Cái chết của thủ lĩnh Taliban có làm thay đổi cuộc chiến ở Afghanistan?

GD&TĐ - Cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ vào đêm 20/5 ở khu vực biên giới Pakistan -Afghanistan đã tiêu diệt thủ lĩnh tối cao của Taliban - Akhtar Mohammad Mansour. 

Cái chết của thủ lĩnh Taliban có làm thay đổi cuộc chiến ở Afghanistan?

Washington hy vọng rằng, sự kiện này sẽ làm thay đổi cục diện cuộc chiến ở Afghanistan, nơi Taliban đã đánh bật quân chính phủ ở nhiều tỉnh trong thời gian gần đây.

Pakistan - kẻ tiếp tay cho Taliban?

Akhtar Mohammad Mansour, người chính thức lên nắm quyền điều hành Taliban từ tháng 7/2015 đã bị máy bay không người lái của Mỹ bắn hạ khi đang đi trên một chiếc xe riêng. Thông tin trên đã được Taliban thừa nhận. Điều làm các nhà phân tích hết sức quan tâm rằng, Akhtar Mohammad Mansour bị bắn chết không phải ở Afghanistan mà ở gần thành phố Quetta, tỉnh Baluchistan (Pakistan). Sau vụ tiêu diệt Bin Laden vào 5 năm trước ở Pakistan, giờ Akhtar Mohammad Mansour cũng bị tiêu diệt trên lãnh thổ nước này, chứng tỏ trong thời gian dài Islamabad đã tiếp tay cho Taliban, hoặc ít nhất là làm ngơ trước sự hiện diện của họ ở nước mình.

Thời gian gần đây, Washington có ý định đàm phán hòa bình với Taliban. Trong số các kịch bản có thể, giải pháp chia sẻ quyền lực giữa chính phủ Afghanistan và những đại diện của “Taliban ôn hòa”. Tiến trình đàm phán được lên kế hoạch vào tháng Giêng trong bộ tứ gồm: Mỹ, Trung Quốc, Taliban và chính quyền Afghanistan. Tuy nhiên, đàm phán bị đổ vỡ vì Taliban dưới sự lãnh đạo của Akhtar Mohammad Mansour đã chọn giải pháp quân sự.

Trên thực tế, Taliban đã mở cuộc “tấn công mùa xuân” vào các vị trí của quân chính phủ và họ đã thu được những thắng lợi lớn. Theo các con số thống kê, vào thời điểm hiện tại khoảng 1/3 lãnh thổ Afghanistan đang thuộc quyền kiểm soát của Taliban. Ở Kabul và các thành phố lớn, Taliban tiến hành các vụ đánh bom khủng bố, phá hoại và trong số các nạn nhân của họ có cố vấn Mỹ. Washington đã mất kiên nhẫn trước những hành động này. Theo lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Akhtar Mohammad Mansour “đại diện cho mối đe dọa trực tiếp đến quân đội Mỹ ở Afghanistan cũng như các cư dân của đất nước này”. Cũng theo lời John Kerry, chiến dịch tiêu diệt lãnh tụ Taliban do Tổng thống Obama đích thân chỉ đạo.

Cục diện cuộc chiến ở Afghanistan có thay đổi?

Phía Mỹ hy vọng rằng, sau cái chết của Akhtar Mohammad Mansour, cục diện cuộc chiến ở Afghanistan sẽ thay đổi. Đơn giản vì nội bộ Taliban sẽ có những cuộc tranh giành quyền lực giữa những người kế thừa tiềm năng, dẫn đến suy yếu và sao nhãng những mục tiêu cơ bản của cuộc “tấn công mùa xuân”. Ấy là chưa kể người Mỹ còn hy vọng thủ lĩnh mới của Taliban có thể là người ôn hòa hơn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan như người Mỹ. “Nếu bạn phải làm việc với nhiều thủ lĩnh thì chỉ có thể làm cản trở những nỗ lực hòa bình” - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Pakisstan Imtiaz Gul khẳng định khi trả lời phỏng vấn hãng France-Presse.

Ngoài ra, chẳng ai dám chắc rằng, người kế thừa Akhtar Mohammad Mansour lại ôn hòa hơn. Trong số các ứng cử viên, Mullah Yaqub là con trai của người sáng lập phong trào Taliban Mullah Omar. Ngoài ra còn một ứng cử viên khác - Sirajuddin Haqqani, người đã nhiều lần tổ chức những cuộc tấn công vào chính phủ Afghanistan và quân Mỹ tại nước này. Không ai trong số họ được cho là ôn hòa cả.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phân tích chiến lược “Nước Nga - Đông - Tây” Vladimir Sotnikov thì “Việc loại bỏ Akhtar Mohammad Mansour, Barack Obama đã đáp lại những lời chỉ trích ông rằng chính sách của Mỹ ở Afghanistan đã đi vào ngõ cụt. Nó chứng minh rằng, Washington không bỏ rơi đồng minh của họ ở Kabul và sẽ tiếp tục chống lại chủ nghĩa khủng bố”. Tuy nhiên, theo lời Vladimir Sotnikov, bước đi này của Mỹ có thể đẩy cuộc đối thoại hòa bình vào ngõ cụt bởi các bên đều muốn dùng sức mạnh. Và nguy hại hơn, rất có thể, Taliban sẽ rơi vào tay các nhóm khủng bố khác như IS chẳng hạn.

Ngoài ra, có vẻ như việc tiêu diệt Akhtar Mohammad Mansour không có sự phối hợp với Chính phủ Pakistan. Những hành động như vậy sẽ làm tổn thương đến quan hệ Mỹ - Pakistan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.