Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ nêu rõ: CCHC xuất phát từ đòi hỏi bức bách khi đất nước chuyển mạnh sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, với những cơ hội và thách thức mới, trong bối cảnh hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, với những thời cơ thuận lợi cũng như khó khăn thách thức đan xen nhau, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 kèm theo Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 với hệ thống các giải pháp và bước đi phù hợp nhằm mục tiêu xây dựng nền hành chính nhà nước Việt Nam dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đồng thời, CCHC đã được xác định là một trong 3 giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, với mục tiêu và giải pháp thực hiện CCHC đúng đắn, có cơ sở, phù hợp với thực tế đã tạo ra sự thay đổi căn bản nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn bộ hệ thống cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương. CCHC đã thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế; dân chủ hoá đời sống xã hội; hội nhập kinh tế quốc tế; củng cố và duy trì ổn định chính trị; phòng chống tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong 10 năm qua, CCHC đã được triển khai đồng bộ trên tất cả 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hoá nền hành chính.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, công tác cải cách thể chế được các cơ quan nhà nước trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thường xuyên quan tâm, tập trung chỉ đạo xây dựng các thể chế thuộc phạm vi quản lý, chú trọng việc xây dựng các dự thảo luật, pháp lệnh trình Quốc hội và ban hành một số lượng lớn nghị định hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
Thể chế về tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính, về mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân, về CCHC, thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới. Đã đề cao các quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân tại các đạo luật trên các lĩnh vực từ dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Tổng số văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ đã ban hành từ năm 2012 đến nay là hơn 8.600 văn bản.
Về cải cách thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh, đây được xác định là một khâu đột phá và đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hoá, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân. Việc triển khai thực thi phương án đơn giản hóa TTHC; việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa dòng hàng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11 năm 2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 TTHC, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng chồng chéo về thẩm quyền. Bước đầu đạt được một số kết quả trong thực hiện Đề án Tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Đã cắt giảm, đơn giản hóa đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã đạt được những kết quả rất tích cực, việc giải quyết TTHC nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu tình trạng chậm, muộn, nhũng nhiễu, tỉ lệ giải quyết đúng hạn đạt 97,37%.
Đối với cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, việc xây dựng và ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các bộ, ngành Trung ương về cơ bản khắc phục được những tồn tại, hạn chế của các giai đoạn trước, bổ khuyết những thiếu sót thể chế về tổ chức và bộ máy, bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng cho biết, các cơ quan Trung ương đã giảm 12 tổ chức cấp vụ và tương đương, giảm 4 tổng cục; 10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ. Ở địa phương, tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội, Đà Nẵng; tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM; đã giảm 5 cơ quan chuyên môn, gần 1.000 tổ chức cấp phòng, gần 130 tổ chức cấp chi cục, gần 1.200 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục; cấp huyện giảm gần 300 tổ chức; giảm biên chế 8,7% so với năm 2015.
Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Trong giai đoạn 2011-2020, các quy định về cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ trên tất cả các khâu từ tuyển dụng, sử dụng, bố trí, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch, thăng hạng. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện, bố trí công chức đảm bảo theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức tương ứng với bản mô tả công việc, khung năng lực của từng vị trí. Việc thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý; việc tuyển dụng công chức, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, ứng dụng công nghệ thông tin; việc thu hút những người có tài năng vào làm việc trong các cơ quan nhà nước... bước đầu đạt kết quả tích cực.
Công tác quản lý cán bộ, công chức; đánh giá, phân loại công chức, viên chức, đặc biệt là việc chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức đã được đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đã đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho 8,4 triệu lượt cán bộ, công chức. Cải cách chính sách tiền lương đã được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực.
Về công tác cải cách tài chính công: Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được ban hành, đã từng bước góp phần hoàn thiện chính sách về thuế, thu nhập, tiền lương và chính sách an sinh xã hội, trở thành động lực phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện tốt hơn công bằng xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác hiện đại hóa nền hành chính, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là điểm sáng thúc đẩy thay đổi lề lối, phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước. Cơ chế, thể chế, chính sách về khung pháp lý về xây dựng Chính phủ điện tử dần được hoàn thiện.
Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo lập nền tảng Chính phủ điện tử từng bước được hoàn thiện như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng dịch vụ công quốc gia, các Cơ sở dữ liệu quốc gia: về đăng ký doanh nghiệp, về bảo hiểm, về dân cư… Qua đó, đã được xây dựng, vận hành, tạo sự thay đổi rõ rệt về phương thức làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, giúp tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng.
“Với kết quả đạt được cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo để nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp đã tập trung đẩy mạnh cải cách nền hành chính, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi bằng được tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tập trung chỉ đạo cải cách tốt thủ tục hành chính, phân cấp mạnh và làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, khắc phục tình trạng chậm trễ, phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương công vụ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để huy động mọi nguồn lực bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và thực hiện tốt tiến bộ công bằng xã hội. Thông qua đó, kết quả CCHC ở nước ta thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được những kết quả tích cực trong CCHC giai đoạn vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ các hạn chế, yếu kém trên một số lĩnh vực cần tập trung có giải quyết khắc phục trong thời gian tới và đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích những kết quả đạt được. Qua đó, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, rút ra những bài học kinh nghiệm để từ đó đề xuất, xây dựng Dự thảo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 với những mục tiêu, nội dung mang tính cải cách nổi bật, có trọng tâm, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030 và những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với khát vọng mãnh liệt về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.