Cần nguồn lực đầu tư dài hơi

Cần nguồn lực đầu tư dài hơi

(GD&TĐ) - Thời gian qua, sự nghiệp giáo dục trên đảo Hòn Tre - trung tam hành chính của huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) được quan tâm đầu tư và có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên hòn đảo nhỏ chỉ 4 km2 nhưng có tới 5000 dân, đất chật, người đông, chi phí vận chuyển vật tư, vật liệu xây dựng từ đất liền ra đảo rất cao nên việc xây dựng trường chuẩn quốc gia và xây nhà công vụ cho GV trên đảo gặp không ít khó khăn…

Cần nơi an cư để giáo viên bám đảo

Quyết tâm vực dậy GD vùng biển đảo, ở nơi đảo xa Hòn Tre thuộc huyện Kiên Hải (Kiên Giang) giờ đây có thêm nhiều ngôi trường khang trang được mọc lên. Đây không chỉ là niềm phấn khởi của người dân trên đảo mà còn là niềm vui và ước mơ của những nhà giáo đã gắn bó với đảo hàng chục năm qua. Từ hòn đảo ngày nào chỉ có vài ngôi trường lụp xụp có nhiều cấp học, HS học xong cấp 2 phải vào đất liền hoặc sang đảo lớn hơn để học tiếp cấp 3 thì giờ đây bộ mặt GD xã đảo Hòn Tre có nhiều khởi sắc.

Cần tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trên hải đảo để GV yên tâm bám đảo công tác
Cần tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trên hải đảo để GV yên tâm bám đảo công tác

Thầy trò không còn lo cảnh thiếu trường thiếu lớp vì hôm nay đảo đã có đủ trường cho cả 3 cấp học, HS không còn phải lặn lội đi xa…  Từ đất liền ra đến đảo Hòn Tre trời đã sập tối, gặp ông Võ Thành Phú, Phó Phòng GD&ĐT huyện Kiên Hải, người đã gắn bó với GD trên đảo hàng chục năm qua. Hỏi thăm tình hình GD, thầy Phú phấn khởi: “Hiện nay huyện đảo có 10 trường, trong đó có 2 trường THPT, 1 trường THCS, 1 trường phổ thông cơ sở, 4 trường TH và 2 trường MN... Có thể thấy rằng điều làm người dân và đội ngũ thầy cô giáo trên đảo phấn khởi nhất là giờ đây HS không còn phải đi học xa và không phải lo cảnh thiếu trường thiếu lớp…”. Hỏi thăm mới biết đa số GV đang công tác trên đảo đến từ các địa phương khác, người quê ở ĐBSCL, có người quê tận các tỉnh phía Bắc và miền Trung như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…

Nơi đảo xa, bốn bề là nước nhưng đã có nhiều thế hệ thầy cô giáo đã lặn lội đến đây, vượt bao khó khăn, vất vả và bám đảo dạy chữ cho đến ngày hôm nay.  Do địa bàn hải đảo có đặc thù đất đai khá chật hẹp, phần diện tích chủ yếu là đồi núi nên chuyện nhà ở cho đội ngũ nhà giáo là vấn đề đặt ra khá cấp bách. Theo con số thống kê của Phòng GD& ĐT Kiên Hải, hiện nay toàn huyện có 254 GV, đa phần GV đang ở nhà thuê, nhà trọ và nhà công vụ. Dù được quan tâm đầu tư nhưng số nhà công vụ cho GV trên đảo vẫn còn thiếu. Theo ông Võ Thành Phú thì hiện nay có khoảng 80% GV ở nhà công vụ và ở nhà thuê, nhà trọ. Trong số 10 trường của huyện Kiên Hải thì 7 trường có nhà công vụ, còn lại 3 trường vẫn chưa có nhà công vụ. 

Cần nguồn lực đầu tư dài hơi ảnh 2
Thầy giáo trẻ Danh Thành Đạt vừa ra đảo công tác được vào ở nhà công vụ nên đã yên tâm 

Như trường TH Hòn Tre hiện nay đang gặp khó vì thiếu nhà công vụ cho GV, trong 27 cán bộ, GV, nhân viên chỉ có 4 người có nhà công vụ, còn lại một số người phải ở tập thể, ở nhà thuê, nhà trọ. Trường muốn mở rộng thêm nhà công vụ cũng rất khó vì phía sau là núi cao, xung quanh là nhà dân nên đành phải chịu... Còn thầy Nguyễn Xuân Thưởng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Kiên Hải cho biết: “Hiện nay trường có 28 GV, chỉ có 1 GV là người địa phương còn lại từ nơi khác đến như Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Kiên Giang… GV của trường người có thâm niên nhất cũng công tác 20 năm, người công tác 8 năm đến 10 năm và có GV mới ra đảo nhận công tác. Tất cả GV của trường thì 1 người có nhà riêng, 2 người mướn nhà bên ngoài còn lại đều ở nhà công vụ và nhà trọ…  

Chúng tôi tìm gặp một GV “tân binh” vừa mới ra đảo Hòn Tre nhận công tác. Đó là thầy giáo Danh Thành Đạt quê ở xã Định Hòa, huyện Gò Quao (Kiên Giang). Thầy Đạt tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP. HCM ngành Hóa học rồi tình nguyện ra đảo công tác tại Trường THPT Kiên Hải. Thầy Đạt đứng lớp được 2 tháng nay và vui nhất là được sắp xếp vào ở nhà công vụ chung với một đồng nghiệp nam cũng đang công tác tại trường. Không giấu được niềm vui, thầy chia sẻ: “Mới ra đảo mọi thứ còn lạ lẫm, có ngôi nhà công vụ ở cảm thấy yên tâm và tiết kiệm được nhiều chi phí. Mong là trên đảo có thêm nhiều nhà công vụ để những GV từ nơi khác đến có nơi ăn ở và yên tâm công tác...”.  

Hiện nay đất đai trên đảo khá đắt đỏ, trung bình mỗi m2 giá khoảng 1 triệu đồng, sau đó san lấp mặt bằng thêm 1 triệu đồng/m2, chi phí xây dựng cao ngất ngưỡng nên dành dụm tiền mua đất, xây ngôi nhà đối với GV nơi đây không hề đơn giản. Thầy Võ Thành Phú cho biết thêm, GV công tác trên đảo được hưởng 0,5% hệ số lương cơ bản và 30% phụ cấp đặc biệt. Mới ra trường 1 GV lương khoảng 3,6 triệu đồng/tháng nên đủ trang trải cho cuộc sống. Sống trên đảo mỗi ngày ít nhất một người tiêu hết 60 ngàn đồng. Mọi thứ giá cả đều đắt hơn đất liền, nhất là mùa biển động vì đường vận chuyển khá xa trong khi trên đảo không thể trồng trọt, chăn nuôi hoặc sản xuất. Ví dụ một bình nước lọc loại 20 lít giá ở đất liền chỉ 10-11 ngàn đồng, vào mùa khô lúc đảo thiếu nước ngọt phải mua bình nước này giá 40 ngàn đồng...

Khó xây trường chuẩn quốc gia 

Huyện đảo Kiên Hải có 4 xã: Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du với số dân khoảng 21 ngàn. Trong đó đảo Lại Sơn có diện tích lớn nhất và dân số đông nhất, trường lớp nhiều nhất. Dù những năm qua GD trên huyện đảo được quan tâm đầu tư nhưng đến nay huyện chưa có trường đạt chuẩn QG. Theo Phòng GD& ĐT huyện thì dự kiến năm 2013 – 2015 ở xã đảo Lại Sơn tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới nên có chủ trương xây dựng trường đạt chuẩn QG…

Diện tích đất khá nhỏ nên nhà công vụ GV Trường THPT Kiên Hải được xây lên cao
Diện tích đất khá nhỏ nên nhà công vụ GV Trường THPT Kiên Hải được xây lên cao

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Trị, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kiên Hải cho biết: “Do đặc thù địa phương là hải đảo nên điều kiện cơ sở vật chất trên đảo còn thiếu như sân bãi, khuôn viên trường, hàng rào… Mặt bằng nơi đây có độ dốc, gồ ghề, toàn là đá nên chi phí đầu tư xây dựng một ngôi nhà hay trường lớp cao gấp 2 - 3 lần so với đất liền…”. 

Không như đất liền, trên đất đảo để hội đủ điều kiện xây dựng trường đạt chuẩn QG là rất khó. Khó nhất hiện nay mà ngành GD huyện đảo gặp phải trong xây dựng trường chuẩn QG là cơ sở vật chất, mặt bằng, diện tích xây dựng... Còn chuyện mở rộng diện tích trường càng khó hơn vì địa hình núi cao, xung quanh trường là nhà dân. Thầy Nguyễn Xuân Thưởng, Hiệu trưởng trường THPT Kiên Hải cho biết: “Xây dựng trường chuẩn QG trên đảo gặp khó về mặt bằng, diện tích và cả số lượng HS. Trên đảo HS ít quá, không đạt chuẩn về số lớp và số lượng HS. Còn diện tích trường rất khó mở rộng, nhà dân xung quanh rất nhiều, giá tiền đền bù rất cao...”. 

Ở đảo khi tiến hành xây dựng công trình mọi thứ phải phụ thuộc vào đất liền, phương tiện vận chuyển vật tư chủ yếu là ghe, tàu nên chi phí đội giá lên rất cao. Khi hỏi thăm chúng tôi rất bất ngờ trước giá của mỗi bao xi măng, mỗi mét khối cát, viên gạch đều tăng lên gấp đôi so với đất liền. “Ở đảo xây dựng công trình chi phí cao gấp đôi gấp ba lần nơi khác vì đầu tiên phải san lấp mặt bằng, mọi thứ phải vận chuyển từ đất liền ra đảo. Như xi măng ở đất liền giá khoảng 75 ngàn đồng/bao ra tới đảo có khi giá lên tới 140 ngàn; 1 mét khối cát xây dựng ở đảo giá lên đến 500 ngàn đồng…”, thầy Võ Thành Phú cho biết. 

Hiện nay ngành GD đang tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng dạy, học tiến tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công cuộc xây dựng CNH-HĐH đất nước. GD trên vùng hải đảo rất cần sự đầu tư dài hơi để có thể phát triển vững vàng, tạo điều kiện cho con em trên đảo được học hành. Trước mắt cần có thêm nơi an cư để những GV bám đảo làm hết sức mình và có thêm những ngôi trường mới phục vụ cho công tác giáo dục và đào tạo trên vùng hải đảo... 

Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ