Theo thông tin từ Khoa phẫu thuật thần kinh I, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, cứ khoảng 10 người thì sẽ có 1 người có thể có cơn động kinh trong cuộc đời của mình. Điều đó đồng nghĩa với việc là động kinh là một tình trạng phổ biến. Vì vậy, việc có những kiến thức cơ bản trong sơ cứu người bị động kinh là điều vô cùng cần thiết.
Một số lời khuyên từ các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Thần kinh I về những điều cần làm khi gặp người có cơn động kinh: Theo bác sĩ, động kinh không phải lúc nào cũng cần cấp cứu ngay, chúng ta chỉ cần gọi cấp cứu nếu gặp một hoặc nhiều biểu hiện trong số những dấu hiệu sau đây:
Động kinh ở người không có tiền sử động kinh, co giật.
Khó thở và không tỉnh táo sau khi cơn động kinh kết thúc.
Cơn động kinh kéo dài hơn 5 phút.
Xuất hiện cơn động kinh khác ngay sau cơn động kinh vừa kết thúc.
Bị thương trong khi có cơn động kinh.
Động kinh xảy ra khi đang dưới nước.
Động kinh ở người có tiền sử tiểu đường, bệnh tim hay có thai.
Cách sơ cứu đối với mọi thể động kinh
Các bác sĩ Khoa phẫu thuật thần kinh I, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khuyên rằng, cần ở bên cạnh người bệnh cho đến khi cơn động kinh kết thúc và người bệnh tỉnh lại.
Sau khi động kinh kết thúc, giúp người bệnh ngồi dậy trên vị trí an toàn. Ngay khi họ tỉnh và có thể giao tiếp được, nói lại cho họ biết chuyện gì vừa xảy ra một cách rõ ràng và dễ hiểu.
Giúp họ được thoải mái và bình tĩnh.
Kiểm tra xem người động kinh có đeo vòng tay bệnh viện hay vật gì cho thấy họ đang là người bệnh điều trị tại bệnh viện không.
Giữ bản thân và mọi người bình tĩnh.
Gọi xe đưa người bị động kinh về nhà an toàn.
Cách sơ cứu đối với thể động kinh toàn thân.
Theo các bác sĩ, với thể động kinh này, người bệnh có thể khóc, ngã, rung, giật, trở nên mất ý thức với mọi thứ xung quanh.
Cần đặt người bị động kinh nằm trên mặt sàn phẳng.
Nghiêng người bị động kinh sang một bên một cách nhẹ nhàng. Tư thế này sẽ giúp họ dễ thở hơn.
Chú ý dọn khu vực đặt người bị động kinh nằm khỏi các vật sắc nhọn để tránh nguy cơ bị thương khi cơn động kinh diễn ra.
Đặt vật mềm và có độ bằng phẳng (ví dụ như dùng áo khoác gấp lại) dưới cổ người bị động kinh.
Nới lỏng quần áo, trang phục, tháo bỏ trang sức, kính, và những vật trên người có thể gây khó khăn cho việc thở.
Đếm thời gian cơn động kinh diễn ra. Gọi cấp cứu nếu cơn động kinh kéo dài hơn 5 phút.
Những điều cần tránh khi sơ cứu người bị động kinh
Không giữ chắc cơ thể, ghì xuống hay cố giữ cho người bệnh không cử động
Không đặt bất cứ vật gì trong mồm người bệnh. Việc này có thể gây tổn thương răng lợi của họ.
Không cố gắng thực hiện động tác hô hấp nhân tạo hà hơi thổi ngạt. Người bị động kinh thường tự thở lại được sau khi cơn động kinh kết thúc.
Không nên cho người bệnh uống hay ăn gì cho đến khi họ tỉnh táo hoàn toàn.