Cảm hứng Kiều trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông”

GD&TĐ - “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến văn chương dân tộc. Không khó để tìm dấu ấn của Kiều trong các sáng tác văn học ở Việt Nam, từ văn chương bình dân cho đến các sáng tác thành văn hiện đại.

Bên dòng sông Hương (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: ITN.
Bên dòng sông Hương (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: ITN.

Đọc “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường tôi cảm nhận có một “cảm hứng Kiều” rất sâu đậm trong thiên bút ký tài hoa này.

Đặc điểm nữ quyền trong tình yêu

Hãy xem Hoàng Phủ tả sông Hương trong cái nhìn “thiên tính nữ” rất rõ. Sông Hương từ thượng nguồn đã đầm sâu trong mình những vẻ đẹp đầy cá tính của một cô gái: “Phải nhiều thế kỷ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại”. 

Từ sông Hương về với Huế là hành trình đầy gian nan của một cuộc tìm kiếm có ý thức. Bằng cái nhìn nhân cách hóa của đôi mắt trìu mến thương yêu của nhà văn đã làm bật lên nhiều đặc điểm “nữ quyền” trong tình yêu. Đó là sự kiếm tìm người yêu mà phần chủ động lại thuộc về phái nữ.

Điều mà văn chương thành văn cổ kim của dân tộc rất ít khi đề cập: “Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó.

Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng Nam Bắc qua điện Hòn Chén; Vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang Tây Bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía Đông Bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế”. 

Bằng hàng loạt kiểu diễn đạt trên trong đoạn văn ngắn, Hoàng Phủ Ngọc Tường như đang muốn nhấn mạnh biết bao khó khăn vất vả để sông Hương có thể đến được với Huế. Và sông Hương bằng tình yêu nồng nhiệt của mình đối với người tình mong đợi đã mạnh mẽ vượt qua.

Điều này không khỏi khiến người đọc liên tưởng đến cuộc vượt thoát khỏi lễ nghi phong kiến của nàng Kiều trong đêm thề nguyền cùng Kim Trọng. Nguyễn Du mô tả bước chân táo bạo của Thuý Kiều, mạnh dạn vượt ra khỏi vòng lễ giáo phong kiến, chủ động tìm kiếm hạnh phúc cho đời mình:

Cửa ngoài vội rủ rèm the

Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình

Nhặt thưa sương giọi đầu cành

Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu.

Chính tình yêu nồng nàn táo bạo ấy của nàng Kiều đã va chạm mạnh đến bức tường lễ giáo gia phong làm cho nhiều nhà Nho khác giật nảy mình mà vội răn đe cháu con:

Đàn ông chớ kể Phan Trần

Đàn bà chớ kể Thuý Vân, Thuý Kiều.

Từ khởi nguồn ấy có thể thấy, từ trong cốt tủy Hoàng Phủ Ngọc Tường bị hấp lực của vẻ đẹp đa dạng đầy bí ẩn của tâm hồn Kiều chi phối trong cái nhìn đối sánh với dòng Hương Giang thơ mộng.

Ở trong tâm hồn Kiều có sự đồng điệu với Hương Giang. Đó là sự hòa quyện giữa sự nền nã dịu dàng và sự quyết liệt trong tình yêu. Bởi thế cho nên Hoàng Phủ Ngọc Tường đã mào đầu bằng nhận định rất xác đáng của mình: “Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”.  

Rung động trước vẻ đẹp sông Hương

Ở những đoạn khác, Hoàng Phủ Ngọc Tường có khi đã đồng nhất Kiều với dòng Hương Giang bằng con mắt mê đắm và bút pháp lão thực được tinh lọc từ năng lực liên tưởng bậc thầy “Hình như trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước ấy, sông Hương đã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya.

Đã nhiều lần tôi thất vọng khi nghe nhạc Huế giữa ban ngày hoặc trên sân khấu nhà hát. Quả đúng như vậy, toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này, trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuy”.

Như vậy sông Hương đã trở thành “sinh thể” âm nhạc cổ điển trên đất cố đô, là nơi khơi dòng nên những giai điệu quyến rũ của ca Huế “sông Hương đã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”.

Quả thật đúng như Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nói, hồn vía ca Huế chỉ thật sự được lan tỏa khi người nghệ sĩ diễn xướng trong không gian và thời gian đặc thù: Trên những con thuyền lênh đênh trên sóng nước Hương Giang vào lúc đêm khuya. Đây chính là cơ sở để tác giả đưa ra “phỏng đoán” nguồn cội của những “bản đàn đã đi suốt đời Kiều”. 

Suốt những năm tháng làm quan dưới triều Nguyễn, bằng con mắt tài hoa nghệ sĩ, Nguyễn Du đã rung động trước vẻ đẹp của sông Hương. Đây chính là cơ sở để Hoàng Phủ Ngọc Tường tưởng tượng và nêu ra “ức đoán” của mình: “Nguyễn Du đã bao năm lênh đênh trên quãng sông này, với một phiến trăng sầu và từ đó những bản đàn đã đi suốt đời Kiều”.

Để củng cố thêm ức đoán ấy, nhà văn còn bồi thêm căn cứ “Tôi đã chứng kiến một người nghệ nhân già, chơi đàn hết nửa thế kỷ, một buổi tối ngồi nghe con gái đọc Kiều: “Trong như tiếng hạc bay qua/Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”... Đến câu ấy, người nghệ nhân chợt nhổm dậy vỗ đùi, chỉ vào trang sách Nguyễn Du mà thốt lên: “Đó chính là Tứ đại cảnh!”.

Có một mối liên hệ mơ hồ, phải chăng nhờ “Tứ đại cảnh”1 của ca Huế mà Nguyễn Du có được những dòng thơ tuyệt tác về tiếng đàn Kiều hay chính những dòng thơ ấy mà những nghệ nhân đã tạo tác nên “tứ đại cảnh” nổi tiếng trong ca Huế?

Đi tìm câu hỏi:  “Ai đã đặt tên…”

Khi phải rời khỏi Huế, khi phải chia xa người tình mong đợi, khi phải làm một cuộc li biệt để về với biển cả, sông Hương luôn là người tình dịu dàng và thủy chung son sắt: “Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính Bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ.

Và rồi, như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng Đông - Tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Đối với Huế, nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình”.

Đoạn văn thể hiện góc nhìn tài hoa nghệ sĩ của Hoàng Phủ Ngọc Tường khi liên tưởng thủy trình sông Hương từ thực địa với sự trở lại của người con gái khi chưa kịp nói với người yêu lời thề chung thủy thiết tha. Từ một khúc quanh đổi dòng tự nhiên của Hương Giang đã trở thành nỗi luyến lưu bịn rịn của người con gái đối với người tình mong đợi của mình. Đây là cái nhìn mê đắm của người văn họ Hoàng Phủ trước một sinh thể nghệ thuật mà ông dành trọn cuộc đời để tôn vinh, sông Hương xứ Huế. 

Từ hình thể tự nhiên của thủy trình đặc biệt ấy của Hương Giang, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã liên tưởng đến đêm tình tự thề nguyền giữa Kiều và Kim Trọng “Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống con người ở đây; và để nhân cách hóa nó lên, tôi gọi đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Và giống như nàng Kiều trong đêm tình tự, ở ngã rẽ sông này, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả”. 

Có thể thấy, việc Kiều trở lại nơi ở của Kim Trọng vào lúc đêm khuya “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” là một sự bất ngờ đối với Kim Trọng. Bởi cả ngày hôm đó họ đã có khoảng thời gian tình tự ý hợp tâm đầu. Chàng Kim không ngờ tới, ban đêm Thúy Kiều lại sang

Sinh vừa tựa án thiu thiu,

Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê.

Tiếng sen sẽ động giấc hòe,

Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.

Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần,

Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.

Một cảm hứng Kiều đôi khi nồng nàn, đôi khi bảng lảng nhưng luôn dìu dặt trên những trang văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Phải chăng chính cảm hứng ấy đã góp phần hun đúc nên cái nhìn mê đắm của nhà văn đã nguyện suốt cả cuộc đời đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.

-------------------
(1) Bản Tứ Đại Cảnh tương truyền là của vua Tự Đức, sáng-tác để ca ngợi 4 cảnh lớn của trời đất là Xuân, Hạ, Thu, Đông, nhưng cũng có người cho là vua Tự Đức có ngụ ý tôn vinh 4 cảnh đời thạnh trị của vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (chữ Đại là Đời).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.