Thay đổi để phù hợp với CMCN 4.0
Điểm nhấn của Dự thảo chiến lược thu hút FDI được sửa đổi của Bộ KH&ĐT giai đoạn 2018 – 2023 lần này là tập trung vào chất lượng. Theo đó, tập trung vào các dự án lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Đồng thời, tăng cường liên kết FDI với khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước. Sự chuyển dịch này xuất phát từ những tồn tại của dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong khoảng 3 thập kỷ qua (1987 - 2018).
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù đã có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, tạo việc làm, song FDI vẫn bộc lộ những tồn tại nhất định như ô nhiễm môi trường, chưa tạo được sức lan tỏa đến khu vực DN trong nước...
Nhằm khắc phục tồn tại, Nghị quyết số 103/NQ- CP do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2013 nêu rõ, chất lượng thu hút FDI cần được cải thiện về giá trị và hiệu ứng lan tỏa cho phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự thay đổi trong Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2018 - 2023 không chỉ phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mà còn phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ, cũng như các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia đã, đang và chuẩn bị có hiệu lực trong thời gian tới.
Bởi vậy, chiến lược thu hút FDI sẽ thay vì đưa ra các ưu đãi, cần tập trung giải quyết các vấn đề của môi trường đầu tư, chuẩn bị các điều kiện cơ bản như hạ tầng, nguồn nhân lực, sự sẵn sàng của đội ngũ DN nội để tiếp nhận hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, kỹ năng quản trị, chất lượng nhân lực từ khu vực FDI…
Cần chấm dứt chạy đua ưu đãi
Các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu thu hút FDI giai đoạn 2018 - 2023 như Dự thảo chiến lược của Bộ KH&ĐT, các địa phương cần chấm dứt chạy đua ưu đãi trong thu hút FDI như trong thời gian vừa qua.
Bởi thực tế thu hút FDI của nhiều địa phương trong những năm qua cho thấy, để lôi kéo được các nhà đầu tư nước ngoài, địa phương đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi quá dễ dãi như: Giảm thuế “kịch khung” ở nhiều lĩnh vực, cho thuê đất không đúng quy định, chưa kể, lợi dụng sự dễ dãi trong quản lý của Việt Nam, nhiều DN FDI còn ngang nhiên trốn thuế, chuyển giá… gây thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế, đồng thời đã làm Nhà nước thất thu một khoản thuế không nhỏ.
Bên cạnh đó, để thu hút được những dự án FDI có chất lượng, Việt Nam cần đưa ra những chính sách cụ thể, bắt buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải tăng tỷ lệ nội địa hoá khi đầu tư tại Việt Nam.
Chính sách này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, mà nó còn thúc đẩy sự lan tỏa của dòng FDI đến các DN Việt Nam. Cũng như ưu đãi đặc biệt đối với những dự án FDI lớn đầu tư vào lĩnh vực khoa học - công nghệ, có sức lan tỏa và thân thiện với môi trường. Tránh để xảy ra tình trạng làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, môi trường sống như dự án Vedan, Formosa… khiến cho dư luận bất bình.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, thực tế không phải DN FDI nào khi vào đầu tư ở Việt Nam cũng có “ý xấu”, mà chính là do cách quản lý, điều hành của chúng ta chưa thực sự nghiêm. Do vậy, để giải được “bài toán” này cần phải thu hút nguồn vốn có sự kiểm soát và có chọn lọc kỹ càng, như vậy sẽ tránh được nhiều hệ lụy xảy ra như thời gian qua...