Tôi năm nay 56 tuổi. Tôi có 3 người con. Các con tôi đều đã khôn lớn trưởng thành, 1 đứa có vợ và đã có con. Tôi cũng từng chăm con dâu ở cữ nên hơn ai hết, tôi cảm thông với bà mẹ chồng và thương bà ấy. Bà ấy đã hết lòng vì con dâu, chiều chuộng con dâu hết mức, phục vụ con dâu đến 2 tháng ở cữ, vậy mà vẫn bị con dâu bêu xấu và vu cho cái tội gián tiếp làm mất sữa của cháu nội.
Tôi nghĩ, nếu người viết bài đó là con dâu tôi, không biết tôi sẽ sốc đến mức độ nào.
Khi tôi chăm con dâu, con cũng từng cau có khó chịu vì tôi cứ bắt con phải kiêng món nọ, kiêng món kia. Chủ ý của tôi, không phải tiếc con dâu, nhưng tôi thương con. Tôi biết, gái đẻ càng kiêng cữ được nhiều thì càng tốt cho sức khỏe của con sau này. Vì thế, dù con có khó chịu đến mức nào, tôi vẫn khuyên bảo con để con nghe lời tôi.
Ảnh minh họa |
Lớp trẻ bây giờ cứ vin vào chuyện, không ăn nhiều, không ăn đa dạng thì không có sữa, nhưng ngày xưa, từ người giàu đến người nghèo, được ăn no bụng đã là tốt, làm gì có thịt có trứng như bây giờ. Thế mà, chẳng có ai thiếu sữa. Ai cũng đủ và thừa sữa cho con.
Như tôi, sinh 3 đứa con, nhưng nhà nghèo, cơm không có đủ để ăn no, phải ăn độn ngô độn sắn. Thỉnh thoảng lắm mới được ăn 1 quả trứng gà bồi dưỡng… Ấy thế mà sữa cứ tràn trề. Thậm chí, khi con 1 tuổi sữa vẫn chảy ướt áo.
Việc có nhiều sữa hay không phụ thuộc vào người mẹ. Người mẹ cứ ăn đủ no, cho con bú thật nhiều, đừng dựa dẫm vào sữa công thức, đừng dựa dẫm vào máy hút sữa là ắt có đủ sữa cho con.
Nhưng lớp trẻ bây giờ ương ngạnh lắm, cứ cậy mình được học cao, nghĩ mình đã biết mọi thứ nên nhất nhất làm theo ý mình mà không thèm nghe lời người lớn. Chưa gì đã ấn bình sữa công thức vào miệng cho con, con bú sữa bình quen nên bỏ ti mẹ. Mà con không ti mẹ thì mẹ ít sữa dần rồi mất sữa là chuyện bình thường.
Đó là do lỗi của mẹ chứ không phải do ăn uống không đủ chất.
Nếu cứ ăn không đủ chất mà không có sữa thì những đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo khó chắc sẽ không bao giờ có sữa mẹ để ăn.
Còn việc ăn uống, trong câu chuyện này, tôi nghĩ bà mẹ chồng không phải dạng keo kiệt, bủn xỉn, hay tiết kiệm. Bữa ăn như vậy là đủ chất, và an toàn đối với gái đẻ. Bữa ăn cũng thừa năng lượng để cho nàng dâu phục hồi sức khỏe và “sản xuất” sữa cho em bé
Còn nếu nàng dâu muốn đổi món, hãy thật tế nhị và nhẹ nhàng với mẹ chồng. Chúng tôi dù có tiết kiệm đến mức nào, nhưng khi con dâu mình ngỏ ý muốn ăn món này món khác, và những món đó nằm trong phạm vi an toàn thì chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng.
Cái quan trọng là thái độ tôn trọng và cách ứng xử, nói năng sao cho khéo léo. Người ta vẫn bảo “nói ngọt thì lọt đến xương” là như vậy đó.