Tăng tốc chọn ngành nghề
Từ đầu tháng 4, Phan Quang Bình Minh - học sinh lớp 12, Trường tư thục nội trú ở TP Pleiku (Gia Lai) bắt đầu chú ý đến thông tin tuyển sinh của các trường đại học.
Cha mẹ Minh định hướng cho con theo 3 khối ngành: Y Dược với ngành Y khoa hoặc Răng Hàm Mặt; Kinh doanh với các ngành Kinh doanh quốc tế, Kinh tế đối ngoại; Kỹ thuật với ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (hệ kỹ sư) hoặc Quản lý công nghiệp. Ngoài ra, người cha là sĩ quan quân đội nên cũng định hướng cho Minh nhóm ngành vào các trường quân sự.
Sau khi “sàng lọc” theo sở thích, học lực và năng lực, tính cách, gia đình thống nhất cho cậu chọn khối ngành Kinh doanh. “Em mừng vì cha mẹ tôn trọng sở thích và lựa chọn cá nhân. Tính em quảng giao, thích làm công việc năng động nên các ngành nghề kinh doanh sẽ phù hợp hơn làm bác sĩ hay sĩ quan”, nam sinh chia sẻ.
Sau khi giải quyết xong bài toán chọn ngành, gia đình Minh tiếp tục giải bài toán chọn trường. Vừa qua, học sinh khối 12 được nhà trường tổ chức cho tham quan một số trường đại học lớn ở TPHCM. Sau chuyến tham quan, Minh khá ưng ý với Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), bởi đơn vị này hiện có đủ các ngành cậu ưng ý. “Em biết cơ sở này điểm chuẩn cao nên phải cố gắng nhiều. Em sẽ chọn thêm một số nguyện vọng ở trường khác nhằm tăng khả năng trúng tuyển”, Minh nói.
Giống như Minh, thời điểm này, nhiều học sinh khối 12 đã nghĩ tới việc chọn trường, ngành để xét tuyển đại học. Không chỉ tự tìm hiểu phương thức tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngày hội tư vấn tuyển sinh tại các trường đại học cũng là kênh lựa chọn được nhiều phụ huynh, học sinh hưởng ứng.
Ngoài ra, nhiều học sinh bắt đầu tham gia một số kỳ thi đánh giá năng lực để đăng ký xét tuyển sớm, không phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ước mơ làm thầy giáo dạy toán từ nhỏ và được gia đình ủng hộ, Nguyễn Minh Thắng - học sinh lớp 12 Trường THPT Dĩ An (Bình Dương) đăng ký tham gia 2 đợt kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường Đại học Sư phạm TPHCM vào tháng 3 và 5 để lấy kết quả xét tuyển sớm ngành Sư phạm Toán, Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
Sau 90 phút làm bài trong kỳ thi đợt 1 diễn ra vào ngày 29/3, Thắng thoải mái vì đề vừa sức. Nam sinh dự đoán làm đúng được 50 câu trong đề, có thể đạt 7 - 8 điểm. “Em thích tìm hiểu kiến thức và giảng lại cho người khác nên có lẽ nghề giáo phù hợp. Tham gia kỳ thi này, bản thân có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học”, nam sinh cho biết.
Đại diện Trường Đại học Y Dược TPHCM tư vấn tuyển sinh cho phụ huynh, học sinh, tháng 3/2024. Ảnh: Mạnh Tùng |
Đồng hành cùng thí sinh
Đồng hành cùng thí sinh, các hoạt động tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp dành cho xét tuyển đại học năm 2024 vào mùa cao điểm. Với mong muốn giữ thế chủ động trong công tác tư vấn hướng nghiệp, đồng thời tăng cơ hội tiếp cận với nhóm học sinh tiềm năng, các trường đại học tích cực triển khai chương trình tư vấn tuyển sinh bằng nhiều hình thức.
Có thể kể đến như tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh quy mô lớn, các buổi tư vấn trực tiếp tại trường THPT, tổ chức trải nghiệm và tham quan nhà trường, tư vấn trực tuyến trên Fanpage… Tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, từ nay đến cuối tháng 5, diễn ra 8 buổi tư vấn trực tuyến, phát sóng ở các kênh: Truyền hình, Fanpage Tuyển sinh Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM; TikTok; YouTube. Các chuyên gia tuyển sinh, giảng viên sẽ giải đáp về chương trình đào tạo, ngành, nghề ở khoa mình, vừa cung cấp thông tin tổng quan về công tác tuyển sinh.
Mới đây, tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ở tỉnh Bạc Liêu, TS Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) nhắn nhủ thí sinh, việc chọn trường, ngành cần cân nhắc trên nhiều yếu tố, đặc biệt là năng lực bản thân.
Theo ông, ngày nay, trúng tuyển đại học không quá khó, song để học tốt không dễ dàng nếu sinh viên không đủ năng lực bởi những yêu cầu, phương pháp học tập. Do đó, thay vì vào đại học bằng mọi giá, thí sinh có thể cân nhắc thêm hướng cao đẳng, trung cấp, học nghề phù hợp với sức học.
Theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM, học sinh TPHCM luôn có sự chủ động cao trong việc tìm hiểu ngành nghề nên các trường đại học thường công bố đề án tuyển sinh sớm để thí sinh nắm thông tin, định hướng nghề nghiệp.
ThS Sơn cho rằng, những ngành đang “hot” thu hút đông thí sinh đăng ký xét tuyển vài năm gần đây gồm khối kinh tế (Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Kế toán, Tài chính - ngân hàng, Marketing, Thương mại điện tử...); luật; công nghệ thông tin (Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Khoa học dữ liệu...).
Về việc xét tuyển, ThS Phạm Thái Sơn khuyên học sinh nên tận dụng nhiều phương thức, trong đó có phương thức mang tính “truyền thống” như xét học bạ THPT và điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo ông Sơn, thí sinh không nên quá tự tin vào một phương thức nào đó vì có thể năm nay, các trường đại học lấy điểm chuẩn cao hơn so với các năm trước.
Kể từ năm 2025, Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có điều chỉnh theo Chương trình GDPT 2018, dự kiến kéo theo những thay đổi ở khâu tuyển sinh của các trường đại học. Do đó, không chỉ học sinh khối 12, nhiều phụ huynh, học sinh khối 11 cũng tranh thủ tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học để có phương án học tập, thi cử tốt nhất.