Cải thiện cơ sở vật chất trường học nhờ Chương trình Nông thôn mới

GD&TĐ - Khi triển khai Chương trình Nông thôn mới, nhiều địa phương của Hà Nội đã tích cực đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất cho các trường học.

Khuôn viên Trường THCS An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Khuôn viên Trường THCS An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Tập trung nguồn lực cho Giáo dục

Giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền vững, vì vậy, huyện Ba Vì luôn xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Trong khuôn khổ Chương trình MTQG về xây dựng Nông thôn mới, huyện Ba Vì đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Thông tin từ Trưởng Phòng GD&ĐT Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, huyện đã đầu tư xây dựng và sửa chữa cơ sở vật chất, trang cấp thiết bị dạy học tiên tiến như bảng thông minh, máy chiếu, thư viện điện tử… nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Ngoài ra, nhờ vào Chương trình Nông thôn mới, hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện Ba Vì đã được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện cho học sinh đi lại thuận lợi, an toàn hơn góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ học sinh bỏ học.

may-3.jpg
Khuôn viên Trường THCS Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Công tác phổ cập giáo dục được chính quyền huyện quan tâm sát sao, đảm bảo mọi trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường; các chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng được thực hiện tốt giúp các em có cơ hội học tập bình đẳng.

Kết quả cụ thể: Năm 2024, ngành Giáo dục Ba Vì xếp thứ 15/30 quận huyện, thị xã trên toàn thành phố; Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng (đạt tỷ lệ 81,81%); đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS mức độ 3, xoá mù chữ mức độ 2.

"Việc thực hiện Chương trình MTQG về Nông thôn mới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của huyện Ba Vì trong thời gian tới" - ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT Ba Vì nhấn mạnh thêm.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

10.jpg
Thầy trò Trường THCS An Khánh, huyện Hoài Đức trong một hoạt động giáo dục di sản văn hóa địa phương.

Tại huyện Hoài Đức, thông tin từ Trưởng Phòng GD&ĐT Vương Văn Lâm, hiện nay, trên địa bàn huyện có 81 trường Mầm non, Tiểu học, THCS công lập với 1.653 nhóm lớp học, hơn 61.000 học sinh. Tỷ lệ trường trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 84% (68/81 trường), trong đó tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là 23,5% (19/81 trường).

Tính đến 1/2025: Cấp Mầm non có 24/33 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 72,7%), trong đó 13 trường đạt chuẩn mức độ 2; cấp Tiểu học có 22/26 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 84,6%), 4 trường đạt chuẩn mức độ 2 là Sơn Đồng, Cát Quế A, An Thượng B, Lý Nam Đế; cấp THCS có 22/22, trong đó có 2 trường đạt chuẩn mức độ 2 gồm THCS Nguyễn Văn Huyên, Minh Khai.

Công tác phát triển giáo dục và đào tạo luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương coi trọng. Trong những năm qua, việc đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất các trường học công lập đảm bảo đạt chuẩn quốc gia luôn được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

tong-bat.jpg
Hệ thống máy tính ở Phòng Tin học Trường Tiểu học Tòng Bạt, huyện Ba Vì được trang bị đầy đủ.

Nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất giáo dục công lập được Thành phố quan tâm hỗ trợ theo Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực: Giáo dục, Y tế, Di tích trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo tại Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND thành phố Hà Nội. Đồng thời, việc đầu tư cơ sở vật chất các trường cũng nằm trong Chương trình MTQG về xây dựng Nông thôn mới của Thành phố.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của huyện được HĐND huyện phê duyệt, tổng số dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất trường học được phê duyệt đến nay là 113 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 4.879.871 triệu đồng.

Tổng kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 được duyệt là 2.949.600 triệu đồng; trong đó nguồn ngân sách Thành phố hỗ trợ 935.800 triệu đồng, ngân sách huyện: 2.013.800 triệu đồng.

Ông Nguyễn Trung Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho hay, giai đoạn từ năm 2021 đến đầu năm 2024, huyện đã thực hiện 21 dự án xây dựng mới trường học: đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 8 trường mới; cơ bản hoàn thành thi công xây dựng 5 dự án; đang triển khai thi công đối với 8 dự án.

8 trường xây mới hoàn thành gồm: Mầm non Đông La 1; Mầm non Sơn Đồng; Mầm non An Khánh B; Mầm non Tiền Yên - Khu Yên Thái; Mầm non Lại Yên; Mầm non Cát Quế C; Tiểu học TT.Trạm Trôi B (Vạn Xuân); THCS Tiền Yên.

5 dự án hoàn thành thi công xây dựng gồm các trường: Tiểu học Đức Giang; Mầm non La Phù 2; Mầm non An Thượng A; Mầm non Kim Chung - khu Lai Xá; Mầm non Vân Canh B.

Huyện Hoài Đức cũng thực hiện 26 dự án mở rộng, xây dựng bổ sung đơn nguyên các trường học, đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 10 công trình; cơ bản hoàn thành thi công 5 dự án; đang triển khai thi công 11 dự án.

Trong quá trình triển khai 35 dự án cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất trường học, huyện đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 25 dự án, cơ bản hoàn thành thi công 4 dự án và đang triển khai thi công 6 dự án.

Nhằm phục vụ tốt nhu cầu về giáo dục đáp ứng tiêu chí xây dựng huyện thành quận; tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; đảm bảo cơ sở vật chất cho các trường công lập đạt chuẩn, ngoài kinh phí đầu tư trang thiết bị trong các dự án đầu tư xây dựng, UBND huyện Hoài Đức đã bố trí kinh phí để bổ sung trang thiết bị cần thiết phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập trong các năm 2021-2023 với tổng kinh phí là 133,026 tỷ đồng...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ