Cần đưa môn giáo dục kinh doanh vào trường học

Cần đưa môn giáo dục kinh doanh vào trường học

(GD&TĐ) - Sáng 8/1 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo giáo dục kinh doanh trong trường trung học. Hội thảo do Bộ GD&ĐT và Tổ chức lao động quốc tế phối hợp tổ chức.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Giáo dục nước ta đang phát triển trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi nhanh và phức tạp. Toàn cầu  hóa và hội nhập quốc tế về giáo dục đã trở thành xu thế tất yếu. Ở Việt Nam hàng năm có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THCS không vào học trường THPT mà tham gia vào lao động sản xuất, khoảng 80% học sinh tốt nghiệp THPT không vào học các trường ĐH, CĐ mà đi vào cuộc sống lao động. Nhiều thanh niên, học sinh trong độ tuổi lao động có nhu cầu tự tạo việc làm và lập nghiệp, trong đó có nghề kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc hướng nghiệp cho học sinh có sở thích, năng khiếu thi vào các trường ĐH, CĐ có đào tạo về lĩnh vực kinh doanh, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này cũng rất quan trọng và cần thiết.

Chương trình giáo dục kinh doanh đã được đưa vào giảng dạy thí điểm trong các trường phổ thông và các trung tâm GDTX, trung tâm lao động kĩ thuật hướng nghiệp. Kết quả khảo sát tại các trường THPT cho thấy giáo dục kinh doanh cho học sinh THPT là rất cần thiết và có thể nhân rộng cho đối tượng học sinh THCS.

Hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề: Giáo dục kinh doanh trong các trường trung học, trong các Trung tâm GDTX, Đào tạo bồi dưỡng GV giáo dục kinh doanh, cách thức triển khai, kinh nghiệm tổ chức giáo dục kinh doanh tại các địa phương như Thanh Hóa, Bình Phước và Trà Vinh...

Thay mặt Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cảm ơn Tổ chức lao động quốc tế đã hỗ trợ cho Viện KHGDVN cũng như Bộ GD&ĐT tiến hành thử nghiệm giáo trình kinh doanh trong trường trung học. Sau hội thảo này, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện hơn hệ thống tài liệu, hoàn thiện hơn việc tập huấn đội ngũ GV, làm tốt hơn công tác tuyên truyền, công tác chuẩn bị, tạo điều kiện học tập môn kinh doanh cho HS các trường THPT, TTGDTX.

Lan Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ