Cô Hoàng Thị Lành là người dân tộc Tày, quê ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Năm 2010 tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cô được phân về giảng dạy tại Trường THPT Tú Đoạn (xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) từ đó đến nay.
Nhà giáo tâm huyết
Từ nhiều năm qua, việc đi sớm về muộn đã không còn xa lạ với cô Hoàng Thị Lành. Mỗi buổi sáng cô đều đặn vượt 24km từ nhà đến trường dạy học. Kết thúc ngày dạy, về đến nhà cũng đã sẩm tối.
Cô Lành kể: “Những ngày mưa rét đi lại vất vả hơn. Mùa đông nhiều đợt rét đậm dưới 10 độ, kèm theo sương muối rất buốt đến trường tay đã lạnh cóng”.
Thế nhưng vì đam mê với nghề, mong muốn đem đến kiến thức cho học trò của mình những khó khăn ấy chưa bao giờ làm nản lòng cô.
Cô Lành cười hiền chia sẻ thêm: “Giờ đường xá thuận tiện hơn ngày trước rất nhiều nên phần nào đó vất vả đi lại đã giảm đi”.
Những năm 2010, khi Trường THPT Tú Đoạn mới thành lập cũng là thời điểm cô Lành được phân công về giảng dạy bộ môn Toán. Trường khi ấy thiếu thốn đủ thứ từ phòng công vụ, phòng chức năng. Vì vậy để có chỗ nghỉ cho những giáo viên ở xa, thầy cô thường phải kê tạm kế để nghỉ trưa.
Trường THPT Tú Đoạn, đa số học sinh đến từ gia đình thuần nông là con em các dân tộc Tày, Nùng, Dao. Điều kiện kinh tế khó khăn, phụ huynh cũng không sát sao về vấn đề học của con em nên động lực phấn đấu của học trò chỉ dừng lại ở mong muốn tốt nghiệp cấp 3 sau đó đi làm công nhân.
Đang trò chuyện, bỗng dưng cô Lành khựng lại, nhớ về cậu học trò đặc biệt của mình là Vương Văn Hà người dân tộc Tày. Hà học tốt nhưng lại rất nhút nhát, em ngại chia sẻ trước lớp mà chỉ nói chuyện điện thoại với cô. Qua tâm sự, cô Lành biết được em muốn học lên đại học nhưng hoàn cảnh gia đình lại khó khăn.
Cô Lành đã đồng hành cùng Hà, vừa động viên, vừa tư vấn, khuyên bảo, Hà ngỏ ý mượn các tài liệu ôn thi đại học trước đây của cô khiến cô vui mừng vì những tư liệu mình lưu giữ có ngày được sử dụng trở lại.
“Đến ngày báo điểm, Hà gọi điện báo tôi đã đỗ đại học và sẽ học tiếp. Thực sự tôi thấy rất vui, không có gì hạnh phúc bằng việc giúp học trò có định hướng đúng đắn”, cô tâm sự.
Cũng xuất thân từ khó khăn đi lên, cô Lành nhận thấy những hạn chế học sinh gặp phải. Bởi vậy, trong mỗi tiết học cô luôn cố gắng truyền hết kiến thức mình có cho học trò, giúp các em yêu con chữ và từ đó chú trọng vào việc học để thay đổi số phận”, cô Lành tâm sự.
Đổi mới phương pháp dạy học
Ngay từ những buổi học đầu tiên, cô Lành đã nhận thấy cần phải thay đổi phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với đối tượng học sinh ở vùng khó khăn. Bởi môn Toán là môn học bắt buộc, tuy nhiên đây không phải môn không dễ học nhất là đối với học sinh miền núi, nhiều em đã rỗng kiến thức nền từ trước do ngại học.
Để thay đổi tình hình đó, cô thường tìm các bài toán thực tế, gần gũi để giải quyết các yêu cầu trong cuộc sống, qua đó giúp các học trò thấy được ý nghĩa của toán học trong thực tiễn. Đồng thời cũng tạo không khí thân thiện, thoái mái trong giờ học để thầy trò cùng mạnh dạn trao đổi, đặt câu hỏi.
“Tôi thường đưa ra yêu cầu từ dễ đến khó với các em, khi nào học sinh thật sự hiểu và thành thạo thì mới đưa ra yêu cầu cao hơn và đặc biệt quan tâm đến các em học yếu để giao bài phù hợp”, cô Lành chia sẻ và cho biết thêm điều đó cũng giúp cô nhận biết được hoàn cảnh từng học trò để có phương pháp phù hợp.
Trong đó, cô nhận thấy và chú trọng vào xu hướng chung của ngành giáo dục là tăng cường sử dụng phần mềm, thiết bị hỗ trợ dạy học. Tuy nhiên với học trò miền núi ít có cơ hội tiếp xúc với công nghệ, việc thực hiện được điều đó là vô cùng khó khăn.
Trước tình hình đó, cô Lành đã xây dựng giải pháp sử dụng phần mềm Geometter Sketchpad trong dạy học, tức là hoàn chỉnh mô hình một hệ thống các video hướng dẫn được lồng tiếng, ghi lại toàn bộ quá trình thao tác, thực hiện và có đường dẫn chia sẻ giúp học sinh dễ dàng tiếp cận. Sáng kiến này của cô đã được áp dụng cho 6 trường học khác trên địa bàn tỉnh và được đánh giá cao. Đến năm 2023 sáng kiến được công nhận là sáng kiến cấp tỉnh.
“Đổi mới dạy học không thể nóng vội. Nhiều khi việc tiến bộ của các trò còn chậm đòi hỏi người giáo viên tìm tòi nghiên cứu các phương pháp dạy học mới lại dẫn đến những giải pháp hiệu quả”, cô cho hay.
Những sáng kiến sáng tạo của cô Lành được nhiều cấp có thẩm quyền đánh giá cao, đồng thời cũng đạt thành tích tốt trong các cuộc thi thiết kế bài giảng.
“Tôi rất vinh dự, tự hào khi được đại diện cho các nhà giáo của tỉnh Lạng Sơn tham dự vinh danh nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Bản thân tôi tâm niệm sẽ luôn nỗ lực, cố gắng trong công tác, đồng thời tích cực đổi mới dạy học và cống hiến nhiều hơn nữa cho nền giáo dục của tỉnh nhà”, cô Hoàng Thị Lành cho biết.