Cần chính sách đặc thù trong tuyển dụng người dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, cần chính sách đặc thù trong tuyển dụng, ưu tiên, bố trí cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Một giờ học tại Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương. Ảnh minh họa/internet.
Một giờ học tại Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương. Ảnh minh họa/internet.

Ưu tiên sinh viên dự bị đại học lên đại học

Theo Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc, việc đào tạo dự bị đại học, đại học thực hiện theo quy trình khép kín từ dự bị đại học lên đại học. Việc này được thực hiện theo phương thức ký kết hợp đồng đào tạo với cơ sở giáo dục đại học với nguồn kinh phí ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng

Đó là viện dẫn của đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng). Theo đại biểu, thực tế hiện nay, với chính sách tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì việc bố trí việc làm cho đối tượng này sau khi đào tạo xong là hết sức khó khăn.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.

Đại biểu đoàn Lâm Đồng đặt vấn đề, quan điểm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về vấn đề trên như thế nào? Với phạm vi trách nhiệm của Bộ trưởng thì giải pháp nào để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo nói trên?

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, trong thiết kế của chương trình mục tiêu quốc gia đã đặt ra mục tiêu: sẽ đào tạo cho sinh viên từ hệ dự bị đại học liên thông lên đại học. Đây là vùng có 2 nhóm đối tượng.

Về giải pháp để bố trí trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, với những chính sách về bố trí, tuyển dụng, sử dụng cán bộ của người dân tộc thiểu số hiện nay ở trong hệ thống chính trị thì các địa phương, các bộ, ngành cũng rất quan tâm, ưu tiên cho việc tuyển dụng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Đấy cũng là một nguồn để bố trí cán bộ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Ngoài ra, người đứng đầu Ủy ban Dân tộc cho rằng, cần có chính sách đặc thù để tuyển dụng đội ngũ cán bộ. Tại Kết luận 65 của Bộ Chính trị đã nêu một trong 4 nội dung chưa thực hiện là: phát triển đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, hiện chưa có chính sách đặc thù để tuyển dụng công chức, viên chức đối với người dân tộc thiểu số, nhất là nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và.

Với nhiệm vụ này, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì để xây dựng chính sách. Bộ Nội vụ đang đánh giá việc thực hiện Quyết định 402 về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị.

Khi tổng kết Quyết định 402 và đề xuất chính sách mới sẽ có chính sách đặc thù để tuyển dụng đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số theo Kết luận 65 của Bộ Chính trị.

“Đây cũng là chính sách nhằm giải quyết vấn đề đầu ra cho việc đào tạo đại học đối với những đối tượng đã được quy định trong chương trình mục tiêu mà đại biểu Quốc hội quan tâm” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nói.

Ông Bùi Sỹ Hoàn – Giám đốc Sở Tư pháp Hải Dương (đại biểu Quốc hội đoàn Hải Dương).

Ông Bùi Sỹ Hoàn – Giám đốc Sở Tư pháp Hải Dương (đại biểu Quốc hội đoàn Hải Dương).

Có còn cấp radio cho vùng dân tộc thiểu số?

Ở nội dung khác, ông Bùi Sỹ Hoàn – Giám đốc Sở Tư pháp Hải Dương (đại biểu Quốc hội đoàn Hải Dương) nêu thực tế về nhu cầu được tuyên truyền về chính sách pháp luật, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào vùng thiểu số miền núi, biên giới là rất lớn.

Ông Hoàn cho biết, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách về nội dung này. Đề án thí điểm cấp radio cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1860 ngày 23/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Ảnh minh họa/internet.

Ảnh minh họa/internet.

Cùng với đó, việc cấp một số ấn phẩm báo chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 45 ngày 9/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2019-2021 và kéo dài sang giai đoạn 2022-2025 được thực hiện từ năm 2017, đến năm 2022 bị gián đoạn và cho đến nay không được thực hiện lại. Ông Hoàn muốn biết nguyên nhân của tình trạng này và hướng thực hiện 2 quyết định nêu trên.

Liên quan đến chủ trương cấp thí điểm radio cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án này từ năm 2017. Đây là dự án thí điểm cấp radio cho một số tỉnh chứ không phải toàn bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng số nguồn vốn trên 60 tỷ.

Ủy ban Dân tộc đã thực hiện các quy trình để lập dự án và đã tổ chức đấu thầu vào năm 2018. Khi đấu thầu, không có đơn vị đủ năng lực để tham gia, vì tiêu chuẩn cấp radio kỹ thuật và các yêu cầu khác đặt ra.

“Tại thời điểm đó, trong nước có một số đơn vị tham gia nhưng không đủ điều kiện, cho nên gói thầu này không thực hiện được” Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thông tin.

Sang năm 2019, khi phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 120 thì đã tích hợp nội dung này vào trong dự án 10. Hiện nay, trong dự án 10 không còn là dự án cấp thí điểm radio, mà là dự án cấp các trang thiết bị nghe nhìn cho người có uy tín ở tất cả các xã trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Ủy ban Dân tộc đã hướng dẫn nội dung này để phân bổ nguồn vốn cho các địa phương và để các địa phương làm. Trong thực tế, thiết bị nghe nhìn theo danh mục ban hành của Bộ Thông tin và Truyền thông gồm có rất nhiều thiết bị khác nhau.

“Năm ngoái chúng tôi đã tiến hành khảo sát trên 51 tỉnh thì có đến 2/3 số tỉnh đề nghị thiết bị nghe nhìn đổi thành điện thoại thông minh để linh hoạt hơn. Cũng có những nơi đề nghị cấp đài, chúng tôi đặt vấn đề chuyển về cho địa phương để từng địa phương xác định danh mục thiết bị trên cơ sở danh mục do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp” - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho hay.

Theo đó, địa phương sẽ quyết định trang cấp thiết bị phù hợp cho người có uy tín, đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả. Còn nếu trung ương làm 1 dự án cấp cùng một thứ, cùng một loại thiết bị cho tất cả các địa phương thì có thể phù hợp với nơi này nhưng có thể có chỗ không phù hợp nơi khác.

Bài viết được biên tập, lược dẫn các ý kiến phát biểu tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.