Luật mới ban hành lại sửa đổi, bổ sung
Góp ý về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cho biết, phương châm chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội là chủ động từ sớm, từ xa nhưng thực tế đang còn nhiều bất cập.
Việc thay đổi, bổ sung, điều chỉnh luật còn nhiều so với chương trình chính thức. Việc này diễn ra nhiều năm và khá phổ biến.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng băn khoăn về yếu tố dự báo chưa cao, yêu cầu thực tiễn cuộc sống đòi hỏi phải có điều chỉnh, bổ sung hay do kỷ luật, kỷ cương không được thực hiện một cách nghiêm túc, còn tình trạng nể nang, tùy tiện?
Theo Đại biểu Hoàng Đức Thắng, một số dự án luật chuẩn bị gửi đến ĐBQH còn rất chậm, không bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy chế hoạt động của Quốc hội, làm hạn chế rất lớn đến việc nghiên cứu, tham gia của ĐBQH và các đoàn ĐBQH.
"Dường như câu chuyện làm luật còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn. Cùng với đó, tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được “trẻ hóa”. Một số dự án luật mới ban hành 2-3 năm lại sửa đổi, bổ sung. Đây là vấn đề ĐBQH, cử tri và Nhân dân quan tâm, yêu cầu phải được mổ xẻ và có giải pháp khắc phục dứt khoát căn cơ, không né tránh, không nể nang", Đại biểu Hoàng Đức Thắng nói.
Về 3 dự án luật đề nghị bổ sung vào kỳ họp thứ 5, thứ 6, thứ 7, gồm: Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Giao thông đường bộ (được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ), đại biểu đề nghị làm rõ thật thấu đáo, lý giải rõ cơ sở, nhất là những điểm mới, điểm khác so với trước đây trên cơ sở phải thực sự khoa học và thuyết phục cả về cơ sở chính trị, cơ sở lý luận, thực tiễn, nội hàm của các điều luật.
Có như vậy mới có sự đồng thuận cao ngay trong ĐBQH và dư luận xã hội, cũng như sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân.
Bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012
Đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) cho biết, qua nghiên cứu Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, đại biểu cơ bản đồng tình với việc bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để xác định rõ địa vị pháp lý của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Đại biểu Thái Thị An Chung cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 để kiểm soát và hạn chế việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới.
Bởi, hiện nay học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đang là vấn đề đáng báo động. Thuốc lá điện tử được mua bán một cách dễ dàng, đã có nhiều học sinh bị loạn thần, ảo giác, thậm chí suýt tử vong khi hút thuốc lá điện tử.
ĐBQH Thái Thị An Chung. |
Đại biểu cũng đồng tình với sự cần thiết xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, bởi Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quyết định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật.
Tuy nhiên, khi Bộ luật Dân sự có hiệu lực đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định về việc chuyển đổi giới tính. Qua nghiên cứu các tài liệu liên quan đến đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính do ĐBQH Nguyễn Anh Trí chuẩn bị, báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng luật của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải nhanh chóng xây dự luật này.
Qua đó, nhằm khẳng định, tôn trọng và đảm bảo quyền con người, quyền công dân của người chuyển đổi giới tính.
Đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị Quốc hội đưa Dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào xem xét tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Về việc triển khai thi hành pháp luật, pháp lệnh đã được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đại biểu đề nghị các cơ quan được giao trách nhiệm cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
Trong quá trình triển khai thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do chưa có sự thống nhất nhận thức và áp dụng pháp luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác giải thích luật để tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện và đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng pháp luật.