Cái nghèo đèo cái khó

Cái nghèo đèo cái khó
Một góc bản Huổi Chạ: Chỉ có trường học là công trình kiên cố
Một góc bản Huổi Chạ: Chỉ có trường học là công trình kiên cố

(GD&TĐ) - Chúng tôi may mắn đi nhờ được xe ô tô của Điện lực Mường Nhé vào Nậm Vì, khi cán bộ kỹ thuật đơn vị đi kiểm tra định kỳ công tác quản lý vận hành Trạm biến áp Nậm Vì. Nói may vì hôm trước gặp mấy giáo viên từ Nậm Vì ra huyện người nào người nấy từ đầu đến chân đỏ quạch một lớp bụi  đường. Các cô giáo cũng khuyến cáo chúng tôi, nếu đi xe máy thì dù trời nắng cũng nên mặc quần áo mưa để... chống bụi!

Nơi cái nghèo đeo đẳng

Quả thật, quãng đường 10km từ ngã ba Nậm Pố (xã Mường Nhé) vào trung tâm xã Nậm Vì đang thi công, mặt đường bụi dày vài xăng ti mét. Chưa nói đến ô tô, chỉ cần chiếc xe máy đi qua là người đi đường lĩnh đủ bụi.

Chia tách từ xã Mường Nhé năm 2009, Nậm Vì được hưởng khối “tài sản” là 7 bản nghèo với 2 dân tộc: Mông (chiếm 90% dân số) và Thái, Sau 4 năm, xã Nậm Vì giờ có 450 hộ, trên 2.700 nhân khẩu; tỷ lệ hộ nghèo trên 80%. Đời sống người dân phụ thuộc sản xuất trên nương với trên 500ha lúa nương, ngô, lạc, đậu tương; lúa nước rất ít (55ha sản xuất 1 vụ).

Với tổng thu nhập quy ra lương thực đạt bình quân 340kg/người/năm, cũng có nghĩa để không bị đói, người dân Nậm Vì đã phải căng sức ra làm lụng nên vấn đề giảm nghèo còn gian nan lắm! Ở Nậm Vì có những bản “nghèo toàn tập” như: Huổi Cắn (29 hộ, 151 khẩu, 100% hộ nghèo); Cây Sổ (19 hộ thì có 1 hộ cận nghèo còn lại là hộ nghèo).

Không những thế, thời gian qua, tại khu vực giáp ranh 2 xã Nậm Vì và Mường Toong diễn ra sự việc khá ngược đời khi toàn bộ dân bản Huổi Cắn (xã Nậm Vì) sản xuất, canh tác trên đất Mường Toong còn dân bản Huổi Cấu (xã Mường Toong) thì sản xuất, canh tác trên đất Nậm Vì.

Chính quyền xã Nậm Vì đã đề nghị chuyển đổi 2 bản này về 2 xã để cuộc sống và lao động sản xuất của người dân được thuận lợi. Tuy nhiên, “đẩy” được bản Huổi Cắn 100% hộ nghèo, không có ruộng nước đi thì Nậm Vì lại nhận về bản Huổi Cấu có nhiều người nghiện thuốc phiện!

Nậm Vì giáp với xã Tà Tổng, huyện Mường Tè (Lai Châu) nên vẫn diễn ra tình trạng trồng cây thuốc phiện ở khu vực giáp ranh, khó quản lý, kiểm soát. Hiện nay, toàn xã có 42 người nghiện thuốc phiện, và chắc chắn khi tiếp nhận bản Huổi Cấu từ Mường Toong về, con số người nghiện sẽ tăng nhiều hơn.

Nậm Vì đã nghèo còn “đèo thêm” khó khi hiện nay, đây là địa bàn bị lợi dụng tôn giáo nhiều (5/7 bản với 140 hộ bị lợi dụng tôn giáo) nên tình hình ANCT, TTATXH diễn biến phức tạp. Cùng với đó là vấn đề di cư tự do vẫn tiếp diễn ảnh hưởng tới sự ổn định của đời sống người dân sở tại. Việc sinh nhiều con cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới đói nghèo.

Hiện nay tính trung bình ở Nậm Vì mỗi hộ có 6 khẩu. Cá biệt có gia đình ở bản Huổi Chạ 2 có tới 15 con. Nhận thức của người dân còn hạn chế về việc đăng ký khai sinh cũng dẫn tới những bất cập trong quản lý hộ tịch, hộ khẩu và việc huy động trẻ em ra lớp học trên địa bàn.

Trông chờ vào thế hệ tương lai

Vài năm trước, Nậm Vì đã tổ chức lớp xóa mù cho người dân (chủ yếu là đối tượng phụ nữ trung tuổi), tuy nhiên đến nay, phần lớn họ lại tái mù chữ. Nguyên nhân chính một phần do tuổi đã “cứng”, việc tiếp thu kiến thức hạn chế, học xong nhanh quên; mặt khác là sau khi học xong lớp xóa mù chữ, những đối tượng này ít có cơ hội giao tiếp với cộng đồng xã hội bằng tiếng phổ thông.

Phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng cao vẫn bị đóng khuôn trong chức năng: sinh đẻ rồi lên nương, xuống ruộng, vào rừng kiếm cái ăn cho gia đình. 

Bí thư Đảng ủy xã Nậm Vì, Thào A Của cho biết: Những đối tượng phụ nữ đó không có điều kiện học hành từ đầu thì thôi đành chấp nhận!

Hiện nay, chính quyền xã tập trung chăm lo cho thế hệ trẻ em hiện nay, không chỉ là xóa đói giảm nghèo cho gia đình các cháu mà tạo mọi điều kiện để các cháu được học hành đầy đủ. Vì chúng tôi xác định, tương lai của Nậm Vì chính là lớp học sinh bây giờ.

Hiện nay, về cơ bản hệ thống trường lớp học ở Nậm Vì đã được kiện toàn, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Trong  đó, việc đảm bảo cơ sở vật chất cho 369 học sinh tiểu học và THCS ở bán trú luôn được Nhà trường, chính quyền xã quan tâm, tạo điều kiện. So với cấp tiểu học và THCS thì giáo dục mầm non ở Nậm Vì có những khó khăn hơn.

Năm học 2013 – 2014, Trường Mầm non Nậm Vì có 13 lớp, 249 trẻ, phân bố tại 8 điểm bản. Các điểm bản ở rải rác, xa trung tâm; có điểm như ở bản Cây Sổ cách trung tâm 20km, đường dân sinh chỉ đi được mùa khô. Cũng vì thiếu giáo viên nên Nậm Vì mới mở được 1 lớp nhà trẻ ở trung tâm xã, còn lại toàn là lớp mẫu giáo.

Thông thường, các điểm trường, lớp học xa trung tâm sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động hơn, nhưng ở Nậm Vì thì ngược lại. Cô giáo Lò Thị Thêu, Phó hiệu trưởng Trường Mầm Non Nậm Vì cho biết: Việc huy động trẻ 5 tuổi ở 2 bản trung tâm xã là Huổi Chạ 1 và Huổi Chạ 2 rất khó khăn.

Đây là 2 bản có nhiều dân di cư tự do và theo đạo. Người dân đi làm nương thường cho con đi theo, nên việc huy động trẻ ra lớp rất vất vả. Ngay việc lập danh sách học sinh đúng độ tuội cũng vô cùng nan giải. Khi giáo viên đến nhà điều tra, rà soát phụ huynh khai một kiểu nhưng khi so sánh với hộ khẩu, giấy khai sinh lại không khớp.

Việc sinh đẻ không làm khai sinh kịp thời cho con cái dẫn đến tuổi của con, bố mẹ cũng chỉ nhớ ang áng mà thôi. Do nhận thức hạn chế, nên mỗi lần tiêm chủng, trẻ em bị sốt nhẹ (do tiêm vắc xin), nhiều phụ huynh học sinh lại cho rằng... do cô giáo làm con họ ốm!

Thậm chí nhiều trường hợp, giáo viên thanh toán tiền chế độ cho trẻ mầm non, phụ huynh cũng không nhận hoặc nhận hôm trước hôm sau mang trả nhà trường vì sợ nhận tiền thì phải cho con đi học!

Xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là nhiệm vụ đầy nan giải đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền xã Nậm Vì. Nói như Bí thư Đảng ủy, Thào A Của: “Trên 80% hộ nghèo là một con số... đầy áp lực! Song chúng tôi sẽ quyết tâm khắc phục từng bước, dễ làm trước, khó làm sau!”.

Trước mắt là phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước để đảm bảo ổn định chính trị, tư tưởng, giữ vững an ninh trật tự làm nền móng để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.                  

Tiểu Bảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.