Café chủ nhật: Sen đá và xỉ than

GD&TĐ - Sau 2 tuần ở Hà Nội, tôi về nhà với mẹ, lòng khấp khởi mừng khi nghĩ đến sen đá. Tầm này chắc nó lớn lắm rồi...

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Nếu phải kể tên một vật dụng gắn bó với mẹ lâu nhất, tôi nghĩ ngay đến chiếc xe đạp tróc sơn. Tôi không biết mẹ mua nó từ khi nào. Trong tâm trí tôi, nó tồn tại như một điều bình thường và hiển nhiên, giống như cảm giác tôi sinh ra đã có ông bà, bố mẹ, các chị...

Mẹ và chiếc xe đạp cùng nhau đi hết thanh xuân, cùng nhau về hưu và cùng nhau bắt đầu cuộc sống mới: Ngày vài cữ đi gom xỉ than về nhà.

Một đứa mù mờ khoa học như tôi đương nhiên không hiểu mẹ rước “chất thải” về làm gì. Mẹ lại phải “gõ đầu”, nhồi kiến thức vào cái não rỗng của tôi: Trong đời sống thực vật, xỉ than là một tài nguyên thứ sinh hữu ích. Với đặc tính xốp, nhẹ, nó thường được chọn làm thành phần phối hợp với đất trồng cây, tạo nên môi trường phát triển cho rễ cây dễ dàng hấp thụ oxy, hạn chế úng nước, làm cho đất tơi xốp, thông thoáng mỗi khi tới mùa mưa hoặc hạn chế héo úa mỗi khi chủ vườn lỡ tay tưới quá nhiều nước.

Mẹ gom xỉ than trên đường đi chợ, xếp vào bao tải nhỏ, sau đó mẹ tóm miệng bao, siết chặt bằng một sợi dây. Bao xỉ than được mẹ đặt lên xe và dắt về nhà. Tôi hình dung như vậy vì chưa bao giờ lén theo chân mẹ đi gom xỉ.

Mỗi chuyến xe mẹ gom được khoảng chục viên. Sử dụng chiến thuật “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, chẳng mấy chốc, mẹ đã cải tạo được phần lớn diện tích đất trồng trọt trong vườn. Hầu như chỗ nào tôi giẫm chân lên cũng phát ra âm thanh lạo rạo rất đã tai. Xem chừng đây cũng là chiến thuật của mẹ: Con gái càng năng đi thăm vườn, xỉ than càng được “nghiền” mịn. Máy nghiền xỉ than chạy bằng cơm cũng rất hăng hái với công việc vừa nhàn vừa vui này.

Có lần, người bạn làm việc ở trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ tặng tôi món quà nhỏ, đó là cây sen đá. Tôi hí hửng mang về khoe mẹ rồi âu yếm đặt cây ở bậu cửa.

- Con để hớ hênh thế không sợ chuột hẩy xuống đất à? Chỗ này cũng hơi ít nắng.

Tôi bật chế độ “điếc có chọn lọc” nên mấy câu “dìm” của mẹ không có tác dụng. Với lại bạn tôi từng bật mí rằng sen đá sống tốt trong môi trường khắc nghiệt, đôi khi chỉ cần một chiếc lá cũng có thể nảy chồi.

Sau 2 tuần ở Hà Nội, tôi về nhà với mẹ, lòng khấp khởi mừng khi nghĩ đến sen đá. Tầm này chắc nó lớn lắm rồi. Đúng như mong đợi, lá cây dày hơn, bóng hơn, tán cũng rộng hơn. Thấy con gái cứ dán mắt vào chậu cây, mẹ nhắc:

- Con phải trồng vào chậu to thì nó mới phát triển được.

Nghĩ đến chuyện đi tìm chậu, xẻng, găng tay để xới đất trồng cây, tôi nản vô cùng, bụng bảo dạ cứ để sen đá trong cái hũ bé xíu này thêm một thời gian nữa rồi tính tiếp. Nhưng ôi thôi, tính chầy bửa chưa kịp phát tác thì tôi phát hiện bên dưới những chiếc lá mẫm mụp là những vật thể lạ đang ngọ ngoạy:

- Mẹ ơi, sen đá bị ốc sên tấn công rồi!

- Chả được tích sự gì! Mấy con ốc sên vớ vẩn cũng sợ.

Đầu tôi lúc này chỉ có thể nghĩ làm thế nào nhanh chóng “chuyển nhà” cho cây. Hình như mẹ chờ ngày này lâu lắm rồi. Thấy tôi đi tìm xẻng, mẹ đưa ngay cái chậu gốm màu đỏ, họa tiết hoa đào:

- Trồng vào chậu này là vừa xinh.

Sau một hồi kỳ cạch đào, xúc, vun, nắn,... cuối cùng tôi cũng có một chậu cây ưng ý. Chuyển sang nhà mới rộng hơn, sen đá tha hồ trổ lá, đâm cành và cũng đến ngày khoe tôi một nhành hoa vàng dịu. Tự hào về cái sự mát tay của mình, ai đến chơi cũng được tôi dẫn đi thăm chậu sen đá:

- Đây là lần đầu tiên em trồng cây.

Tôi nghĩ sau nhành hoa đầu tiên, sen đá cứ thế mà vùng lên tươi tốt. Ai ngờ, mỗi lần từ Hà Nội về, tôi lại thấy cây còi đi một chút, đất trong chậu ngày càng chắc lại, những chiếc lá mẫm mụp chuyển sang màu xám sậm và teo dần. Nhìn quanh không thấy con ốc sên nào, lạ thật, tôi vắt óc mãi không tìm ra nguyên nhân. Chẳng nhẽ sen đá ưa môi trường sống khắc nghiệt hơn?.

Sau mấy trận mưa, mẹ phát hiện cái chậu màu đỏ điệu đàng không có chỗ thoát nước. Mẹ dọa “Rễ cây úng nước lâu ngày sẽ chết”. Lại phải thay chậu khác! Giờ tôi mới thấm phần nào nỗi cực nhọc của người trồng cây. Chăm sóc chậu sen đá bé tẹo mà tôi thấy mình tốn bao nhiêu nơ-ron thần kinh. Không hiểu mẹ lấy đâu ra năng lượng chăm cả khu vườn. Nhưng kiếp nạn chưa dừng ở đó.

Lần thứ 3 chuyển sang chậu mới, sen đá tươi tỉnh được vài ngày lại bị quằn lá. Sao thế nhỉ? Chậu cây to, có nhiều chỗ thoát nước, rễ không bị úng nữa cơ mà. Mẹ giải thích:

- À, mẹ quên không dặn con trộn một lớp xỉ than trong chậu. Đất trồng cây nhất định phải có xỉ than, như thế nước mới thoát nhanh.

Lại còn thế nữa. Tôi nản toàn tập. Thấy sen đá vẫn cầm cự được, tính chầy bửa lại dâng cao, mẹ giục bao lần tôi vẫn... kệ. Chỉ đến khi tôi ra Hà Nội, mẹ ở nhà mới có dịp nhồi xỉ than vào chậu.

***

Bây giờ sen đá thích nghi môi trường mới tốt lắm rồi. Nắng, mưa, bão bùng đều chỉ là muỗi cắn inox. Xỉ than trong vai trò “chống úng” làm việc vô cùng hiệu quả. Tôi cười thầm sung sướng. Sen đá là cây của tôi, nhưng công nuôi nấng là của mẹ.

Thương xiết bao chiếc xe đạp cùng mẹ chở từng viên xỉ than về nhà. Để biết trồng cây và yêu cây như mẹ, tôi phải bắt đầu từ lớp vỡ lòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ