Những ngày cuối cùng của năm Mậu Tuất 2018 sắp qua, câu chuyện Tết nội Tết ngoại luôn là chủ đề nóng trong các diễn đàn gia đình.
Có người vợ viết tâm sự “Tôi đi làm dâu đã 5 năm, nhà nội và nhà ngoại cách nhau tới 300 cây số. Tôi ở Nghệ An, chồng ngoài Vĩnh Phúc. Cũng từng ấy năm, tôi chưa được cùng bố mẹ đẻ đón Tết Nguyên đán. Chồng tôi quan niệm rằng, đã đi làm dâu thì phải lo Tết nhà chồng, chỉ về thăm ngoại vào dịp hè.
Vừa nhớ nhà, lại vừa thương bố mẹ nhưng chồng thì lại nhất mực không đồng ý để năm nay ăn Tết nội thì năm sau về ngoại ăn Tết… Tết nào cũng chỉ chúc mừng bố mẹ qua điện thoại, rồi tới ra Giêng mới vào thăm bố mẹ”.
Việc nhiều người chồng cấm cản vợ về thăm bố mẹ đẻ vào ngày Tết khiến nhiều chị em ấm ức chịu đựng điều này trong suốt những năm đi làm dâu. Tuy nhiên, nhiều người không hề biết rằng việc người chồng/vợ ngăn cấm vợ/chồng về thăm bố mẹ đẻ là hành động trái với quy định của pháp luật.
Theo Thạc sỹ - Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội), khoản 1 Điều 52 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hôn nhân và gia đình: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc; cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà;
Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng với mỗi hành vi vi phạm.
Tết là dịp gia đình sum vầy nên người con nào cũng mong về thăm bố mẹ.
Theo đó, nếu người chồng có hành vi cấm đoán, ngăn cản vợ về thăm bố mẹ đẻ, kể cả trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 nhằm gây áp lực tâm lý thường xuyên đối với người vợ sẽ chịu mức phạt nêu trên.
Ngược lại, nếu vợ cấm đoán chồng gặp gỡ người thân, bạn bè cũng với mục đích gây áp lực tâm lý đến người chồng thì cũng sẽ chịu mức phạt tương tự.
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định một số hành vi bạo lực gia đình gồm:
- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng
- Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm
- Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng
- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.
Theo quy định tại mục 1 Chương III Luật Hôn nhân và gia đình, vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân.
Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.