Cấm công chức uống rượu, bia vào giờ nghỉ trưa

Cấm công chức uống rượu, bia vào giờ nghỉ trưa

Sau 4 giờ thảo luận về chủ đề giao thông sáng 21/3, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chấp thuận triển khai hàng loạt giải pháp như tăng mức phạt, tăng biên chế CSGT, cấm cán bộ uống rượu bia vào buổi trưa...

Ngày 3/1, tại hội nghị trực tuyến tổng kết Năm an toàn giao thông 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị 63 tỉnh thành cần triển khai quy định cấm cán bộ, công chức uống rượu bia vào buổi trưa trong ngày làm việc.

Lãnh đạo UBND TP HCM cùng các sở, ngành dự hội nghị trực tuyến với Ủy ban an toàn giao thông quốc gia và 62 tỉnh thành khác sáng 3/1. Ảnh: H.C.
Lãnh đạo UBND TP HCM cùng các sở, ngành dự hội nghị trực tuyến với Ủy ban an toàn giao thông quốc gia và 62 tỉnh thành khác sáng 3/1. Ảnh: H.C.

"Quy định này vừa giúp tiết kiệm, chống lãng phí, vừa góp phần bảo đảm an toàn giao thông, nhưng hiện nay chỉ có 5 tỉnh thành thực hiện. Trong năm nay, cả nước cần nhân rộng quy định này", Phó thủ tướng đề nghị.

Theo Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, năm 2013, ủy ban sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành văn bản quy định cán bộ công chức không được uống rượu bia vào buổi trưa và khi tham gia giao thông. Ngoài ra, Ủy ban sẽ đề xuất Chính phủ, Quốc hội đưa việc cấm uống bia rượu khi tham gia giao thông như việc phòng chống thuốc lá, tạo dư luận để người dân biết và có chế tài xử phạt người vi phạm.

Báo cáo tổng kết tại hội nghị, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, trong năm 2012, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông có sự chuyển biến mạnh mẽ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao. Đặc biệt, sau 10 năm (2001-2011), số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm xuống dưới 10.000.

Tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn cũng chuyển biến tích cực. Trong đó, Hà Nội giảm 46% điểm ùn tắc (từ 124 điểm xuống còn 67), TP HCM giảm 36% điểm (từ 120 điểm xuống còn 76) và chỉ còn 2 vụ ùn tắc kéo dài hơn 30 phút. "Đặc biệt, tại TP HCM đã không còn tình trạng tụ tập đua xe trái phép, số vụ xe tập trung thành từng đoàn đã giảm đáng kể", ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách, Ban an toan giao thông TP HCM cho biết.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đà Nẵng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông. Năm 2012, Đà Nẵng không xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng, không ùn tắc và cũng không có vụ chống người thi hành công vụ. Trong khi đó, Đồng Nai bị phê bình vì số vụ tai nạn cao.

Ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng của các cấp ngành, đoàn thể đã tích cực tham gia đảm bảo công tác an toàn giao thông, Phó thủ tướng chỉ đạo: "Năm 2012 đã thành công. Từ kết quả này, các bộ, ngành, địa phương cần đề ra các giải pháp tích cực, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, đảm bảo công tác an toàn giao thông trong những năm tới".

Từ ngày 16/11/2011 đến 15/11/2012, cả nước xảy ra gần 36.400 vụ tai nạn, làm chết 9.838 người, bị thương hơn 38.000 người (giảm 14% số người chết; 20% số người bị thương so với cùng kỳ). Có 40 tỉnh thành giảm trên 10% số người chết vì tai nạn giao thông, như: Cà Mau, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Ninh Thuận, Sơn La, Phú Thọ, Hà Giang, Hà Tĩnh... Có 4 tỉnh giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí là Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Cần Thơ và Hà Tĩnh.

Chủ đề của năm an toàn giao thông 2013 là nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông.

 Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ