Đại công trường đất cát trái phép hoạt động như chốn không người này nằm tại xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Đại công trường tàn phá núi đồi, sông suối
Những ngày cuối tháng 8, PV Báo GD&TĐ nhận được thông tin từ người dân về việc có một nhóm người đưa máy móc, thiết bị vào khu vực Thờ Cây Trúc, thuộc thượng nguồn sông Rác (xóm 9, xã Kỳ Tây, Kỳ Anh) khai thác đất, cát rầm rộ trong thời gian dài gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Sau thời gian tìm hiểu thông tin, cải trang đi thực tế, phóng viên đã phát hiện công trường khai thác đất, cát trái phép nói trên.
Thời điểm PV có mặt, một diện tích đất rất lớn bị đào xới, khe suối, lòng sông bị hút sâu, dòng chảy bị biến dạng. Cạnh đó là những bãi tập kết cát, phần lớn vừa được chủ đầu nậu cho vận chuyển khỏi đây.
Để tiếp cận được hiện trường, PV đã dùng xe máy đi theo con đường rừng, độc đạo gần 5km qua nhiều lớp “bảo vệ” để đến điểm khai thác. Với một hệ thống đường đi lại như hình xương cá, từ đường chính lên các địa điểm khác nhau. Đường đi không hề có một bóng người, xung quanh là núi rừng hoang vu, điểm khai thác gần như cuối cùng của xã Kỳ Tây.
Tiếp cận được hiện trường, trước mặt là một đại công trình khai thác đất lậu với với một diện tích quá khủng đã bị đào xới, bốc đi ở độ sâu 3-5m. Thời điểm PV có mặt là 11h trưa ngày 25/8, lúc này tại hiện trường chỉ có 1 chiếc máy múc không hoạt động, không có một bóng người, nhưng dấu tích khai thác đất vẫn còn mới.
Tiếp tục, đi dọc theo lạch sông Rác, xuất hiện 1 chiếc thuyền gỗ đang mắc cạn trên bờ, ở đó có đầy đủ phương tiện dùng cho việc khai thác cát. Cạnh đó, ngổn ngang các vòi rồng, bãi tập kết cát với khối lượng lớn, cùng vết xe ô tô đã in hằn tạo nên những con đường chở khoáng tặc lâu ngày.
Một người dân xóm 9, xã Kỳ Tây (xin dấu tên) đã phải thốt lên: "Họ khai thác như chốn không người, vô luật pháp". Cũng theo người này, hoạt động khai thác cát trái phép này xuất hiện từ sau Tết Nguyên Đán 2021 và rầm rộ mấy tháng gần đây.
"Trước đây, họ hút cát dọc khe suối, mùa hè đến nguồn nước cạn kiệt lại tiến ra dòng sông Rác dùng vòi rồng hút cả ngày lẫn đêm. Cát chủ yếu phục vụ cho đóng táp – lô (gạch xây nhà) và một phần phục vụ nông thôn mới của địa phương"- người này cung cấp thêm.
Còn việc khai thác khối lượng lớn đất chở ra ngoài, người dân này cũng cho hay, “chỉ mới 2 tháng gần đây”. Nhóm người này hoạt động rầm rộ, mỗi ngày có hàng chục xe Du Long (loại trọng tải lớn) chở đất từ điểm khai thác đi ra ngoài.
“Loại đất này không thể dùng vào việc đắp nền đường giao thông, mà phục vụ sản xuất gạch. Nhà máy gạch này ở xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh” – người dân thông tin thêm.
Phải nói rõ, khu vực thượng nguồn sông Rác thời điểm mùa hè, dòng sông bị trơ đáy tạo nên những bãi đất trống rộng hàng chục nghìn ha, trở thành “điểm mỏ” màu mỡ. Những đối tượng khai thác đất lậu đã đưa máy móc, phương tiện vào múc đất tuồn ra ngoài một cách rầm rộ cả ngày lẫn đêm.
Lộ chân tướng đầu nậu
Theo người dân địa phương, tình trạng khai thác trái phép khoáng sản diễn ra trong thời gian dài, từ sau Tết Nguyên Đán 2021.
Những chiếc xe tải chở cát, đất chạy ầm ầm trên cung đường liên thôn, xã cho thấy những đối tượng này đã bất chấp quy định của pháp luật về việc nghiêm cấm khai thác khoảng sản trái phép.
Trao đổi với PV báo GDTĐ, ông Nguyễn Hồng Thắng– Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây thừa nhận việc khai thác đất, cát tại thượng nguồn sông Rác là trái phép, xuất hiện hơn 2 tháng nay và các nhóm đối tượng này đều không có hồ sơ pháp lý.
Ông Thắng cho hay, nguồn đất, cát trên một phần phục vụ xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng khi PV hỏi đã được cấp trên cho phép chưa, vị Chủ tịch lại cho biết chưa có văn bản nào cấp phép.
Ngoài ra, nguồn khoáng sản này phục vụ vào những công trình nào tại địa phương thì người đứng đầu cũng không trả lời được.
Chủ tịch xã cũng thừa nhận: “Tôi biết trên đó khai thác trái phép, tôi thừa nhận mình sai khi để tình trạng này xảy ra trên địa bàn" .
Về đối tượng khai thác khoáng sản trái phép vị trí thượng nguồn sông Rác, ông Thắng cho biết, có một nhóm người dân tự phát, trong đó có một người tên H. và Q. thường xuyên khai thác tay đây.
Những đối tượng này khai thác tuồn bán ra bên ngoài, trong đó có cả cung cấp cho một nhà máy gạch của Công ty G.H. có địa chỉ tại xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh.
Ông Thắng phân trần, để phát hiện và xử lý những nhóm người này thì rất khó, vì họ không đi qua trụ sở UBND xã?!
Theo nguồn tin mà PV GD&TĐ có được, đối tượng tên H. mà ông chủ tịch xã Kỳ Tây đề cập đến chính là một đối tượng cộm cán, quy tụ nhiều thành phần côn đồ bảo kê. Những đối tượng này ngang nhiên "đại náo", tàn phá, thu lợi bất chính từ hoạt động khai thác đất, cát trái phép tại công trường nêu trên.
Cũng trong chiều tối ngày 25/8, nhóm đối tượng đã quây kín xe phóng viên tác nghiệp. Để an toàn nhóm PV đã phải lên xe cố thủ và cầu cứu lãnh đạo địa phương.
Một câu hỏi đặt ra, là ngoài cấp xã yếu kém thì lực lượng chức năng của huyện Kỳ Anh, của tỉnh Hà Tĩnh ở đâu khi để nhóm đối tượng nêu trên ngang nhiên khai thác trái phép khoáng sản, tàn phá đồi núi, sông suối suốt một thời gian dài?
Người dân địa phương rất mong cơ quan chức năng Hà Tĩnh vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc. Đồng thời, xử lý nghiêm minh nhóm đầu nậu sớm trả lại sự bình yên cho núi đồi, sông suối ở đây.
Một số hình ảnh PV ghi lại tại hiện trường khai thác khoáng sản trái phép:
Báo Giáo dục và Thời đại sẽ tiếp tục thông tin