Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển

GD&TĐ - Từ tháng 4, Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” được khởi động.

Người dân TP Vũng Tàu dọn rác thải nhựa tại bãi biển.
Người dân TP Vũng Tàu dọn rác thải nhựa tại bãi biển.

Đây là dự án thí điểm nhằm giải quyết lượng rác thải nhựa không được xử lý trên biển và đất liền tại TP Hà Nội, TP HCM và Phú Yên.

Dự án do Liên minh châu Âu (EU), Bộ Hợp tác phát triển liên bang Đức (BMZ), Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). 

Không chỉ là dự án thí điểm

Ông Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TN&MT), nhấn mạnh kinh nghiệm và bài học rút ra từ Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” là cơ sở nhân rộng mô hình, kiến nghị các ý tưởng xây dựng chính sách. 

Nhất là khi Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1746 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Rui Ludovido - Tham tán thứ nhất Đại diện EU tại Việt Nam - cho biết: “Khi nền kinh tế Việt Nam càng phát triển thì người dân càng tiêu thụ nhiều sản phẩm hơn và càng cần nhiều rác thải cần tái chế. Do vậy, việc nâng cao ý thức người dân rất quan trọng. Đặc biệt là người trẻ, những người hiểu biết và có điều kiện lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến gia đình, xã hội”. 

Dự án thu gom, phân loại nhựa PE, PP… và tái chế bao bì nhựa tại quận 3 và huyện Nhà Bè (TP HCM) với ngân sách 165.000 Euro do Đại học Kiến trúc Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển (IRD) phối hợp là một trong bốn dự án thí điểm được triển khai. 

Mục tiêu nhằm đánh giá các loại bao bì chưa được phân loại. Từ đó, chúng được thu gom để đánh giá, làm tiền đề cho các giải pháp bao bì mới có giá trị cao và khả năng tái chế tốt hơn. 

Tầm quan trọng của dự án thí điểm

Ông Rui Ludovido chia sẻ kinh nghiệm thế giới trước khi áp dụng dự án tái chế rác tại Việt Nam.
Ông Rui Ludovido chia sẻ kinh nghiệm thế giới trước khi áp dụng dự án tái chế rác tại Việt Nam.

Khác với các dự án trước, các chuyên gia sẽ dùng ứng dụng trên điện thoại thông minh, kết hợp thiết bị đo quang phổ nhằm đánh giá, lập sơ đồ các bên thu gom, phân loại, tái chế, phân loại rác tại nguồn (hộ gia đình).

Đây hứa hẹn sẽ là mô hình thí điểm quan trọng, nhất là khi quy định phân loại rác theo lượng của Luật Bảo vệ môi trường mới có hiệu lực từ 1/1/2022.

Ông Nguyễn Thi (Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT) lý giải, người nào xả rác nhiều thì phải trả nhiều tiền cho việc thu gom, xử lý rác. Để làm được điều này, thế giới có Volume-based waste fee system (Hệ thống thu phí phân loại tác theo lượng) tập trung vào khối lượng rác và độ lớn của rác. 

Bộ TN&MT quy định UBND các tỉnh phát hành túi ni lông đề trên 5kg, 10kg… Người dân thay vì nộp phí thu rác như hiện nay thì mua túi ni lông đó để đựng rác sinh hoạt hàng ngày.

“Người dân có trách nhiệm tự phân loại rác. Cái nào phân loại được, cái nào tái chế được thì phải phân loại, cái nào không tái chế được thì mới cho vào túi. Người có có trách nhiệm làm sao sắp xếp rác vào các túi ấy một cách ít nhất. Đấy là cách thức thúc đẩy người dân giảm thiểu rác, phân loại rác tại nguồn thông qua việc bỏ vào các túi ni lông…”, ông Thi cho hay. 

Người thu gom rác chỉ thu gom túi do UBND phát hành. Nếu người dân không cho vào túi ấy thì đơn vị thu gom được từ chối nhận rác. Chế tài xử lý sẽ được quy định rõ ràng, cụ thể trong nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bổ sung vào nghị định 155. 

“Tuy vậy, sự tham gia của đoàn thể, các cơ quan mặt trận tổ quốc chung tay, chậm nhất là 2024 phải thực hiện trên toàn quốc…”, ông Thi nói.

Thay đổi nhận thức người dân

Dự án thứ hai là kiểm soát tàu xả thải trái phép chất thải thí điểm tại Tân Cảng Cát Lái (TPHCM). Hai hoạt động còn lại là thí điểm Liên minh nhựa giảm tiêu thụ túi ni lông dùng 1 lần tại các siêu thị thực hiện tại TP Hà Nội và dự án thu gom rác thải trên biển bằng tàu cá tại Phú Yên.

Trong đó, dự án thí điểm Liên minh nhựa giảm tiêu thụ túi ni lông dùng một lần triển khai tại hệ thống các siêu thị lớn đồng bộ nhằm nâng cao ý thức người dân. 

Ông Ludovido chia sẻ, các siêu thị tại châu Âu ban đầu cũng không đồng tình việc thu phí túi ni lông hoặc giảm túi ni lông dùng một lần vì ảnh hưởng đến doanh thu. Tuy nhiên, chính quyền đã yêu cầu các hệ thống siêu thị phải cam kết thay đổi. 

“Thực tế chỉ sau 6 tháng, số lượng túi ni lông sử dụng một lần đã giảm đáng kể, người dân tự ý thức mang túi của họ đến siêu thị. Siêu thị tiết kiệm được chi phí mua và thu gom túi ni lông…”, ông Ludivio cho hay.

Ngoài ra, các chuyên gia nhấn mạnh các dữ liệu, kinh nghiệm từ các hoạt động thí điểm cộng với sự tham gia các bên gồm người tiêu dùng - người kinh doanh - nhà sản xuất - người vận chuyển và tái chế - chính quyền sẽ là cơ sở để xây dựng khung pháp lý EPR cho bao bì Việt Nam.

Theo đó, ERP yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm thu gom, tiền xử lý như phân loại; tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; tái sử dụng, phục hồi hoặc xử lý cuối cùng.

Phần lớn nhựa đi ra biển từ 10 dòng sông chính từ châu Á - châu Phi vì 50% lượng nhựa sản xuất ở châu Á. Rác thải nhựa đại dương có tới 80% đến từ hoạt động sinh hoạt người dân từ đất liền, trong khi xả thải việc đi lại của tàu biển, hoạt động đánh bắt cá… chiếm rất ít. Do vậy, trọng tâm của dự án tập trung vào việc thay đổi ý thức người dân, khởi đầu là từ việc giảm lượng rác thải nhựa trong sinh hoạt. 
Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá tổng lượng rác thải hằng năm tại Việt Nam tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua và dự báo tăng từ 27 triệu tấn (năm 2018) lên 54 triệu tấn (năm 2030). Trong đó, nhựa và ni lông chiếm 3,4 - 10,6%, giấy và bìa cứng là 3,3 - 6,6%... nhưng chiếm tỉ lệ lớn nhất là rác thải hữu cơ 50,2 - 68,9% và rác thải khó phân hủy là 14,9 - 28,2%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.