Cần làm rõ vị trí, mục tiêu của giáo dục đại học

Cần làm rõ vị trí, mục tiêu của giáo dục đại học

(GD&TĐ)-Hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật giáo dục Đại học của Việt Nam” nhằm lấy ý kiến làm cơ sở kiến nghị trình Chính phủ dưới sự chủ trì của PGS.TS.Hoàng Thế Liên – Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp – Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội đã diễn ra sáng nay (7/4) tại trường ĐH Luật Hà Nội.

cxcx
Hội thảo Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật giáo dục ĐH của VN có dự tham gia của các cán bộ, giảng viên trường ĐH Luật HN và một số trường ĐH trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: gdtd.vn

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến các quy định của dự thảo luật về mục tiêu của giáo dục ĐH và quản lý nhà nước đối với GD ĐH; về cơ chế tự chủ đối với hoạt động đào tạo tại các cơ sở đào tạo ĐH; về tự chủ đại học và cơ chế quản lý các cơ sở đào tạo đại học; về đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH; giảng viên, người học cùng khía cạnh kỹ thuật soạn thảo của dự thảo luật...

Băn khoăn đầu tiên PGS.TS.Hoàng Thế Liên – Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội đưa ra là việc xử lý mối quan hệ giữa Luật giáo dục (đã có) và Luật giáo dục đại học như thế nào? Đồng thời, thể hiện quan điểm cần tổng kết mô hình ĐH quốc gia trước để làm rõ vấn đề về vị trí của các trường ĐH trong hệ thống đào tạo nói chung và nhấn mạnh đến vấn đề tự chủ của các trường ĐH...

Cùng mối băn khoăn này, ông Nguyễn Đức Tĩnh – Trưởng phòng Khoa học trường ĐH Công Đoàn cho rằng, phải xác định rõ mô hình cơ sở đào tạo: ĐHQG như thế nào, học viện như thế nào, các trường đại học như thế nào? Điều kiện thành lập như thế nào hoặc điều kiện như thế nào thì được thừa nhận là học viện, đại học… Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Tĩnh cũng đưa ra vấn đề liên kết đào tạo hiện nay bàn rất nhiều nhưng chưa rõ; vấn đề phân cấp quản lý nhà nước đến đâu và cần đưa vào thể hiện trong Luật. Ông Tĩnh nhất trí với quan điểm phải phân cấp mục tiêu của từng cấp đào tạo... 

TS. Tô Văn Hòa – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật về Bộ máy nhà nước – Khoa Hành chính – Nhà nước – Trường ĐH Luật Hà nội thì đề cập đến một số vấn đề chưa được làm rõ trong dự thảo 2 về Luật Giáo dục ĐH. Đó là vị trí của Giáo dục ĐH trong hệ thống giáo dục chung của quốc dân; mục tiêu của Giáo dục Đại học so với Luật Giáo dục ( 2005) và quản lý Giáo dục đào tạo. Riêng vấn đề mục tiêu của Giáo dục Đại học, TS. Tô Văn Hòa cho rằng còn quá chung; từ đó đề nghị nên đưa ra mục tiêu riêng của giáo dục Đại học và mục tiêu cụ thể cho từng cấp đào tạo của giáo dục đại học ( cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ..)

Đề cập đến vấn đề kiểm định chất lượng đào tạo, PGS. TS Bùi Đăng Hiếu – Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo – ĐH Luật Hà Nội đưa ra những kiến nghị cụ thể liên quan đến vị trí, mục tiêu, đối tượng của kiểm định chất lượng giáo dục đại học và các nội dung khác của kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Thể hiện sự nhất trí cao trong việc nên ban hành Luật về Giáo dục ĐH, Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội Phạm Trọng Quát cũng kiến nghị trong Luật Giáo dục Đại học cần thiết phải có ít nhất một vài điều hoặc một chương quy định về vị trí, tính chất ĐHQG.

GS.TS Trần Ngọc Dũng -  Trưởng phòng Thanh tra đào tạo – Trường ĐH Luật Hà Nội thì đặt vấn đề, hiện nay nên quy định Luật chung, hạn chế bớt số lượng văn bản luật. Không nên ban hành thành luật giáo dục đại học mà chỉ nên có văn bản cụ thể hóa, chi tiết về bậc đào tạo Đại học.

Hiếu Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.