Cần câu trả lời thấu đáo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều ý kiến cho rằng, thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho thị trường bất động sản.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Lâu nay, ở nước ta, giao dịch qua sàn bất động sản chủ yếu là các sản phẩm hình thành trong tương lai; còn quyền sử dụng đất hầu hết giao dịch tự do, không kiểm soát dù số lượng giao dịch rất lớn và giá trị giao dịch cao. Đây là một trong những nguyên nhân gây nhiễu loạn thị trường, khiến Nhà nước thất thoát thuế.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan, nghiên cứu thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất. Việc này nhằm thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW, góp phần đưa thị trường quyền sử dụng đất hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh, bền vững.

Nhiều ý kiến cho rằng, thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho thị trường bất động sản. Sàn giao dịch quyền sử dụng đất sẽ góp phần quản lý, giám sát đầy đủ và trọn vẹn thị trường bất động sản thay vì chỉ dừng lại ở sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai và đất nền dự án như hiện nay.

Hơn nữa, các sản phẩm muốn được giao dịch qua sàn phải có thông tin được niêm yết cụ thể, rõ ràng, với sự kiểm chứng chặt chẽ, đặc biệt là tính pháp lý và công khai giá. Như vậy sẽ tránh tình trạng mua bán trên giấy, mua bán “hai giá”, lũng đoạn giá. Nếu sàn giao dịch quyền sử dụng đất hoạt động “sôi nổi” thì sẽ cung cấp dữ liệu tốt để lập bản đồ giá đất trên toàn quốc.

Dù sàn giao dịch quyền sử dụng đất có nhiều tác động tích cực và không phải hoàn toàn mới (bởi sàn giao dịch bất động sản đã vận hành từ lâu), song quyền sử dụng đất là loại hàng hóa đặc biệt, có giá trị lớn và mức độ bao phủ rộng.

Bởi vậy, thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất không hề đơn giản. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Ví dụ, hành lang pháp lý để thành lập và vận hành sàn như thế nào? Có nên kiến nghị hoàn thiện chính sách trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp tháng 10 tới hay không?

Đặt sàn này ở đâu - ở cấp Văn phòng Đăng ký đất đai cấp tỉnh và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện có phù hợp không? Lộ trình thực hiện như thế nào, có nên trước mắt ưu tiên áp dụng ở đô thị và những nơi có giao dịch về quyền sử dụng đất sôi động; sau đó mới nhân rộng hay không?

Bên cạnh đó, làm thế nào để sàn giao dịch quyền sử dụng đất thực sự phát huy được tác dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, không chồng chéo, gây phát sinh thêm các thủ tục hành chính?

Có cần thiết có những quy định về nội gián hay không, vì đây là một loại sản phẩm tương tự chứng khoán, không loại trừ trường hợp những tay trong có thể đưa thông tin lộ ra bên ngoài cho những người liên quan trục lợi?

Để trả lời thấu đáo những câu hỏi này để sàn giao dịch quyền sử dụng đất thực sự mang lại những tác động tích cực cho thị trường, cần phải có một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Thời điểm ban hành chính sách và triển khai trong thực tế phải thích hợp để bảo đảm tính khả thi, đem lại lợi ích tối đa cho các bên liên quan.

Muốn vậy, quá trình nghiên cứu, hình thành sàn giao dịch quyền sử dụng đất cần có sự tham gia, phối hợp của cả các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia đầu ngành, đặc biệt là những cá nhân, tổ chức có kinh nghiệm thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.