Trả lời: Theo Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV- BTC-BLĐTBXH hướng dẫn, đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo là: Nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, GD trong các cơ sở GD công lập thuộc hệ thống GD quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ NSNN cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật).
Nhà giáo quy định tại Điều 1 Thông tư liên tịch này có thời gian giảng dạy, GD được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định tại Khoản 1 Điều này đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Còn theo Thông tư liên tịch số: 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH sửa đổi một số điều của Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV- BTC-BLĐTBXH, hướng dẫn đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên là: “Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm nhiệm vụ giảng dạy, GD trong các cơ sở GD công lập thuộc hệ thống GD quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ NSNN cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật)”.
Căn cứ vào quy định trên, nếu từ năm 2004 bạn là giáo viên thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì phụ cấp thâm niên của bạn sẽ được tính từ thời điểm này.
Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc - Báo GD & Thời đại: 29B, Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Email: bandocgdtd@gmail.com