(GD&TĐ) - Vụ việc một học sinh lớp 11 của Trường THPT Trần Kỳ Phong (Bình Sơn, Quảng Ngãi) lấy dao lam cắt gân tay vì bức xúc với cô giáo dạy bộ môn Sinh học từng gây xôn xao dư luận cách đây gần một năm tưởng như đã khép lại. Tuy nhiên, thật khó ngờ khi từ đó đến nay đã phát sinh thêm những mâu thuẫn, hệ lụy mà theo cách nói của Hiệu trưởng Trường THPT Trần Kỳ Phong là “có nguy cơ làm cản bước tiến của một ngôi trường vốn có truyền thống tốt đẹp”.
Từ hai quyết định trong cùng thời điểm
Ngày 25/1/2013, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đã ban hành QĐ số 26 về việc thuyên chuyển bà Nguyễn Thị Em từ Trường THPT Trần Kỳ Phong về Trường THPT Mộ Đức 2. Lý do mà GĐ Sở ghi rõ trong CV này là căn cứ vào kết luận số 395, ngày 11/2/2012 của Sở GD&ĐT về việc HS Trần Thị Thế Y lớp 11B1 tự cắt tay trong giờ học tại trường. Nội dung kết luận nêu rõ những khuyết điểm của bà Em như sau:
Việc kiểm tra miệng nhiều HS trong tiết học ngày 20/9/2012 và không dạy bài mới là vi phạm quy chế chuyên môn (vi phạm điều 31, khoản 1, mục a của Điều lệ trường Trung học)… Trong tiết dạy môn Sinh học tiếp theo, HS Trần Thị Thế Y xin lỗi GV Nguyễn Thị Em (vì việc phát biểu ý kiến của em Y trước lớp trong tiết Sinh học của cô Em ngày 20/9/2012 là vô lễ với GV), nhưng GV Nguyễn Thị Em không có lời nói thân thiện với em Y là việc làm chưa đúng (vi phạm điều 34, khoản 1 của Điều lệ trường Trung học: Hành vi, ngôn ngữ ứng xử của GV phải đúng mực, có tác dụng GD đối với HS); Việc em Trần Thị Thế Y bị thương nằm trong bệnh viện, GV Nguyễn Thị Em đã không đến thăm, mặc dù đã được Hiệu trưởng động viên, nhắc nhở trong cuộc họp Chi bộ. Điều này thể hiện thái độ chưa quan tâm trong việc động viên, giúp HS ổn định về mặt tâm lý khi có sự cố xảy ra.
Theo đề nghị của Trường THPT Trần Kỳ Phong về việc thực hiện kết luận nói trên, thì: “Sự việc xảy ra và cách ứng xử của cô Nguyễn Thị Em đã gây bất bình lớn trong nội bộ CB, GV, HS nhà trường. Dư luận của phụ huynh HS, của quần chúng nhân dân đang mong chờ quyết định xử lý phù hợp với tình hình thực tế hiện nay để đem lại không khí dạy và học bình thường tại nhà trường”…
Tuy nhiên, ngày 21/1/2013, bà Em đã gửi đơn khiếu nại về quyết định thuyên chuyển công tác và không được Sở chấp nhận. Tiếp đó, bà đến gặp lãnh đạo Sở trình bày và cung cấp giấy tờ xác nhận bệnh của mình là đau cột sống. Sau cuộc họp bàn, lãnh đạo Sở đã hủy quyết định trên để cho cô Em ở lại trường tiếp tục dạy và điều trị bệnh, ghi rõ lý do: BGH Trường THPT Trần Kỳ Phong phải tạo điều kiện để cô Em tiếp tục được điều trị bệnh. Sau khi bác sỹ có kết luận và sức khỏe ổn định, thì Sở mới tiếp tục chỉ đạo cho trường bố trí công tác phù hợp, hoặc điều động đi nơi khác.
Quyết định hủy bỏ thuyên chuyển bà Em của Sở đã lập tức đem đến sự hồ nghi trong dư luận; đồng thời gây sự phản ứng từ phía Trường Trần Kỳ Phong. Giải thích về sự việc này, lãnh đạo Sở Quảng Ngãi cho rằng: Sở dĩ Sở phải hủy bỏ quyết định là vì trong quy định về xử lý kỷ luật công chức có quy định không xử lý kỷ luật với những trường hợp ốm đau, thai sản. Trong khi đó, bà Em khi lên trình bày lý do xin ở lại là vì bị đau cột sống, có kèm theo giấy xác nhận bị đau trước đó. Bà Em còn bị ngất xỉu khi đang trình bày hoàn cảnh với lãnh đạo Sở. Vì thế Sở tạm hủy quyết định để bà ở lại chữa trị bệnh.
Giáo viên và học sinh Trường THPT Trần Kỳ Phong cần sớm trở lại môi trường thân thiện vốn có |
Chiều hướng xấu cần phải được cứu vãn
Gần một năm kể từ khi có quyết định thuyên chuyển và hủy thuyên chuyển tới nay, GV Nguyễn Thị Em vẫn trong tình trạng nghỉ dạy ăn lương. Theo ông Ngô Quang Vinh, căn cứ theo lý do hủy quyết định của Sở, thì không thể phân công bà Em đứng lớp và chỉ chừng nào, bà Em có giấy tờ chứng minh mình đã điều trị khỏi bệnh mới được tiếp tục đứng lớp trở lại.
Thêm nữa, sau sự việc đáng tiếc xảy ra, việc bà Em tiếp tục ở lại trường gây rất nhiều bất lợi cho nhiều GV, HS khác đã lên tiếng bảo vệ cho em Y. Ông Ngô Quang Vinh còn đưa thêm một biểu hiện về hậu quả của một hành vi trù dập mà chỉ bản thân người trong cuộc mới nhận ra: Đó là vào học kỳ 2 của năm học xảy ra sự cố, HS Trần Thị Thế Y cùng em Bí thư Chi đoàn của lớp 11B1 (đã phát ngôn sự thật về cô Em) đều bị thiếu điểm GD quốc phòng, chỉ được 4,8, trong khi các môn học khác đều được từ 7, 8 điểm trở lên và cả 2 em đều là HS khá, giỏi những năm học trước. Trong khi đó, GV dạy môn này lại là em ruột của bà Em.
Đồng quan điểm với Hiệu trưởng Ngô Quang Vinh, bà Võ Thị Lệ Thanh - Chủ tịch Công đoàn Trường Trần Kỳ Phong, GV dạy Địa lý của trường - phát biểu: Việc Sở hủy quyết định là do cô Em đưa ra lý do đau ốm cho nên BGH nhà trường không phân công cho cô Em tiếp tục đứng lớp là đúng. Vụ việc xảy ra hiện tại đang làm cho không khí của Hội đồng Sư phạm nhà trường khá nặng nề. Các đồng nghiệp gặp gỡ nhau luôn phải e dè, giữ kẽ chứ không còn cởi mở được như trước đây nữa.
Hiệu trưởng Trường Trần Kỳ Phong còn cho biết thêm, bà Em tuy đưa ra lý do bệnh tật để được ở lại trường nhưng vẫn dạy thêm ở nhà, tham gia đánh bóng chuyền cùng phụ nữ xã. Đáng lo ngại hơn nữa, bà còn có những hành vi quá khích như xúi giục, mua chuộc các HS ở những lớp học thêm viết đơn khiếu nại nhà trường, cho tiền một số lớp trong đợt cắm trại và một số biểu hiện khác nhằm cản trở phong trào thi đua của trường.
Trao đổi với phóng viên về thực trạng trên đây tại Trường THPT Trần Kỳ Phong, ông Nguyễn Ngọc Tựu - Chánh VP Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho biết: Việc dư luận lên tiếng cô Em vẫn dạy thêm ở nhà và có hành vi xúi giục phụ huynh HS khiếu kiện, gây rối cho nhà trường hiện đang được công an điều tra theo đúng nghiệp vụ. Huyện cũng không đồng tình việc đưa cô Em trở lại trường, Sở cũng nhận thấy cái khó của nhà trường vào đầu năm học mới là GV vẫn phải dạy thay cho cô Em nghỉ ốm…
Hãy vì một môi trường thân thiện, học sinh tích cực
Là một trường thuộc tốp đầu của khối THPT Quảng Ngãi, mới chưa đầy 10 năm đã đạt chuẩn Quốc gia, vậy mà chỉ từ một mâu thuẫn giữa cá nhân cô giáo và HS đã kéo theo bao nhiêu sự việc đáng tiếc kể trên.
Về GV Nguyễn Thị Em, kết luận của Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đã quá rõ, cũng như trong một vài bài báo trước đây của báo ngành đã phân tích về hành vi ứng xử không đúng của cô. Nhưng trong đợt xác minh thông tin vào đầu năm học mới này, chúng tôi thêm một phát hiện bất ngờ và rất xúc động trước bản giải trình của HS Trần Thị Thế Y. Phẩm chất của em thật đáng quý và cũng hiếm có, khi đã dám giơ tay xin phát biểu trước việc cô giáo kiểm tra bài cũ quá nhiều bạn trong lớp (tới 10 bạn) mà chẳng bạn nào đạt điểm trung bình, chỉ với một mục đích “Xin cô hãy thay đổi cách dạy”.
Trong lúc Bộ GD&ĐT rất quan tâm tới việc phát triển năng lực cá nhân, lấy HS làm trung tâm thì việc một HS dám bày tỏ suy nghĩ của mình để cô giáo có cách dạy tốt hơn là rất đáng được biểu dương. Vậy mà em HS đó lại bị cô gây áp lực nặng nề suốt một tháng ròng để rồi đi tới hành vi không thể tự chủ được phải bức xúc tới mức cắt gân tay. Sau đó, em Y đã một mực tự nhận lỗi về mình và xin lỗi cô giáo. Thay vì cô Em, nhà trường phải nhận thức ra và điều chỉnh cách ứng xử với em Y, thì cô vẫn còn cố chấp cho tới tận hôm nay…
Xin được mượn lời của cô giáo dạy Văn Phạm Thị Anh Hương để nhắn nhủ cô Em: “Về lý có thể cô Em không sai nhưng cô đã thiếu tình người. Cô đã luôn ứng xử trong một khuôn mẫu cứng nhắc với một lý trí lạnh lùng”.
Một cô giáo như cô Em có thể tiếp tục được ở lại Trường THPT Trần Kỳ Phong được hay không? Xin nhường sự phán xét cho bạn đọc! Niềm mong muốn cuối cùng của chúng tôi là các cấp chức năng ở Bình Sơn cũng như Quảng Ngãi nhanh chóng giải quyết ổn thỏa vụ việc, trả lại môi trường thân thiện vốn có cho nhà trường và đảm bảo quyền lợi GD tốt nhất cho cá nhân em Y cũng như các em HS khác của Trường THPT Trần Kỳ Phong.
Nguyễn Thị Thúy Hồng