Giảm chi phí ở mọi khâu rất quan trọng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không có nước nào trên thế giới có thể công nghiệp hóa, trở thành một nước thu nhập cao mà không thành công trong xuất khẩu.
Hội nghị hôm nay không phải bàn về thành tích, về thắng lợi mà cái chính là nhìn thấy những tồn tại, bất cập để tháo gỡ trong bối cảnh độ mở nền kinh tế là 190% GDP, xuất nhập khẩu ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng kinh tế.
Về thủ tục hành chính trong lĩnh vực này, Thủ tướng cho rằng, tuy có tiến bộ, song ý kiến chưa hài lòng của người dân vẫn còn nhiều.
Do đó, Thủ tướng mong muốn lắng nghe những ý kiến tâm huyết của các địa phương, hiệp hội ngành nghề, lắng nghe những vướng mắc về cơ chế chính sách, tiếp cận thị trường và những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu.
Đặc biệt, Thủ tướng nêu ra 5 câu hỏi lớn để các đại biểu tập trung làm rõ. Đó là: Làm thế nào tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam; sáng kiến gì để chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu; làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, những cơ hội và rủi ro, những định hướng thị trường đối với sản xuất, xuất khẩu; tiếp tục phát triển thị trường, tạo cầu cho hàng hóa thế nào; khâu nào là khâu yếu của Việt Nam trong xuất khẩu hiện nay?
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các đại biểu đã nêu các vấn đề nổi cộm về thể chế pháp luật và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu.
Từ những ý kiến này, phải sửa đổi một số văn bản pháp lý để khuyến khích xuất khẩu, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp. Sắp tới, Thủ tướng sẽ trực tiếp đi kiểm tra về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị |
Đừng để còn mấy con sâu làm rầu nồi canh
Một vấn đề nổi cộm nữa là quản lý chất lượng sản phẩm. Theo Thủ tướng, “cơ bản sản phẩm của Việt Nam có chất lượng tốt thì mới xuất khẩu được; nhưng đâu đó, còn mấy con sâu làm rầu nồi canh”, nhất là một số vụ việc gần đây khiến dư luận xã hội bức xúc như cà phê nhuộm than pin.
Với trường hợp này, Thủ tướng cho biết đã đề nghị điều tra, khởi tố nghiêm túc. Phải tạo phong trào cách mạng trong nhân dân về đấu tranh, chống tình trạng gian, làm dối, làm ẩu trong sản xuất sản phẩm.
Cho rằng năng lực sản xuất trong nước gia tăng, Thủ tướng lưu ý, phải nghiên cứu thị trường trước khi sản xuất. Do đó, cần liên tục phổ cập thông tin thị trường đến người sản xuất.
Nhất trí với các ý kiến về việc phát huy vai trò lớn hơn nữa của các hiệp hội ngành nghề trong hỗ trợ xuất khẩu, Thủ tướng cho rằng, các hiệp hội cần đoàn kết, bởi “một cây làm chẳng nên non”, “tách ra thì không thể làm được gì”.
Cảnh báo tình hình quốc tế có những thay đổi lớn, cạnh tranh hơn, bảo hộ thương mại gia tăng, công nghệ thay đổi nhanh, Thủ tướng nhấn mạnh, phải thay đổi tư duy chiến lược và hành động mau lẹ hơn về xuất nhập khẩu thì mới có thể đưa đất nước bứt phá đi lên.
Đi liền với đó, phải hợp tác, liên kết cùng phát triển, cùng có lợi. Phải có ý tưởng xây dựng vùng chiến lược để có “thủ lĩnh” sản phẩm xuất khẩu trong bối cảnh chúng ta có 29 mặt hàng kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ, 20 mặt hàng trên 2 tỷ USD, 8 mặt hàng trên 6 tỷ USD… có mặt hàng xuất khẩu đến 45 tỷ USD.
Nêu rõ một số quan điểm chỉ đạo trong xuất khẩu, Thủ tướng cho rằng, cần chủ động và độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế, củng cố quan hệ hợp tác với các nước để phát triển thị trường bền vững.
Phát huy mọi tiềm năng, khai thác lợi thế so sánh của Việt Nam để tăng nhanh xuất khẩu, cả số lượng, chất lượng và giá trị gia tăng hàng hóa với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng từ 15-20% hằng năm. Cùng với đó, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tham gia ngày càng sâu vào mạng lưới xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu.
Đánh giá cao nhiều ý kiến phát biểu về chiến lược xuất khẩu, Thủ tướng cho rằng, cần có chiến lược toàn diện để thúc đẩy xuất khẩu. Nâng cao giá trị gia tăng của Việt Nam trong xuất khẩu với công việc cần làm trước mắt là hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam liên kết với khu vực FDI, từ đó gia nhập và tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu. Nghiên cứu các rào cản đối với liên kết này, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, kể cả sửa đổi các Nghị định về công nghiệp phụ trợ…
Phát hiện và loại bỏ những điểm nghẽn chính trong xuất khẩu. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan đến chính sách thuế, phí, lệ phí, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, các vấn đề liên quan đến chi phí sản xuất kinh doanh.