Cận cảnh lò mổ bơm nước để tăng trọng cho bò

Khoảng 2 giờ sáng 16/1, trong khi gần chục người đang tập trung giết, mổ bò tại nhà ông Nguyễn Thanh Tiến - 51 tuổi, ở tổ 16, phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi thì CATP Quảng Ngãi ập vào bắt quả tang. 

Nhân viên lò mổ bơm nước không đảm bảo vệ sinh để mỗi con bò tăng được 20 - 30 kg
Nhân viên lò mổ bơm nước không đảm bảo vệ sinh để mỗi con bò tăng được 20 - 30 kg

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện ông Tiến chủ nhà cùng số người trên thực hiện hành vi bơm nước vào dạ dày bò để tăng trọng lượng trước khi mổ.

Cụ thể, những người ở lò mổ tư nhân nói trên sử dụng ống nước mềm dài đưa nước vào miệng bò và chỉ dừng lại khi toàn thân bò đã trương lên. 

Do bị bơm nước liên tục, bụng bò căng phình, nước tràn ra miệng. Thậm chí khi đó, có con vẫn bị nhét ống nước thẳng vào bụng và người ta liên tục xả van cho đến khi bò ngã khuỵu mới ngưng. 

Tại hiện trường, 2 con bò yếu lả, trong đó một 1 con nằm khuỵu dưới nền nhà không thể đứng lên được. 2 con bò khác sau khi bơm nước vào dạ dày đã bị giết xẻ thịt.

Tại thời điểm kiểm tra, lò mổ có 8 lao động đều là đàn ông làm việc cật lực. Được biết trọng lượng mỗi con bò khoảng 200 kg. Ông Tiến mua số bò trên của người dân huyện Nghĩa Hành, mỗi con giá khoảng 40 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Thanh Tiến cho biết, sau khi nhập bò về, nhân viên lò mổ đã tiến hành bơm nước vào bò với tần suất khoảng 30 phút/lần, mỗi lần 3 phút. 

Nước được bơm vào qua ống nhựa chọc vào sâu trong cổ họng bò khoảng 50 cm. Ống nhựa này đưa nước từ giếng khoan của cơ sở lên bằng bơm mô tơ. 

Tuy nhiên qua quan sát của phóng viên, bể nước dùng để bơm cho bò không đảm bảo vệ sinh. Cũng qua kiểm tra, hoạt động giết mổ bò ở đây không hề đảm bảo an toàn vệ sinh. 

Thịt bò xẻ ra được bày giữa nền xi măng nhớp nhúa. Mùi phân bò bốc lên nồng nặc. Để kiếm tiền bất chính, chủ lò mổ này dùng công nghệ bơm nước để “phù phép” cho mỗi con bò tăng thêm trọng lượng từ 20 - 30 kg.

Theo Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về môi trường CATP Quảng Ngãi, cơ sở này vì hám lợi đã vi phạm về gian lận thương mại, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. 

Cán bộ Cảnh sát môi trường phân tích, khi bị bơm nhiều nước thì thịt bò nhão ra, tạo môi trường cho vi sinh vật phát triển, làm phân hủy thịt. 

Quá trình giết mổ, vận chuyển, bảo quản thịt tươi sống cũng chưa tốt, vì thế, thịt càng dễ bị ôi thiu hơn. Người ăn thịt nhiễm khuẩn dễ bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm bệnh. 

Qua kiểm tra, Đội CSĐT tội phạm về môi trường phát hiện cơ sở giết mổ của ông Tiến không có bản cam kết bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giết mổ động vật cũng như các giấy tờ liên quan khác. Được biết, lò mổ này hoạt động trái phép từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi đêm xẻ thịt 4 -5 con bò.

CATP Quảng Ngãi đã lập biên bản hành chính đối với cơ sở này với mức phạt từ 5 đến 6 triệu đồng về hành vi “Cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ” theo khoản 2, điều 13, Nghị định 119/2013/NĐ-CP của Chính phủ. 

Ngoài ra ông Tiến còn bị buộc không bán ra thị trường số bò bị bắt quả tang bơm nước cũng như chuyển sản phẩm động vật vi phạm trên làm thức ăn gia súc.

Theo Đội CSĐT tội phạm về môi trường CATP Quảng Ngãi, tình trạng bơm nước làm tăng trọng cho bò cũng như các loại gia súc khác bắt đầu xuất hiện tại Quảng Ngãi. Điều lạ là hành vi vi phạm này diễn ra một cách công khai trắng trợn nhưng cán bộ thú y, chính quyền địa phương đều không phát hiện ra.

Theo anninhthudo.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.