Cần hiểu rõ nội dung "giảm tải"

Cần hiểu rõ nội dung "giảm tải"

(GD&TĐ) - Theo ý kiến của nhiều CBQL, tuy bắt đầu từ năm học 2011 - 2012 này, Bộ GD&ĐT thực hiện giảm tải mạnh mẽ, sâu sắc nội dung dạy học, nhưng thực ra, đây không phải là lần điều chỉnh đầu tiên. Hằng năm, Bộ GD&ĐT đều có CV hướng dẫn giảm bớt các bài, các phần kiến thức khó, không phù hợp với HS, không cần thiết, hoặc đề xuất tăng thời gian cho những bài, những phần kiến thức quan trọng… Chính vì vậy, lần “giảm tải” này không quá xáo trộn đến hoạt động dạy - học ở các trường phổ thông.

Tập trung, thống nhất

Sở GD&ĐT Đà Nẵng được xem là một trong những địa phương có sự “khởi động” sớm cho việc “giảm tải”. Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Ngay từ khi có thông báo, chúng tôi đã gửi ngay nội dung dự kiến điều chỉnh qua Cổng thông tin điện tử và mạng nội bộ để các trường tham gia góp ý và chuyển ý kiến về Bộ. Ngày 1.9, khi nội dung điều chỉnh được ban hành chính thức, Sở đã tổ chức hội nghị các tổ trưởng chuyên môn triển khai việc dạy học. Cuối tháng 9 này, Sở sẽ ban hành một phân phối chương trình chi tiết cho từng môn/lớp theo hướng điều chỉnh mới để các trường căn cứ thực hiện. Các phòng chuyên môn sẽ tiếp tục theo dõi, dự giờ, trao đổi để thực hiện theo tinh thần mới”. Về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Phúc - Phó trưởng phòng phổ thông, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết thêm: “Nội dung điều chỉnh đã được tổ trưởng tổ chuyên môn của các trường phổ thông, chuyên viên theo dõi bộ môn của các Phòng GD&ĐT thống nhất. Tuy nhiên, Sở giao quyền chủ động cho cơ sở trong việc sắp xếp thời khóa biểu, điều chỉnh số tiết, thứ tự các bài dạy... cho phù hợp với điều kiện của từng trường. Tất nhiên, việc này phải đảm bảo sự cân đối logic kiến thức, thời lượng dạy học, không thay đổi cấu trúc chương trình và không được bỏ các tiết thực hành, ôn tập, kiểm tra”. Cũng theo ông Phúc, tổ trưởng tổ chuyên môn của mỗi trường phải dự kiến trước sự thay đổi và những thay đổi này phải được BGH nhà trường thông qua.

Trường THCS Kim Đồng (Q.Hải Châu, Đà Nẵng) còn tổ chức họp hội đồng sư phạm nhà trường để phổ biến mục đích, nội dung của chủ trương điều chỉnh nội dung dạy học lần này của Bộ GD&ĐT. Theo cô Nguyễn Thị Pháp - Hiệu trưởng nhà trường thì mỗi GV đều phải hiểu được cả cấp học “giảm tải” như thế nào, GV bộ môn phải có cái nhìn tổng thể chung về điều chỉnh nội dung của cả một môn học trong toàn bậc học.

Cần hiểu rõ nội dung "giảm tải" ảnh 1
 

Để “giảm tải” đi vào thực chất

Hầu như trường học nào cũng đều phổ biến chủ trương điều chỉnh nội dung dạy học ở trường phổ thông theo hướng tinh giản cho cả phụ huynh và học sinh nắm bắt ở buổi họp phụ huynh đầu năm học. Trường THPT Nguyễn Hiền, Trường THCS Kim Đồng còn photo những nội dung được điều chỉnh để HS kẹp vào SGK. 

Có một thực tế mà nhiều CBQL GD đều phải thừa nhận là “giảm tải” phải bắt đầu từ chính GV chứ không từ ý chí của người quản lý. Ông Nguyễn Tiến Khải - Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương (Đà Nẵng) phân tích: “Giảm tải chỉ thực sự có ý nghĩa khi GV sử dụng thời gian dùng để truyền đạt những kiến thức đã được điều chỉnh, tinh giảm để củng cố kiến thức, hướng dẫn cho HS cách làm bài, phương pháp học... Không thể giảm tải bằng cách giao thêm bài tập cho HS. Nội dung giảm, nhưng những hoạt động của GV trên lớp không vì thế mà ít đi”. Cô Lê Thị Tuyết Hồng - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền cho biết: “Thực ra, đối với các GV có kinh nghiệm và bản lĩnh thì tự bản thân họ đã chọn lọc được những kiến thức cần cung cấp, chuyển tải cho phù hợp với đối tượng HS. Thế nên “quá tải” hay không phần lớn là do GV quyết định. Nếu GV biết phân hóa trình độ HS để có phương pháp dạy phù hợp, không cho bài nâng cao quá nhiều so với sức học của HS thì sẽ không quá tải”. Chính vì vậy, trong năm học này, việc Bộ ban hành các nội dung “giảm tải” rất thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng đối với HS có học lực trung bình - yếu. Tuy nhiên, đến nay, ở cấp THPT, mới chỉ điều chỉnh ở chương trình chuẩn, chưa có sự điều chỉnh ở chương trình nâng cao. Chính vì vậy, trong các kì thi HSG, thi tốt nghiệp, thi ĐH, CĐ; các thầy cô giáo và các em HS vẫn phải dạy học và thi theo mỗi chương trình (phần chung và phần riêng cho mỗi chương trình).

Đi đôi với việc điều chỉnh nội dung, bắt đầu từ năm học 2011 – 2012 này, một số hoạt động khác cũng theo hướng “giảm tải”: như không tổ chức thi HSG lớp 5, chuyển hình thức cho điểm các môn Mĩ thuật, Âm nhạc ở THCS và môn Thể dục ở THCS và THPT sang hình thức đánh giá nhằm bớt gây áp lực điểm số cho học sinh; hoặc không ra thêm bài tập về nhà ở cấp tiểu học nếu các em đã học 2 buổi/ngày, tăng cường các hoạt động giáo dục kĩ năng sống, kĩ năng thực hành, vận dụng v.v…

Năm học vừa bắt đầu vài tuần lễ, cũng đã có một số môn học đã bắt đầu dạy - học theo hướng giảm tải. Ông Nguyễn Minh Hùng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng đánh giá: “Việc thực hiện chương trình cũng không có khó khăn lớn. GV cần rà soát, thiết kế bài giảng, tổ chức các hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá cho phù hợp với yêu cầu mới. Nhưng điều mà chúng tôi quan tâm hơn vẫn là phương pháp dạy và học của thầy và trò - cách tiếp cận kiến thức quan trọng hơn kiến thức. Vì vậy, chúng tôi xác định cần phải tăng cường hơn nữa năng lực của đội ngũ, trang bị các phương tiện dạy học, bồi dưỡng phương pháp lên lớp, đặc biệt phương pháp tự học, tinh thần tự giác, thói quen học tập, năng lực tư duy độc lập của HS. Đó mới là thử thách và khó khăn cần phải vượt qua”.

Hà Ánh Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ