Cần nhất vẫn là cái tâm và sự thân thiện

Cần nhất vẫn là cái tâm và sự thân thiện

(GD&TĐ) - Sự có mặt của đội ngũ tham vấn viên tại các  trường học giúp tư vấn, tháo gỡ, chia sẻ với học sinh những điều khó nói. Tuy nhiên, trong thực tế hiệu quả của các tư vấn viên vẫn chưa thật sự cao. Học sinh vẫn còn ngại và e dè khi chưa muốn chia sẻ những vấn đề khó nói như khi tham vấn với các chuyên gia tâm lý qua điện thoại, số hộp thư thoại của tổng đài các trung tâm tư vấn… Vậy nguyên nhân của vấn đề trên nằm ở đâu?

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS –chuyên gia Tâm lý Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) xoay quanh vấn đề này.

PV: TS đánh giá sao về thực trạng hoạt động của các phòng tham vấn trong trường học? 

TS – chuyên gia Tâm lý Huỳnh Văn Sơn
TS – chuyên gia Tâm lý Huỳnh Văn Sơn

TS Huỳnh Văn Sơn: Ở một góc nhìn tích cực, nhiều tham vấn viên đã linh hoạt phối hợp với các chuyên gia khác tăng cường hiệu quả công tác tư vấn dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, cũng phải thừa nhận  rằng hoạt động tư vấn học đường dù rất nỗ lực nhưng vẫn chưa thực sự chạm đến những mong mỏi đích thực của một số học sinh.

PV: Sự hạn chế của đội ngũ tham vấn viên trong trường học phải chăng là do khâu đào tạo? 

TS Huỳnh Văn Sơn: Có thể nói có khá nhiều tham vấn viên trường học đã làm rất tốt công tác của mình. Nhưng cũng không thể không thừa nhận một số còn hạn chế. Chính công tác truyền thông chưa “tới” về nghề tham vấn hay công việc của tham vấn viên trường học làm cho nhiều người nghĩ giản đơn về nghề này và công việc này. Thực tế, những đòi hỏi về nghề không đơn giản nếu như những kiến thức cơ bản, cơ sở về nghề không đủ…Trong đó, quan trọng nhất là sự thiếu hụt về kỹ năng nghề cụ thể, nhất là những phẩm chất nghề hay những vấn đề thuộc về đạo đức nghề nghiệp.

PV: Không ít trường cán bộ tư vấn là GV kiêm nhiệm. Dưới góc nhìn cá nhân, theo TS phải làm cách nào để học sinh mở lòng với cán bộ tham vấn? 

TS Huỳnh Văn Sơn: Đây là một thực tế tồn tại cần được nhìn nhận thấu tình và đạt lý. Tham vấn nói chung và tham vấn học đường ở Việt Nam hình thành non trẻ dựa trên nền tảng tâm huyết của những thầy cô giáo và quý anh chị khác làm kiêm nhiệm, yêu thích nghề, thầy cô về hưu với bề dày kinh nghiệm như thế… Số lượng chuyên gia tham vấn đúng nghĩa được đào tạo đúng chuyên ngành đã hiếm và đào tạo chuyên về tâm lý học trường học hay tham vấn học đường lại càng hiếm hơn. 

Hiện nay, tại các nhà trường, công tác tham vấn vẫn đang tiếp tục diễn tiến trong bối cảnh kiêm nhiệm. Do đó, chúng ta không thể chối bỏ quá khứ với những viên gạch mở đầu và những tác động hữu hiệu để giải tỏa cơn khát trong quá khứ và hiện tại. Tuy nhiên, vấn đề được làm việc sẽ không quan trọng bằng làm việc như thế nào và việc đào tạo chuyên hay tiếp tục đào tạo sâu là đòi hỏi tất yếu trong bất kỳ nghề nghiệp nào. Một số thầy cô có tuổi vẫn miệt mài tham gia các khóa học ngắn hạn, các chương trình tập huấn có chứng chỉ. Một số ít thầy cô đã có cả chứng chỉ tương đương cử nhân hoặc cử nhân ở các chương trình đào tạo liên kết tham vấn và trị liệu….điều đó minh chứng cho một sự miệt mài không ngừng…Vấn đề kiêm nhiệm đã được giải quyết nếu bạn thực sự yêu thích và dấn thân như thế. Và với tôi, nếu đã thực sự dấn thân thì nên biết tập trung. 

Để học sinh mở lòng, yếu tố gây thiện cảm là rất quan trọng. Bên cạnh đó là cách thức gây dựng niềm tin, tạo không khí thân tình cũng như những cam kết ngầm được bắt tín hiệu là yêu cầu cũng thực sự cần thiết.

HS phổ thông tham gia tư vấn tuyển sinh. (Ảnh: Phú An)
HS phổ thông tham gia tư vấn tuyển sinh. (Ảnh: Phú An)

PV: Giáo viên và cán bộ tham vấn cần phải làm gì để quan tâm đến học sinh hậu tư vấn?

TS Huỳnh Văn Sơn: Hậu tư vấn là một thách thức. Đây chính là khó khăn cho những người làm tham vấn không có lực kết hợp. Nếu mối dây liên kết với gia đình, trường học thực sự chắc, hậu tham vấn sẽ rất nhẹ nhàng và hiệu quả. Còn về phía giáo viên, nếu giáo viên là người có quan tâm đến học sinh khi bắt đầu tham vấn, hay họ sẵn sàng hợp tác với nhà tham vấn học đường hoặc tiếp nhận thông tin một cách tích cực thì vấn đề sẽ trở nên thông thoáng.

PV: TS có thể cho biết và đánh giá về công tác đào tạo cử nhân tâm lý hiện nay tại các trường ĐH của chúng ta, hiện nay?

TS Huỳnh Văn Sơn: Có thể nhận định nhiều cơ sở đào tạo Tâm lý học của chúng ta đã cố gắng nhiều. Chúng ta vẫn còn hiểu chung chung về vấn đề đào tạo. Nếu đúng chuyên ngành thì chuyên ngành Tham vấn trường học, Tâm lý trường học, Tâm lý học đường, Tâm lý học giáo dục… và những tên gần chính xác như thế mới phục vụ trực tiếp cho tham vấn trường học. 

Trong những năm qua, các trường đã chuyển đổi hướng đào tạo đi theo hướng này và theo cá nhân tôi được biết năm 2012 vừa qua, khóa đầu tiên chuyên sâu về Tâm lý học trường học của Trường Đại học sư phạm Hà Nội đã tốt nghiệp và tìm việc khá tốt. Trường đại học Sư phạm TP HCM sau nhiều năm chú trọng hướng đầu ra này cho ngành Tâm lý Giáo dục đã mở ngành đào tạo Tâm lý học có chuyên sâu về tham vấn được hai năm và đang nỗ lực đào tạo chuyên hẳn về Tâm lý học giáo dục trong lộ trình của mình.

PV: Việc tuyển dụng và đưa vào ngạch biên chế chức danh tư vấn tâm lý học đường cần phải thực hiện ra sao, thưa TS? 

TS Huỳnh Văn Sơn: Có thể nói TP. Hồ Chí Minh là một trong những tỉnh thành quan tâm đặc biệt đến vấn đề này và đã có những chủ trương hay những chỉ đạo rất cụ thể và sát sườn. Từ những văn bản định hướng các cơ sở giáo dục Cao đẳng – Đại học và cơ sở khác trong năm 2008-2009 thì Bộ giáo dục và đào tạo đã khuyến khích các cơ sở giáo dục phát triển lĩnh vực này bằng nhiều hình thức khác nhau. Đã có khá nhiều chuyên viên tâm lý được tuyển dụng.  Năm 2012, vào tháng 9 – Sở  GD&ĐT TP HCM ban hành văn bản tiếp tục nhằm làm cho các vấn đề có liên quan mà vấn để tuyển dụng cũng được quan tâm nhiều hơn. 

PV: Ngoài đội ngũ tư vấn, để công tác tư vấn tâm lý học đường phát triển tốt, cần thêm những điều kiện gì?

TS Huỳnh Văn Sơn: Cần lắm sự đồng thuận từ nhiều phía mà cụ thể là sự quan tâm đồng bộ và chính thức như một nhiệm vụ của trường học chứ không phải là một hoạt động ngoài giờ hay một chương trình bổ sung. Vấn đề đào tạo nhân lực, vấn đề cơ sở vật chất, vấn đề phát triển nhân lực bao gồm: giữ chân, động viên kích thích người lao động, tái đào tạo, cơ hội phát triển… cần được xem xét để công tác này sẽ được phát triển một cách đúng nghĩa và mang tính dài lâu.

PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Anh Tú (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ