Cần nhiều hơn sự quan tâm tới giáo viên công tác vùng cao

GD&TĐ - Trong cuộc sống có nhiều người mong muốn cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho công việc, cho đất nước với một lý do đơn giản đó là tình yêu nghề, rộng hơn là tình yêu đất nước. 

Cần nhiều hơn sự quan tâm tới giáo viên công tác vùng cao

Họ chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân để cống hiến với những việc làm ý nghĩa, nhân văn, họ là các giáo viên đang công tác tại địa phương miền núi, vùng cao.

Qua tìm hiểu, cũng như thực tế đi công tác, được tâm sự, chia sẻ với các giáo viên nơi đây, tôi mới hiểu được một phần về họ, về những vất vả mà họ trải qua để mang con chữ đến với trẻ em miền núi, để chắp cánh cho các em có được tương lai rộng mở.

Khác với những giáo viên miền xuôi, họ không nhận được sự quan tâm của phụ huynh HS nhân Ngày Nhà giáo, không nhận quà cáp mỗi khi phụ huynh gửi HS, không được dạy thêm hoặc không có điều kiện làm công việc khác để kiếm thêm thu nhập…

Nhiều giáo viên miền núi phải thức khuya để soạn giáo án, dạy sớm đi bộ vài km đến trường để dạy học vì không thể đi bằng phương tiện giao thông, bữa cơm trưa thì đạm bạc...

Hay các ngày nghỉ phải vào tận thôn, làng để vận động các em ra lớp và đôi khi phải tự bỏ tiền túi để mua cho các em HS từng cây bút, quyển vở…

Những năm qua, Đảng và Nhà nước không ngừng quan tâm đến các chế độ, chính sách cho giáo viên đang công tác tại địa phương miền núi nhằm bù đắp xứng đáng với những công lao, cũng như tạo điều kiện để giáo viên yên tâm bám lớp, bám trường.

Tuy nhiên, đa số giáo viên nhận công tác tại địa phương miền núi không phải vì lương cao. Nếu cho đổi vị trí công tác giữa họ với giáo viên ở miền xuôi thì họ sẵn sàng đồng ý mà không cần phải suy nghĩ, nhưng khi dấn thân vào công việc, trực tiếp dạy các em họ mới tìm thấy được niềm vui, ý nghĩa của việc làm mà họ mang lại và là động lực chính để họ bám lớp, bám trường.

Khi công tác tại địa phương miền núi, các giáo viên mới thấu hiểu cuộc sống vất vả của người dân nói chung, người đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, nơi mà trình độ dân trí còn thấp, các hủ tục còn đeo bám, nhận thức việc cho con em đi học còn nhiều hạn chế nên cái đói, cái nghèo xảy ra thường xuyên.

Do vậy, việc giáo dục các em HS ở địa phương miền núi không chỉ có ý nghĩa đơn thuần là để các em biết chữ, thi lên lớp… mà quan trọng hơn là thay đổi tư duy, suy nghĩ của người dân trong việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nâng cao trình độ hiểu biết để không bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt hay muốn phát triển kinh tế phải dựa kiến thức…

Ý nghĩa là vậy, nhưng đâu đó cũng có một bộ phận giáo viên khi được điều động về công tác tại địa phương miền núi thì thường né tránh, tìm cách “chạy để có chỗ dạy ở miền xuôi hay khi nhận công tác thì không tâm huyết, làm cho xong nhiệm vụ, chưa làm tròn bổn phận của giáo viên chân chính nên nhiều lúc, nhiều nơi đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của các trường tại địa phương miền núi.

Đây chỉ là số ít trong hàng vạn giáo viên đang công tác tại địa phương miền núi, họ làm việc không phải chỉ để có việc làm mà kèm với đó là tình yêu thương, chia sẻ, mong muốn chăm lo cho các em HS, họ là những người xứng đáng được vinh danh, khen thưởng và quan tâm hơn nữa về các chế độ, chính sách để yên tâm công tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.