Cái giá của “ly hôn”

GD&TĐ - Những cảnh báo trước đây về việc Anh sẽ phải trả giá vì Brexit đang trở thành hiện thực với việc nước này bị thiếu tài xế lái xe bồn, dẫn đến nhiều trạm xăng bị cạn hàng, gây ra tình trạng rối loạn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Giới chuyên gia cho rằng, đây chỉ là một phần của những hệ quả mà người dân chịu tác động khi Anh “ly hôn” với EU.

Tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu của Anh (Brexit) đã dẫn đến một loạt sự thay đổi về vấn đề thị thực và giấy phép lao động giữa Anh với các nước trong khối. Điều này khiến thị trường lao động tại Anh không còn là một thể thống nhất với các nước EU như trước đây. Do đó, sự thiếu hụt nhân lực ở bất cứ lĩnh vực nào như ngành vận tải sẽ không được bù đắp nhanh bằng lực lượng lao động nước ngoài như trước đây.

Trước khi rời khỏi EU, nước Anh có tổng cộng khoản 600 nghìn tài xế xe tải hoạt động, bao gồm nhiều người di cư đến từ các nước trong khối. Ngay cả vào thời điểm đó, số lượng lái xe nói trên vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế.

Sau Brexit, tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các tài xế nước ngoài rút về nước vì không còn mặn mà làm việc tại Anh do vấn đề thu nhập và thủ tục phức tạp.

Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải đường bộ Anh, hiện nước này đang thiếu hụt khoảng 100 nghìn tài xế xe tải các loại, trong đó có xe bồn chuyên chở nhiên liệu đến hệ thống trạm xăng.

Chính tình trạng này đã khiến xăng dầu không thể được vận chuyển thông suốt từ các cảng và nhà máy lọc dầu đến các điểm bán lẻ, gây ra tình trạng khan hiếm nhiên liệu nhiều ngày liên tiếp.

Báo chí Anh cho biết, trong suốt một tuần qua có gần 3.700 trạm xăng trên cả nước lâm vào tình trạng cạn hàng. Những hàng xe nối dài chờ đổ xăng xuất hiện khắp nơi, ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của người dân. Nhiều người do lo ngại tình trạng này kéo dài đã tìm cách sử dụng các loại bình, chai lọ để mua tích trữ xăng khiến tình hình càng nghiêm trọng hơn.

Bộ trưởng Vận tải Anh Grant Shapps hôm 29/9 đã phải lên tiếng kêu gọi người dân dừng việc tích trữ xăng dầu “một cách vô ích và nguy hiểm”. Lực lượng quân đội cũng đã được huy động tham gia vận chuyển nhằm tháo ngòi cuộc khủng hoảng nhiên liệu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, không thể giúp giải quyết vấn đề cốt lõi là sự thiếu hụt các tài xế xe tải.

Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã làm Anh phải gián đoạn việc đào tạo và thi cấp bằng lái xe tải. Với tình hình hiện nay, nước Anh sẽ phải mất nhiều tháng nữa mới có thể có đủ số lượng tài xế đáp ứng nhu cầu.

Điều này đồng nghĩa cuộc khủng hoảng nhiên liệu có thể kéo dài tới tận dịp cao điểm đi lại vào Giáng sinh năm nay. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều ngành nghề khác, đặc biệt là bán lẻ vốn đang phải vật lộn phục hồi.

Trong khi khó tìm kiếm lao động nước ngoài do tiến trình Brexit, khả năng giải quyết trong nước cho vấn đề nhân lực của Anh cũng không mấy khả quan. Nguyên nhân là do người Anh có xu hướng không thích làm việc trong các ngành hậu cần như lái xe tải do lương thấp và thời gian làm việc kéo dài. Do vậy, cuộc khủng hoảng nhiên liệu hiện nay tại xứ sở sương mù vẫn có thể tái diễn bất cứ lúc nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.