Cần ban hành một Nghị quyết mới về xây dựng đội ngũ trí thức

GD&TĐ - Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, chúng ta cần ban hành một Nghị quyết mới về xây dựng đội ngũ trí thức.

Ông Lại Xuân Môn, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị.
Ông Lại Xuân Môn, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị.

Đây là ý kiến được đề xuất tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước sáng 6/3, tại Hà Nội.

Chủ trì hội nghị có: Ông Lại Xuân Môn, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương - Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 27-NQ/TW; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án; Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Huỳnh Thành Đạt - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án; Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương Phùng Hữu Phú - đại diện Tổ chuyên gia tư vấn tổng kết Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.

Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Trung, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW với kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

Dự thảo báo cáo nêu rõ, Nghị quyết số 27-NQ/TW và các kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW trong thời gian qua là sự chuyển biến về đường lối, chủ trương, chính sách đối với công tác trí thức. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá sau 15 năm thực hiện Nghị quyết đã cho thấy những hạn chế, yếu kém.

Cùng với đó, các vấn đề mới phát sinh và thực tiễn hoạt động của đội ngũ trí thức trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; sự phát triển của khoa học - công nghệ và các yếu tố tác động đến đội ngũ trí thức theo từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp đòi hỏi cần thiết phải ban hành Nghị quyết mới, với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tạo môi trường thuận lợi nhất cho trí thức tham gia, phát huy, cống hiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Nguyễn Quốc Trung, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Ông Nguyễn Quốc Trung, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, một trong những kiến nghị được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đưa ra là: Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết mới về xây dựng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ. Từ đó, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thể chế hóa, cũng như tổ chức thực hiện. Đồng thời, bổ sung, điều chỉnh các nội dung cho phù hợp với Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; phù hợp với tình hình, bối cảnh mới của nước ta và của thế giới.

Việc xác định mục tiêu phát triển đội ngũ trí thức cần đặt trong mô hình tổng thể và mục tiêu phát triển nguồn nhân lực Việt Nam như: Coi đội ngũ trí thức khoa học công nghệ là một trong những lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng cơ chế để gắn kết trí thức với thực tiễn xây dựng đất nước; gắn kết giữa phát triển đội ngũ trí thức, thu hút, trọng dụng nhân tài làm việc trong các cơ quan nhà nước với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tinh giản biên chế, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Một số ý kiến lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các viện, ĐHQG, đại diện một số tỉnh thành và các nhà khoa học tại hội nghị cũng đưa đề xuất cần ban hành một Nghị quyết mới về xây dựng đội ngũ trí thức cho phù hợp với tình hình mới.

Các tham luận, phát biểu đồng thời khẳng định: Sự ra đời của Nghị quyết được đánh giá là kịp thời, rất đúng, rất trúng, đáp ứng mong mỏi của đội ngũ trí thức, khẳng định niềm tin của Đảng vào đội ngũ trí thức.

Các chuyên gia phát biểu tại Hội nghị.

Các chuyên gia phát biểu tại Hội nghị.

Các đại biểu cũng đề cập và nhấn mạnh thêm một số kết quả triển khai Nghị quyết 27, như làm thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị đối với đội ngũ trí thức; đóng góp của đội ngũ trí thức thông qua tư vấn, phản biện, tham mưu vào việc xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; thẩm định, giám định các dự án lớn, trọng điểm quốc gia đem lại hiệu quả kinh tế cao…

Về tồn tại thiếu sót: Các ý kiến khẳng định, đây là Nghị quyết có nhiều nút thắt, điểm nghẽn nhất và chậm đi vào cuộc sống. Chưa tạo được môi trường chính sách, thiếu cơ chế đặc thù, thiếu nguồn lực đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài… Môi trường, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất, trụ sở, cơ quan, phòng thí nghiệm, nghiên cứu giảng dạy… còn rất nhiều khó khăn…

Phân tích làm rõ các nguyên nhân dẫn đến tồn tại, thiếu sót, các ý kiến cho rằng: quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến 2030, tầm nhìn đến 2024, cần phải làm rõ các quan điểm mới phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, như mục tiêu cụ thể, các nhóm nhiệm vụ cần xác thực, khả thi và đúng đối tượng.

Chủ trì hội nghị (từ trái qua phải ảnh): Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương Phùng Hữu Phú; Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Chủ trì hội nghị (từ trái qua phải ảnh): Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương Phùng Hữu Phú; Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Phát biểu kết luận, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn đã sơ bộ tổng kết các ý kiến tham luận, trao đổi và đề nghị Tổ Biên tập Đề án nghiêm túc tiếp thu tối đa. Ngoài ra, ông Lại Xuân Môn đề nghị cần quan tâm thêm một số nội dung sau:

Thứ nhất: Cần nhấn mạnh, làm rõ kết quả đã đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 so với trước khi chưa có Nghị quyết.

Thứ hai: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27, cần nhận diện, chỉ ra được những điểm nghẽn, nút thắt nào là cơ bản, gây cản trở đến công tác xây dựng đội ngũ trí thức; nhất là những vấn đề tồn tại, thiếu sót kéo dài nhiều năm, chưa được khắc phục. Đồng thời, phân tích làm rõ nguyên nhân cơ bản, cốt lõi của những khuyết điểm đó.

Thứ ba: Phân tích sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn về bối cảnh tình hình mới đối với thế giới, khu vực, trong nước tác động trực tiếp đến đội ngũ trí thức, như: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xã hội 5.0, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…

Thứ tư: Dự thảo Nghị quyết cần nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên, có thí điểm, có tính đột phá, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ triển khai, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát. Đồng thời, phải liên thông, kết hợp chặt chẽ, đồng bộ với các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII liên quan đến xây dựng đội ngũ trí thức, góp phần thực hiện thắng lợi đưa đất nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030; trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ