Căn lán sắp sập và những bát cơm chan nước lã ở điểm trường vùng cao

GD&TĐ - Lán nội trú dột nát trên cao nguyên Phiêng Cằm và những bữa trưa cơm trắng chan nước lã như bóp nghẹt trái tim người thiện nguyện đến điểm trường.

Vách lán mối mọt, xiêu vẹo tại căn lán nội trú điểm trường Phiêng Mụ
Vách lán mối mọt, xiêu vẹo tại căn lán nội trú điểm trường Phiêng Mụ

Căn lá nội trú thủng mảng tường, chực chờ sắp sập của 20 học sinh người Khơ Mú

Điểm trường tiểu học Phiêng Mụ thuộc Trường PTDT bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La có một lán nội trú dành cho 20 học sinh người dân tộc Khơ Mú và dân tộc Thái.

Theo thầy Sồng A Phía, Hiệu trưởng của trường, lán nội trú được dân bản dựng lên cách đây 6 năm và cứ 2 -3 năm, người dân lại lên sửa sang một lần.

Lán chia làm 3 gian theo số học sinh của mỗi bản. Khi lán hỏng, học sinh thuộc bản nào, người bản đó đến sửa. 2 gian bên phải theo lối vào dù đã vào năm học mới nhưng người dân chưa thể sửa sang. Mái fibro xi măng nhiều chỗ thủng, dột nát, các cấu kiện mối mọt, xiêu vẹo, vách lán ghép bằng gỗ ván lâu ngày cũng hở toác, thậm chí có chỗ mất luôn một mảng tường, đủ để 2 người cùng đi vào.

“Ở đây không an toàn nữa rồi. Thứ nhất nhiều muỗi, thứ hai mưa gió là có thể tốc mái hoặc dột xuống khắp nơi. Chúng tôi đang nhờ phụ huynh mua bạt về quây ở bên ngoài để mai có thể cho các con vào ở tạm. Nếu có mưa gió thì sẽ sơ tán các con lên lớp học” – thầy Cầm Văn Hòa vừa đóng đinh, gia cố các cấu kiện của lán đã bị bung ra, vừa chia sẻ.

Cũng vì lo thiếu an toàn, nhà trường phải cắt cử các thầy cô thay phiên ở lại chăm sóc cho các con từ miếng ăn đến giấc ngủ, nhất là các học sinh lớp 1 và lớp 2. Theo thầy Hòa, nhiều học sinh bố mẹ đi làm xa, gửi thầy cô cả tuần, không có người đưa đón hay mang cơm tới lớp, các thầy cô phải nấu cơm cho các con ăn hàng ngày.

Tối hôm đó tại điểm trường, sau một ngày theo học con chữ, trong lán nội trú, dưới ánh đèn leo lắt, chúng tôi tận mắt thấy hơn chục học sinh ở lại trường, quây tròn trên phản liếp cùng ăn bữa tối. Bữa tối là cơm trắng, có vài miếng cá khô gói trong những chiếc túi bóng.

Bữa tối chỉ có cơm trắng trộn mỳ tôm, cá khô của các em học sinh

Bữa tối chỉ có cơm trắng trộn mỳ tôm, cá khô của các em học sinh

Thương học trò chỉ có cơm trắng, cá khô, thầy cô lại nấu mỳ tôm cho các em ăn trộn. Ngặt nỗi, mỳ chỉ còn 3 gói. Nhìn những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn, ăn vèo cái hết cơm và mỳ tôm mà cái bụng chưa no, lòng ai cũng chùng xuống.

Đến lớp học “nhiều cái không” trên đỉnh Co Muông

Cách Phiêng Mụ hơn 100km về biên giới Việt – Lào, những đứa trẻ mầm non ở điểm trường Co Muông cũng phải ăn cơm trắng. Thậm chí, cơm trắng trộn nước lã mà chúng tôi được chứng kiến khi bà Sộng Thị Tộng cho 3 đứa cháu ăn phía sau hồi lớp học vào giờ nghỉ trưa.

“Cơm trộn nước lã chứ không phải nước đun sôi” - cô Tòng Thị Mai, giáo viên dạy lớp mầm non nhắc đi nhắc lại với chúng tôi vì sợ chúng tôi nhầm tưởng.

Cơm trắng trộn nước lã – bữa trưa của học sinh điểm trường Co Muông

Cơm trắng trộn nước lã – bữa trưa của học sinh điểm trường Co Muông

Không có người nhà mang cơm lên lớp, nhiều đứa trẻ khác ở Co Muông tự mang theo cơm gói trong túi bóng, hoặc trong cặp lồng đan bằng tre. Có đứa trẻ chỉ có một dúm cơm nhỏ lọt thỏm trong lòng bàn tay. Tới bữa trưa, tất cả bày ra bàn, có gì cùng ăn chung.

Cô Tòng Thị Hiên – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa phong lan cho biết, điểm trường Co Muông vốn là lớp học tạm của các em tiểu học, được người dân dựng lên đã nhiều năm. Lớp học không điện, không đèn, không cánh cửa, không đồ dùng học tập. Và trong lớp có nhiều cái… “không” ấy là những đứa trẻ không có dép để đi. Đặc biệt, phía bên ngoài lớp học, nước mưa đã bào mòn cả nền kê chân cột, khiến người ta có cảm giác, lớp học không có luôn cả nền móng…

Những đôi chân bé nhỏ không mang dép

Những đôi chân bé nhỏ không mang dép

Cô Tòng Thị Thuỷ lên điểm trường đã 4 năm, chăm những đứa trẻ ở đây như con mình, chỉ ước có một lớp học mới kiên cố hơn để khi mưa gió, giá rét những đứa trẻ không lo bị dột, không lo gió lùa làm tê cóng những bàn tay, bàn chân, không mưa lũ có thể cuốn cả lớp học đi.

Ước mơ gần lại

Nỗi lo của cô trò điểm trường Co Muông hay thầy trò ở điểm trường Phiêng Mụ sẽ vơi đi phần nào khi những bước chân của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng VPBank không ngại băng rừng, vượt suối đến với các con. Mỗi phần quà trị giá 200 triệu đồng đã được đại diện VPBank trao tặng cho 2 điểm trường nhằm hỗ trợ xây dựng lại lán nội trú cho các con học sinh tiểu học Phiêng Mụ hay lớp học tạm của các con mần non Co Muông.

“Bao trùm chúng tôi khi chứng kiến điều kiện học tập của các con vừa là nỗi xót xa, vừa là rất nhiều lo lắng về sự an toàn cho bọn trẻ. Tôi hy vọng, món quà của VPBank sẽ hỗ trợ phần nào để các điểm trường sớm được sửa sang, xây dựng lại” – anh Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc VPBank chi nhánh Hoà Bình chia sẻ.

VPBank đồng hành, hỗ trợ tặng quà các điểm trường khó khăn

VPBank đồng hành, hỗ trợ tặng quà các điểm trường khó khăn

Điểm trường Phiêng Mụ và điểm trường Co Muông là 2 trong số 30 điểm trường vùng cao được VPBank hỗ trợ thông qua chuỗi thiện nguyện "Cặp lá yêu thương, em vui đến trường" do ngân hàng phối hợp cùng VTV thực hiện. Với tổng số tiền tài trợ lên tới 6 tỷ đồng, VPBank đã giúp nhiều điểm trường cải tạo, sửa sang, xây mới cơ sở vật chất, xây mới những căn Bếp ấm tuổi thơ và cải thiện bữa ăn dành cho các em học sinh.

Cùng với “Cặp lá yêu thương”, VPBank cũng liên tục đồng hành cùng chính phủ và các địa phương trong các hoạt động an sinh, xã hội trên khắp mọi miền đất nước, tập trung chủ yếu vào giáo dục và y tế với tổng số tiền hỗ trợ lên tới hơn 1200 tỷ đồng.

VPBank đã giúp nhiều điểm trường cải tạo, sửa sang, xây mới cơ sở vật chất và cải thiện bữa ăn cho các em học sinh

VPBank đã giúp nhiều điểm trường cải tạo, sửa sang, xây mới cơ sở vật chất và cải thiện bữa ăn cho các em học sinh

“Phương châm của chúng tôi là nói thật ít, làm thật nhiều”, bà Phạm Thị Nhung - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản lý đối tác và Quan hệ đối ngoại VPBank - khẳng định. “Ngoài kia nếu còn những chiếc lá chưa lành, những mái trường nhiều khó khăn thì sẽ luôn có đơn vị như chúng tôi sẵn sàng đồng hành. Đó chính là sự thịnh vượng về tình yêu thương và sẻ chia mà chúng tôi theo đuổi và lan tỏa”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.