Cách nhận biết và loại bỏ chất độc trong thực phẩm

Cách nhận biết và loại bỏ chất độc trong thực phẩm

Phát hiện ở nồng độ thấp

Các nhà khoa học Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa công bố kết quả nghiên cứu chế tạo các đế SERS có cấu trúc nano bạc dạng lá và hoa trên silic (Si) để phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở nồng độ thấp dạng vết từ một phân tử trên một triệu phân tử (ppm) đến một phân tử trên một tỷ phân tử (ppb).

Chỉ cần nhỏ dung dịch chiết tách từ thực phẩm lên bề mặt đế SERS, để khô rồi cho chạy qua máy quang phổ Raman (tín hiệu tán xạ tăng cường bề mặt), dựa vào các đỉnh Raman và đường chuẩn phân tích đặc trưng riêng của mỗi chất trên phổ tán xạ ghi được, các nhà khoa học có thể nhận biết chất gì có trong thực phẩm với nồng độ bao nhiêu. 

Thử nghiệm trên lúa, xoài, cam, táo, rau cải, chè... đế SERS dạng lá nano và hoa nano bạc nhận biết được thuốc trừ sâu, diệt côn trùng phổ biến pyridaben ở nồng độ lần lượt là 0.011ppm và 0.014ppm và thuốc diệt cỏ sử dụng rộng rãi tại Việt Nam là paraquat ở nồng độ thấp hơn 0.01ppm. Thời gian để thu được phổ Raman và nhận biết thuốc bảo vệ thực vật chỉ 10 - 15 phút.

Các đế SERS cũng phân tích được những chất độc hại như thuốc nhuộm xanh thực phẩm, diệt nấm trong thủy sản - malachite green, chất trộn vào sữa melamine, chất độc xyanua... ở nồng độ siêu nhỏ ppb. 

Theo nhóm nghiên cứu, các công ty xuất, nhập khẩu sản phẩm, chi cục kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, chi cục hải quan cửa khẩu có thể sử dụng đế SERS để kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất, nhập khẩu hàng hóa, giúp tiết kiệm thời gian làm thủ tục, giảm tình trạng ùn ứ hàng hóa nhiều ngày, dễ gây hư hỏng nông sản. 

Sau 2 năm thực hiện kết quả nghiên cứu của nhóm được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá nghiệm thu xuất sắc. 

Kết quả cũng đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín như Journal of Electronic Materials, Advanced in Natural Science: Nanoscience and Nanotechnology (ANSN), Internaltional Journal of Nanotechnololy.

TS Lương Trúc Quỳnh Ngân, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, vấn đề lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp tại nước ta hiện nay ở mức báo động. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng đang mỗi ngày một tăng, trong đó có một số loại thuốc bảo vệ thực vật cực độc, mặc dù đã bị cấm sử dụng ở Việt Nam, nhưng vẫn còn lưu thông trên thị trường. 

Tình trạng ngộ độc thực phẩm do sử dụng rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đang là một thực trạng nhức nhối trong xã hội. Vì vậy, việc phát triển một phương pháp để phát hiện nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản, thực phẩm là một vấn đề hết sức cần thiết.

Loại bỏ độc tố trong thực phẩm

Đối với người dùng, việc sử dụng các công cụ phát hiện độc chất trong thực phẩm gần như khó khả thi. Theo các chuyên gia, có thể sử dụng lò vi sóng để loại bỏ các chất kháng sinh, chế biến cùng những nguyên liệu có tính oxy hóa cao để xử lý chất độc hay chần rau qua nước sôi để giảm độc… là những mẹo để loại bỏ độc tố trong thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người sử dụng.

Theo TS vật lý Nguyễn Văn Khải, thịt lợn nhiễm chất tăng trọng, kháng sinh là vấn đề nan giải trong phát triển chăn nuôi. Với người tiêu dùng, làm thế nào để bảo vệ sức khỏe luôn là mối quan tâm lớn. Để xử lý thành phần thuốc kháng sinh, chất tăng trọng trong thịt lợn, cách thải độc tốt nhất là chế biến trong lò vi sóng. 

Theo ông, các tia bức xạ trong lò vi sóng sẽ làm các chất độc này bị phân hủy hết. Lý do là lò vi sóng dùng sóng điện từ cực ngắn, làm nước trong thực phẩm chuyển động nhanh, mạnh, sinh nhiệt và làm chín thức ăn. 

Các tia bức xạ trong lò sẽ làm cho thành phần thuốc kháng sinh, chất tăng trọng nếu có trong thịt lợn bị phân hủy mà các thành phần chất bổ dưỡng khác có trong thịt vẫn được giữ lại.

TS Nguyễn Văn Khải cho biết, với tần số thường là 2.45GHZ, sóng vi ba dễ bị hấp thụ bởi nước, chất béo và đường. Các sóng bên trong lò sẽ được phát ở đúng tần số để có thể đi sâu vào trong thức ăn và truyền hầu hết năng lượng cho lượng nước bên trong thực phẩm. 

Sóng vi ba làm nóng đồ ăn bằng cách xoay các phân tử nước qua lại. Trong quá trình xoay qua xoay lại, các phân tử nước sẽ cọ xát vào nhau tạo ra ma sát, là nguồn sản sinh nhiệt năng.

PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, nhiều loại gia vị có chứa hàm lượng cao các chất dinh dưỡng được biết đến như chất chống oxy hóa, giúp chống lại các tác động của các gốc tự do gây tổn hại cho tế bào. Các chất này hỗ trợ bảo vệ sức khỏe con người và phòng chống nhiều căn bệnh do gốc tự do gây ra. 

Tiêu biểu và dễ sử dụng cùng với các món ăn khác là gừng và nghệ. Do có tính oxy hóa mạnh nên khi được nấu chung với thịt lợn, gừng, nghệ có thể xử lý các chất độc hại như tồn dư kháng sinh hay các loại chất độc khác.

Với rau quả, làm thế nào để xử lý hết độc hại. Có nhiều cách để sơ chế rau trước khi nấu, và cách đơn giản nhất là sử dụng chất natri cacbonat hòa vào nước làm dung dịch tẩy rửa. Natri cacbonat, còn gọi là soda, là một loại muối cacbonat có công thức hóa học là Na2CO3. Natri cacbonat là một muối bền trong tự nhiên, thường có trong nước khoáng, nước biển và muối mỏ trong lòng đất. Một số rất ít tồn tại ở dạng tinh thể có lẫn canxi cacbonat.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ