Đảm bảo trường học an toàn
Sáng 26/5, một cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) bật gốc đổ xuống làm 1 học sinh tử vong và nhiều em khác bị thương. Đây là sự cố xảy ra ngoài ý muốn, nhưng cũng là một bài học lớn cho ban giám hiệu các nhà trường, đặc biệt là hiệu trưởng.
Các quy định về môi trường an toàn trong giáo dục đã được cụ thể hoá tại Điều 89 của Luật Giáo dục năm 2019. Theo đó, nhà trường có trách nhiệm thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục, quy tắc ứng xử; chủ động phối hợp với gia đình và xã hội để tổ chức hoặc tham gia các hoạt động giáo dục theo kế hoạch, bảo đảm an toàn cho người dạy và người học.
Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã xác định môi trường giáo dục an toàn là môi trường giáo dục mà người học được bảo vệ, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần. Nghị định quy định các cơ sở giáo dục được yêu cầu phải bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích, cháy, nổ; an toàn phòng, chống thảm hoạ thiên tai.
Bộ GD&ĐT cũng đã có quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trong trường phổ thông. Trong đó nêu rõ yêu cầu khắc phục các nguy cơ thương tích trong trường học, thường gặp như tai nạn giao thông, ngã, đuối nước, bỏng, điện giật, cháy nổ, ngộ độc, vật sắc nhọn đâm, cắt, đánh nhau, bạo lực.
Bộ cũng ban hành công văn 1715/BGDĐT-GDTC đề nghị các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước dịp hè năm 2020 cho người học; chỉ đạo các Sở GD&ĐT tăng cường triển khai công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong học sinh phổ thông.
Cộng đồng trách nhiệm
Ông Bùi Văn Linh cho rằng, trách nhiệm đảm bảo an toàn trường học thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục, trong đó hiệu trưởng là người điều hành mọi hoạt động của cơ sở giáo dục; chính quyền địa phương nơi cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn, nhà trường, các thầy cô giáo đều có trách nhiệm liên quan.
Để đảm bảo an toàn trường lớp cho học sinh, nhất là trong mùa mưa bão sắp tới, các cơ sở giáo dục cần khẩn trương phân công rà soát, đánh giá tổng thể các nội dung đã được quy định tại Nghị định số 80/2017/NĐ-CP và các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về phòng tránh thương tích cho học sinh.
Kiểm tra, thống kê các phòng học, đặc biệt phát hiện sớm những phòng học đã xuống cấp; gia cố, sửa chữa cửa lớp, cửa sổ, mái nhà, các thiết bị trong phòng học để đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa bão; không sử dụng phòng học, phòng làm việc không đảm bảo an toàn.
Đối với cây xanh trong khuôn viên trường cần chặt, tỉa bớt các cành cây. Tuy nhiên, không nên chặt bỏ tất cả các cây to lâu năm, cao, tán rộng để thay thế bằng các loại cây khác, cần có phương án vẫn giữ được cây mà đảm bảo an toàn trong trường học.
Để làm được những việc đó, rất cần có sự vào cuộc chỉ đạo của các cấp, các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là chính quyền địa phương nơi có các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn. Xử lý gấp những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây ra, không để học sinh đến trường, lớp, khu vực mất an toàn.
Ban giám hiệu, đặc biệt hiệu trưởng cần nhanh chóng có các biện pháp phòng ngừa những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Cần phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm, các tổ chức Đoàn- Hội- Đội để giáo dục, nâng cao ý thức cho học sinh phòng tránh tai nạn thương tích xảy ra trong trường học.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để chủ động phát hiện các yếu tố, nguy cơ nguy hiểm trong sinh hoạt hằng ngày, để chủ động phòng tránh hiệu quả.