Cái chết bí ẩn của 25 nhà khoa học

Sáng sớm ngày 4/8/1986, một người chạy bộ phát hiện xác một người đàn ông nằm chết dưới chân cầu Clifton Suspension ở thành phố Bristol cách thủ đô London 65km liền báo tin cho cảnh sát.

Cái chết bí ẩn của 25 nhà khoa học
Vimal Dajibhai và Robert Greenhalgh. 
 Vimal Dajibhai và Robert Greenhalgh..

Điều tra của cảnh sát cho biết, nạn nhân tên Vimal Dajibhai, 34 tuổi, người Anh gốc Pakistan, chuyên gia điện toán làm việc tại Tập đoàn Chế tạo vũ khí Marconi của Mỹ, có phòng nghiên cứu ở hạt Hertfordshire, ngoại ô thủ đô London, đã tử vong do xương sọ bị tổn thương nặng và xác định nguyên nhân có thể do nạn nhân tự tử bằng cách nhảy từ cầu cao xuống đường dẫn ở chân cầu.

Thế nhưng, những người thân, đồng nghiệp tin rằng không có lý do gì khiến Vimal phải tự tử. Nhà khoa học này không mắc chứng trầm cảm, có một gia đình hạnh phúc và việc làm phù hợp với chuyên môn của mình. Đây chính là lý do khiến các chuyên gia pháp y phải tiến hành khai quật tử thi của Vimal để giám định.

Và kết quả giám định đã gây sốc cho mọi người, Vimal đã bị một ai đó dùng vật cứng đánh mạnh vào vùng đầu gây tử vong tức thì, sau đó đã đưa xác đến chân cầu Clifton để ngụy tạo thành một vụ tự tử. Vào thời điểm bị giết chết, Vimal là chuyên gia điện toán làm việc trong một dự án chế tạo thủy lôi thế hệ Stingray trang bị cho tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Anh theo hợp đồng với Tập đoàn Marconi. Tuy được xác định bị giết chết, nhưng không hiểu vì lý do gì, cuộc điều tra cứ dậm chân tại chỗ.

Đến ngày 28/10/1986, cũng tại thành phố Bristol lại xảy ra một tai nạn giao thông gây tử vong cho Arshad Sharif, 36 tuổi, một chuyên gia điện tử làm việc tại bộ phận chế tạo thiết bị phát hiện tàu ngầm bằng vệ tinh của Tập đoàn Marconi, có nhà máy đặt tại hạt Stanmore, vùng Middlesex của Anh.

Điều tra của cảnh sát cho biết, chiếc xe Audi 80 mà nạn nhân điều khiển đã lạc tay lái và đâm mạnh vào một gốc cây bên vệ đường. Kết luận của cảnh sát nghiêng về khả năng nạn nhân đã tự tử. Cũng giống như trường hợp của Vimal, người thân, đồng nghiệp của Sharif nhận định đây không phải là một vụ tự tử nên kiến nghị cảnh sát cho điều tra vụ việc nhưng không được quan tâm.

Trong khi cái chết nghi vấn của hai chuyên gia làm việc cho Tập đoàn Marconi là Vimal Dajibhai và Arshad Sharif còn chưa được làm sáng tỏ thì trong năm 1987 lại xảy ra cái chết khó hiểu của 8 nhà khoa học làm việc cho Tập đoàn Marconi, đó là:

- Avtar Singh Gida, 27 tuổi, làm việc tại bộ phận nghiên cứu vũ khí điện từ, bị mất tích vào ngày 8/1/1987 và sau đó được xác định là đã chết mất xác.

- Jonh Brittan, 52 tuổi, chuyên gia về điện toán, được phát hiện chết trong xe hơi của ông tại thành phố Camberley vào ngày 12/1/1987.

- David Skeels, 43 tuổi, làm việc trong dự án chế tạo thủy lôi Stingray, chết do bị nhiễm khí độc carbon monoxyde trong xe hơi của ông vào ngày 21/2/1987.

- Victor Moore, 46 tuổi, làm việc tại bộ phận nghiên cứu thiết kế hệ thống dẫn đường cho vệ tinh quân sự, chết trong gara xe căn hộ của ông ở thành phố Portsmouth vào ngày 29/2/1987.

- David Sands, 37 tuổi, làm việc tại bộ phận chế tạo vệ tinh của Công ty Easams, một nhánh của Tập đoàn Marconi, chết do bình nhiên liệu xe phát nổ vào ngày 30/3/1987.

- Peter Peapell, 46 tuổi, làm việc tại bộ phận thử nghiệm chất nổ dưới nước của Tập đoàn Marconi tại Học viện Khoa học quân sự hoàng gia ở Oxfordshire, được phát hiện chết trong xe hơi của ông vào ngày 2/4/1987.

- Stuart Gooding, 33 tuổi, chuyên gia về chất nổ, đồng nghiệp của Peter Peapell, được phát hiện chết tại một bãi biển ở đảo quốc Chypre vào ngày 10/4/1987.

- Shani Warren, 36 tuổi, nữ chuyên gia về hệ thống kích hoạt đầu nổ của thủy lôi Stingray, được phát hiện chết tại một thác nước ở Scotland vào ngày 2/10/1987.

Những cái chết đầy nghi vấn của các nhà khoa học làm việc cho Tập đoàn Marconi từ tháng 8/1986 đến tháng 10/1987, nhưng không được tích cực điều tra làm rõ, đã khiến dư luận quan tâm và trở thành đề tài khai thác của các phương tiện thông tin đại chúng. Sự việc này đã đánh động Quốc hội chính thức yêu cầu Thủ tướng Margaret Thatcher phải thành lập một ủy ban cấp chính phủ để điều tra về hàng loạt cái chết nghi vấn này.

Quốc hội Anh cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ giải trình về từng cái chết nghi vấn của các nhà khoa học, chuyên gia người Anh làm việc cho Tập đoàn Marconi, vì đây là tập đoàn đang nhận hợp đồng nghiên cứu chế tạo vũ khí cho cả ngành quốc phòng Anh và Mỹ.

Trong khi chính phủ của Thủ tướng Thatcher còn chần chừ trong việc xác định thành phần và cơ cấu tổ chức của Ủy ban điều tra, và Bộ Quốc phòng Mỹ thì từ chối thẳng thừng, thì từ tháng 12/1987 đến tháng 3/1990 lại tiếp tục xảy ra 15 cái chết đầy nghi vấn của các nhà khoa học, chuyên gia làm việc cho Tập đoàn Marconi mà nạn nhân thứ 25 là Robert Greenhalgh, 37 tuổi, chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo thiết bị từ trường dẫn đường cho thủy lôi làm việc tại phòng nghiên cứu của Tập đoàn Marconi tại thành phố Reading.

Greenhalgh được tìm thấy nằm chết trên đường ray tàu hỏa ở hạt Winnersh với nhiều chấn thương ở đầu, ngực vào ngày 18/3/1990. Kết luận điều tra của cảnh sát cho biết nạn nhân đã tự tử khi nhảy từ tàu hỏa đang chạy với tốc độ nhanh xuống đường ray. Nhưng một số nhân chứng khai báo đã trông thấy nạn nhân bị đẩy rơi xuống đường ray tàu hỏa.

Những cái chết tiếp theo của các nhà khoa học, chuyên gia làm việc cho Tập đoàn Marconi lại thổi bùng lên làn sóng chỉ trích sự bất lực của chính quyền trong việc điều tra và nghi vấn về động cơ điều tra không tích cực của cảnh sát do có mâu thuẫn giữa giám định nguyên nhân tử vong của pháp y và kết luận điều tra của cảnh sát.

Đến năm 2004, một Ủy ban điều tra độc lập có sự tham gia của 6 nghị sĩ, 11 dân biểu Quốc hội, nhiều cựu nhân viên của Sở Cảnh sát hoàng gia (Scotland Yard), nhiều chuyên viên pháp y và nhiều nhà báo, sau hai năm tích cực làm việc, đã đưa ra những nhận định xung quanh cái chết bí ẩn từ năm 1986 đến năm 1990 của 25 nhà khoa học, chuyên gia người Anh làm việc cho Tập đoàn Marconi:

- Tất cả các nạn nhân đều làm việc tại những bộ phận nhạy cảm của Tập đoàn Marconi, liên quan đến nhiều dự án chế tạo vũ khí bí mật phối hợp giữa Bộ Quốc phòng Anh và Bộ Quốc phòng Mỹ.

- Nguyên nhân tử vong của các nạn nhân đều không phải do tự tử hay gặp tai nạn mà đều do bị giết hại rồi ngụy tạo thành tự tử hay gặp tai nạn.

Từ các nhận định này, Ủy ban điều tra độc lập đã đưa ra hai giả thuyết:

- Do các nhà khoa học, chuyên gia này nắm bắt được những bí mật về các dự án chế tạo vũ khí của Tập đoàn Marconi theo hợp đồng với Bộ Quốc phòng Anh và Bộ Quốc phòng Mỹ, nên tình báo Anh có sự kết hợp với tình báo Mỹ đã tổ chức giết hại những người này để bảo vệ bí mật.

- Tất cả những nhà khoa học, chuyên gia này đều sắp mãn hợp đồng làm việc với Tập đoàn Marconi. Do lo ngại những người này một khi rời khỏi Tập đoàn Marconi sẽ tiết lộ bí mật về các dự án chế tạo vũ khí, hoặc cho các phương tiện truyền thông hoặc cho một cơ quan tình báo nước ngoài nên Tình báo Anh và Tình báo Mỹ đã tổ chức giết hại họ. Những hành động giết người hàng loạt này đã được “bật đèn xanh” bởi chính quyền của Thủ tướng Thatcher và Bộ Quốc phòng Mỹ.

Cho đến nay những cái chết bí ẩn từ năm 1986 đến năm 1990 của 25 nhà khoa học, chuyên gia làm việc cho Tập đoàn Marconi vẫn còn là một nghi án lớn đối với các ngành bảo vệ pháp luật của nước Anh.

Theo tamguong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ