Cái khó của 'lần đầu'

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp 1, 2, 3, lớp 6, 7 và lớp 10; đồng thời tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2006 đối với lớp 4, 5, lớp 8, 9, lớp 11 và lớp 12.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nếu như các trường tiểu học, THCS đã có kinh nghiệm triển khai song song 2 chương trình thì với THPT, đây là năm đầu tiên đồng thời triển khai Chương trình 2018 và 2006.

Về thuận lợi, trước hết phải nói cách triển khai cuốn chiếu nên các trường có sự chuẩn bị tiếp nối, dài hơi, cả về tâm thế và các điều kiện bảo đảm. Việc dạy học tiếp cận với Chương trình GDPT 2018 đã được Bộ GD&ĐT lưu ý nhà trường thực hiện từ năm 2017 với Công văn số 4612 hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.

Tài liệu hướng dẫn dạy học các môn học lớp 5, lớp 9 trong Chương trình GDPT 2006 đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 được xây dựng; giúp chuẩn bị tâm thế, phẩm chất, năng lực cần thiết, học sinh lớp 5, lớp 9 được làm quen và đáp ứng chuẩn đầu vào của lớp 6, lớp 10 theo chương trình mới.

Năm học 2021 - 2022, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo địa phương giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục từ lớp 7 đến lớp 12 thực hiện Chương trình GDPT 2006 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, bảo đảm tính kết nối với Chương trình GDPT 2018…

Tuy nhiên, hai chương trình có những khác biệt, từ mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp, điều kiện thực hiện, đánh giá kết quả giáo dục... Trong đó, khác biệt cơ bản là Chương trình GDPT 2018 nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của người học; trong khi Chương trình 2006 dạy học theo tiếp cận nội dung (dạy học tiếp cận trang bị kiến thức).

Đánh giá học sinh theo Chương trình GDPT 2018 và Chương trình GDPT 2006 theo 2 quy định khác nhau. Yêu cầu mới và khác của Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên phải chủ động, tích cực nắm bắt, chấp nhận vượt khó, đầu tư kỹ càng về chuyển môn mới có thể thích ứng.

Cán bộ quản lý cũng phải vững vàng chuyên môn, tâm huyết, mới có thể chỉ đạo sát sao, điều chỉnh, rút kinh nghiệm một cách chính xác, giúp giáo viên thực hiện nhuần nhuyễn cả 2 chương trình.

Sự bỡ ngỡ về chuyên môn và quản lý trong mỗi nhà trường là khó tránh khỏi trong thời gian đầu vì sự đồng bộ khi song hành hai chương trình giáo dục chưa thể có ngay. Chưa kể, điều kiện để triển khai Chương trình GDPT 2018 còn khó khăn, cả về cơ sở vật chất và đội ngũ…

Năm học 2022 - 2023 diễn ra trong bối cảnh thuận lợi hơn, nhưng chúng ta vẫn phải sẵn sàng tình huống dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Do đó, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để chủ động, linh hoạt sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh và các tình huống bất thường, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học tiếp tục là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Kế hoạch giáo dục của mỗi trường được xây dựng từ kế hoạch của tổ chuyên môn. Các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra của cấp trên phải dựa trên kế hoạch giáo dục của nhà trường. Cùng với đó, tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, sinh hoạt theo cụm trường.

Tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện từng bước cấu trúc nội dung, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh...

Chưa đầy một tháng nữa, năm học mới sẽ chính thức bắt đầu. Thời điểm này, các nhà trường đang chuẩn bị và rà soát mọi điều kiện để sẵn sàng cho năm học mới.

Những thuận lợi, khó khăn khi lần đầu tiên thực hiện cùng lúc hai chương trình giáo dục ở mỗi nhà trường cần được đề cập đến một cách nghiêm túc, từ đó đưa giải pháp khả thi để triển khai, hướng tới hoàn thành chương trình năm học đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...