần có và không thể thiếu chính là năng lực về ngôn ngữ giảng dạy và năng lực giảng dạy ngôn ngữ.

Bồi dưỡng giáo viên là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đề án Ngoại Ngữ Quốc gia 2020 trong giai đoạn 2011-2015. Theo ông, sau thời gian 5 năm, hoạt động bồi dưỡng nói trên đã tác động như thế nào đến chất lượng giáo viên ngoại ngữ?

Bồi dưỡng giáo viên đúng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đề án Ngoại Ngữ Quốc gia 2020 trong giai đoạn 2011-2015. Chúng ta ghi nhận những kết quả đáng kể của hoạt động này trên phạm vi toàn quốc và ở mọi cấp học. Bên cạnh bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ, người dạy còn được bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy ngoại ngữ.

Tác động rõ rệt của các hoạt động bồi dưỡng giáo viên này của Đề án là giúp người dạy tiếng Anh trên toàn quốc có ý thức nhìn nhận lại năng lực của mình, ôn lại những lý thuyết và phương pháp giảng dạy và học hỏi từ giảng viên và các giáo viên tham dự tập huấn khác về kinh nghiệm giảng dạy ngoại ngữ.

Tuy nhiên, một thực trạng chung của các khoá bồi dưỡng giáo viên được triển khai trong giai đoạn vừa qua là tỉ lệ lý thuyết nhiều, trong khi ít thời lượng và nội dung thực hành.

Bên cạnh đó, thời gian bồi dưỡng thường ngắn và tập trung (thường tổ chức vào dịp hè khi thời tiết và sự chuẩn bị về tâm thế không thực sự thuận lợi), sau đó thường không có các hoạt động tiếp nối, hướng dẫn người học áp dụng những nội dung được tập huấn trong thực tiễn giảng dạy của họ.

Do đó, hiệu quả để lại sau bồi dưỡng, tập huấn chưa lớn, vẫn xảy ra tình trạng một thời gian ngắn sau các khóa bồi dưỡng, tập huấn, các kiến thức, kỹ năng được tập huấn bị rơi vào quên lãng hoặc ít có điều kiện áp dụng.

Hơn nữa, việc bồi dưỡng vẫn đang dừng lại ở những mục tiêu ngắn hạn. Các nội dung bồi dưỡng đôi khi chưa xuất phát những đề xuất từ người dạy. Các nội dung bồi dưỡng, tập huấn được thực hiện trên diện rộng, đại trà cho phạm vi lớn người dạy của cùng địa phương, thường là của toàn tỉnh.

Điều này khiến cho việc bồi dưỡng phát triển chuyên môn hiện vẫn mang tính chất chính sách, hình thức, nhiều hơn mang tính cá nhân hoá, xuất phát từ nhu cầu, mục tiêu và kế hoạch hành động riêng của từng người dạy gắn với thực tiễn giảng dạy của chính họ.

Các kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho người dạy cũng chưa dựa trên những chiến lược lâu dài, mà chủ yếu là những nội dung riêng lẻ, đáp ứng nhu cầu thiếu hụt trước mắt và sự sẵn có về nguồn lực của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

Điều này khiến cho người dạy không thể chủ động và khó khăn trong việc phát triển kế hoạch tự bồi dưỡng lâu dài của họ. Không tránh khỏi tình trạng việc tham gia các khoá bồi dưỡng là theo chính sách, nghĩa vụ, nhiều hơn là xuất phát từ nhu cầu, động cơ, mục tiêu nội thân của mỗi người dạy.

Những thách thức đối với người dạy

- Ông có thể chia sẻ những thách thức đối với người dạy ngoại ngữ trong thời gian tới?

Đề án 2020 đã chỉ ra nhiều thách thức, khó khăn đối với người dạy ngoại ngữ ở Việt Nam bao gồm hàng loạt vấn đề như năng lực, số lượng giáo viên, chính sách lương và đãi ngộ, cơ sở vật chất và tài liệu dạy học …

Đặc biệt, trong giai đoạn tới đây thực hiện triển khai Đề án, cùng với việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức ra đời năm 2015, tác động của tiến trình khu vực hoá, toàn cầu hoá có tác động mạnh mẽ hơn bao giờ hết đến ngành giáo dục Việt Nam, đứng trước sứ mệnh trở nên cấp bách hơn là phải đào tạo cho đội ngũ lao động của Việt Nam có năng lực ngoại ngữ để có thể hội nhập quốc tế. Đứng trước tình hình đó, đội ngũ người dạy là những người chịu sức ép đầu tiên và lớn nhất để thực hiện sứ mệnh này.

Bên cạnh đó, chúng ta đang trong quá trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa, bao gồm các môn ngoại ngữ. Những thay đổi này sẽ đòi hỏi người dạy phải cập nhật, điều chỉnh và xây dựng những phương án, kế hoạch giáo dục phù hợp.

Hơn nữa, trong điều kiện công nghệ thông tin đang được ứng dụng nhiều hơn trong giáo dục trong giai đoạn này. Đặc biệt, trong chương trình đổi mới của ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục và người dạy có thể được lựa chọn sách giáo khoa và tài liệu phù hợp với điều kiện và nhu cầu giáo dục của mình, người dạy lại đứng trước thách thức phải có thêm những năng lực mới như năng lực thích ứng với điều kiện giảng dạy, năng lực lựa chọn và xây dựng ngữ liệu phù hợp với điều kiện giảng dạy, năng lực ứng dụng CNTT…

Ngoài ra, trong thời đại hiện nay khi người học được tiếp cận nhiều hơn với môi trường ngoại ngữ, kỳ vọng của họ đối với người dạy ngày càng cao. Thực tế này đòi hỏi người giáo viên ngoại ngữ phải liên tục đổi mới để đáp ứng kỳ vọng của người học.

Trong thế giới phẳng hiện nay khi mà không chỉ công nghệ được thay đổi thường xuyên, phương pháp giảng dạy ngoại ngữ, quan điểm về vai trò của người dạy và người học, quan điểm về mối quan hệ giữa người dạy và người học cũng như mối quan hệ đa chiều giữa xã hội – người dạy – người học cũng thường xuyên được đổi mới. Điều này đặt người dạy vào bối cảnh phải thường xuyên cập nhật những đổi mới trên thế giới để sao cho mỗi giờ dạy của mình tạo được hiệu quả cao nhất cho người học.

Những thách thức trên bao gồm một số là thách thức mới trong giai đoạn tới, một số là thách thức không mới nhưng cấp bách hơn. Người dạy ngoại ngữ ở Việt Nam đều cần có năng lực để đáp ứng với những thách thức này. Đó là nhiệm vụ đặt ra cho Đề án NNQG 2020 và toàn ngành giáo dục.

Đề xuất mô hình cộng đồng bồi dưỡng và thực hành giảng dạy ngoại ngữ

- Giáo viên ngoại ngữ kỳ vọng sẽ có một “sân chơi” chung, ở đó họ được cập nhật kiến thức và kỹ năng giảng dạy ngoại ngữ, có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận những khó khăn gặp phải, … và từ đó hình thành nên một cộng đồng bồi dưỡng và thực hành giảng dạy ngoại ngữ tích cực. Giải pháp nào cho mong muốn này, thưa ông?

Có thể nói đây cũng là mong muốn của chúng tôi khi đề xuất xây dựng mô hình Cộng đồng bồi dưỡng và thực hành giảng dạy ngoại ngữ.

Với mô hình này, cộng đồng bồi dưỡng và thực hành ngoại ngữ được hình thành với các đặc điểm sau:

Cơ chế hoạt động: Dựa trên cơ sở hợp tác giữa các trường học và các trường ĐH, CĐ có chức năng đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ.

Trong đó các trường ĐH, CĐ xây dựng chương trình bồi dưỡng (chương trình sẽ gồm hai nội dung là Bồi dưỡng và thực hành trực tuyến với tối thiểu 300 giờ/năm và Bồi dưỡng và thực hành trực tiếp với tối thiểu 15 ngày học/năm với khoảng 15 chuyên đề khác nhau để lựa chọn), xây dựng đội ngũ giảng viên bồi dưỡng, chuẩn bị cơ sở vật chất (gồm cả cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và cơ sở hậu cần cho các giáo viên tham gia học trực tuyến), lập kế hoạch tổ chức bồi dưỡng thường niên và thông báo tới các trường học.

Các trường học hàng năm cử các giáo viên ngoại ngữ tham gia các khoá bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến trên cơ sở luân phiên từng giáo viên hoặc từng nhóm giáo viên, xếp lịch giảng dạy của các giáo viên sao cho mỗi năm học mỗi giáo viên tham gia được 300 giờ bồi dưỡng và thực hành trực tuyến và 15 ngày bồi dưỡng và thực hành trực tiếp tại các cơ sở đào tạo.

Nhóm giảng viên/ bồi dưỡng viên tới từ các trường ĐH, CĐ có chức năng đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ và nhóm học viên là các giáo viên ngoại ngữ tới từ các trường học trên cả nước.

Giảng viên/ bồi dưỡng viên triển khai các khoá bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến, tham dự các giờ dạy thực tế của giáo viên được bồi dưỡng để có thể đưa ra tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Giáo viên ngoại ngữ hàng năm tham gia đầy đủ 300 giờ trực tuyến và 15 ngày học trực tiếp, thực hiện các yêu cầu của chương trình, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy của mình với các giáo viên ngoại ngữ khác.

- Xin cảm ơn ông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ChatGPT đang gây sốt trên toàn thế giới với khả năng giao tiếp tự nhiên và dữ liệu kiến thức khổng lồ.

Người lao động tận dụng ChatGPT

GD&TĐ - ChatGPT là nền tảng công nghệ dạng tổng hợp tri thức và được kiểm chứng - nếu biết sử dụng đúng cách có thể khai thác để phục vụ cho công việc, học tập.
Quân đội Israel tấn công Gaza.

IDF đã sẵn sàng tấn công Rafah

GD&TĐ - Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết hôm 5/5, quân đội Israel đã sẵn sàng cho cuộc tấn công trên bộ vào thành phố Rafah ở phía nam Gaza.
Hoạt động trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên” tại Tượng đài kéo pháo. Ảnh: NTCC

Hành trình theo 'địa chỉ đỏ'

GD&TĐ - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên có chất lượng dạy và học đứng đầu trong khối các trường THPT không chuyên của địa phương...
Bạn có thể tận hưởng sự gắn kết thể xác với bạn tình và có một mối quan hệ yêu đương, nhưng vì lý do nào đó, bạn trở nên ít hứng thú với tình dục. (Ảnh: ITN)

Khi nàng rối loạn ham muốn 'yêu'

GD&TĐ - Rối loạn ham muốn ở phụ nữ là một loại rối loạn chức năng tình dục khiến người trong cuộc có rất ít hoặc không có hứng thú với chuyện ấy.