Cam Canh, bưởi Diễn chín sớm

Cam Canh, bưởi Diễn chín sớm
Thu hoạch cam canh chín sớm
Thu hoạch cam canh chín sớm
 

Do diễn biến bất thường của thời tiết nên năm nay các đặc sản cam Canh và bưởi Diễn (Hà Nội) đều chín sớm. Vì đã đến thời điểm thu hoạch nên người trồng có thể bán sản phẩm ra thị trường với giá bán phù hợp, đảm bảo có lãi.

Thu nhập không giảm

Bên vườn cam canh 5 sào với 400 gốc cam, ông Nguyễn Quang Viễn ở thôn Tràng Cát (xã Kim An, Thanh Oai) cho biết: Do mưa nhiều nên gần đến thời điểm thu hoạch, một số cây cam đã trồng lâu năm có hiện tượng "gân xanh lá vàng", thối rễ.

Quả cam bị nứt nẻ, phải hái bỏ nhiều. Gia đình ông Viễn đã phải chặt bỏ hàng chục cây cam chết. Theo ông Viễn, ảnh hưởng của mưa nhiều đã làm cho vườn cam của gia đình ông thiệt hại khoảng 10%, đa số là những cây trồng có tuổi thọ 7 - 8 năm.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm bắt đầu thu hoạch nên có thể thu nhập từ cam canh của gia đình không giảm so với năm ngoái. Với giá bán tại vườn 50.000 đồng/kg, gia đình ông dự kiến thu hoạch được 4 tấn, tương đương 200 triệu đồng.

Toàn xã Kim An hiện có 60ha trồng cam canh, trong đó 40ha đang cho thu hoạch, dự kiến sản lượng năm nay đạt 700 - 800 tấn. Ông Đỗ Hùng Cường - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Kim An - cho biết: Năm nay cam chín sớm hơn, nhưng chất lượng không bị ảnh hưởng nhiều. Bởi so với mọi năm, đầu tháng 10 âm lịch là thời điểm bắt đầu thu hoạch. Mặt khác, nhiều gia đình bỏ vốn đầu tư lớn, nên cũng có tâm lý tranh thủ bán sớm để thu hồi vốn và dưỡng sức cho cây.

Không chỉ có vùng cam canh ở Kim An có hiện tượng chín sớm mà ở những vùng trồng cây ăn quả khác như Đắc Sở (Hoài Đức), Xuân Mai (Chương Mỹ), Xuân Phương (Từ Liêm), nhiều vườn cam, vườn bưởi cũng có hiện tượng tương tự.

Là một trong 3 hộ trồng bưởi diễn lớn nhất thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ), ông Nguyễn Đức Thọ - Chủ vườn bưởi 1,5 ha - cho biết: Tuy có hiện tượng chín sớm nhưng năm nay, do áp dụng các biện pháp kỹ thuật của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội nên năng suất và chất lượng bưởi của gia đình ông cao hơn năm ngoái.

Vườn bưởi nhà ông Thọ được đầu tư giàn tưới tự động, tiết kiệm với mỗi cây một vòi phun để chống mưa axit và sương muối. Bên cạnh đó, ông Thọ sử dụng túi bao quả trên 100% diện tích, có khả năng chống sâu bệnh và tạo được mẫu mã đẹp cho quả bưởi.

Năm 2012, giá bán bưởi tại vườn của gia đình ông từ 10.000 - 12.000 đồng/quả thì năm nay, giá bán tại vườn của gia đình ông khoảng 20.000 đồng/quả, bán tại sàn giao dịch rau quả 25.000 đồng/quả. Dự kiến, vườn bưởi 1,5 ha của gia đình ông cho thu hoạch 50 vạn quả.

Tiếp tục nâng cao chất lượng

Để cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn quả Hà Nội, từ năm 2012, thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao của TP, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã quy hoạch, mở rộng diện tích cây ăn quả. Trong đó, diện tích trồng mới bưởi được tập trung phát triển tại vùng đồi gò thuộc các huyện Chương Mỹ, Sóc Sơn; diện tích trồng mới cam canh được tập trung phát triển dọc sông Đáy thuộc các huyện Thanh Oai, Hoài Đức và Thường Tín.

Những diện tích nằm trong vùng quy hoạch được Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội hỗ trợ 100% kinh phí cho công tác tập huấn khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP…

Các diện tích thâm canh bưởi, cam canh, được hỗ trợ 30% chi phí vật tư phân bón, thuốc BVTV, túi bao quả bưởi, hỗ trợ 100% mắt ghép trong ghép cải tạo vườn tạp. Các diện tích trồng mới được hỗ trợ 100% cây giống và 30% vật tư phân bón, thuốc BVTV.

Ông Đỗ Hùng Cường cho biết, trong số 60ha cam canh của địa phương thì có 20ha trồng mới theo Đề án phát triển cây ăn quả của TP. Sau các đợt mưa vừa qua, tuy có nhiều vườn cam bị ảnh hưởng do úng ngập nhưng toàn bộ diện tích trồng mới đều hồi phục được, không bị chết.

Còn theo ông Nguyễn Đức Thọ, nhờ được đầu tư giàn tưới tự động, tiết kiệm, phun rửa nước mưa a xít và sương muối nên tỷ lệ đậu quả của vườn bưởi nhà ông cao hơn. Đặc biệt, việc sử dụng túi bao quả đã đem lại hiệu quả cao hơn từ 20 - 30% so với năm 2012.

Theo KTĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.