Nhiều vấn đề xung quanh việc quản lý “ông say” được dư luận hiến kế cho nhà chức trách. Chẳng hạn như cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra, phát hiện rượu “bẩn”, rượu “lậu” như cách làm của Hà Nội. Hay thêm chế tài xử phạt thật nặng với những kẻ sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ rượu “bẩn”, để không còn tình trạng đau lòng vì ngộ độc rượu như hiện nay…
Bước ra ngõ là có… rượu
Ngộ độc rượu dường như đang trở nên phổ biến hơn, đặc biệt trong thời gian gần đây. Theo thống kê của cơ quan y tế Hà Nội, chỉ tính từ cuối tháng 2 đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 24 ca cấp cứu vì ngộ độc methanol sau khi uống rượu, trong đó 2 người đã tử vong. Các bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, nôn, đau đầu, mờ mắt; xét nghiệm lượng methanol trong máu rất cao…
Điểm chung trong các vụ ngộ độc này là rượu đều được quảng cáo “tự nấu”, không nhãn mác, được bày bán tràn lan tại các quán ăn, quán cóc vỉa hè... Giờ đây, nếu vào bất kỳ một quán ăn bình dân nào và hỏi rượu, những người bán hàng có thể đưa ra hàng loạt loại rượu như táo mèo, ba kích, chuối hột, đinh lăng… Tại nhiều cửa hàng ăn uống rượu được rót sẵn ra chai để trên bàn khách uống bao nhiêu tự lấy mà chẳng cần biết nguồn gốc rượu ra sao.
Anh Nguyễn Văn Quyết ở Huỳnh Thúc Kháng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, thấy chủ quán nói sao thì tin vậy chứ có ai kiểm tra đâu. Rượu không tem, không nhãn mác gì cả, uống về mà hôm sau thấy đau đầu, khát nước thì mới biết là mình uống phải loại rượu rởm; Từ lần sau sẽ “cạch” quán đó thôi chứ biết khiếu nại với ai bây giờ...
Không chỉ các quán ăn mà khắp các chợ, cửa hàng tạp hóa, rượu cũng được bày bán công khai với đủ mọi mức giá, từ 10.000 đồng/lít cho tới hàng trăm ngàn đồng/lít, tùy chủng loại. Đáng lưu ý là theo Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát thì hiện có tới 70% lượng rượu trên thị trường là rượu trôi nổi, do người dân tự nấu, kinh doanh không qua kiểm tra kiểm soát. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tình trạng ngộ độc rượu tăng cao thời gian vừa qua.
Cần các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt
Cũng như các loại chất kích thích khác, trong quy định của luật pháp Việt Nam, rượu được nhiều cơ quan chức năng Nhà nước và ở các địa phương thống nhất quản lý chặt chẽ. Mặc dù, chúng ta đã có đầy đủ “quyền” trong tay và được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật hết sức cụ thể, nhưng những chai rượu hoặc “bẩn” vẫn vô tình “thẩm thấu”, qua mặt cơ quan chức năng để làm “bạn” với người tiêu dùng (NTD).
Thực tế, Nghị định 94 quy định rất rõ về sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm phải có nhãn mác, phải đăng ký kinh doanh với chính quyền địa phương, có chứng nhận VSATTP, vệ sinh môi trường... Thế nhưng nghị định này dù có hiệu lực đã lâu, song nó dường như bị “lãng quên” khi hầu hết sản phẩm rượu nấu trên thị trường đều không có tem, mác và cũng chẳng có đăng ký. Người dùng nếu nghi ngờ chất lượng có vấn đề cũng chỉ còn biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”, vì chẳng biết kiện ai.
Anh Bùi Danh Huấn - chủ một lò rượu ở huyện Lâm Thao (Phú Thọ) còn thẳng thắn chia sẻ, nhà tôi nấu rượu quy mô nhỏ chủ yếu phục vụ người trong xã và vài quán ăn gần nhà, như thế thì cần gì tem, mác. Mà không tem, mác lâu nay cũng có thấy ai đến kiểm tra, nhắc nhở hay phạt gì đâu.
Lâu nay, rượu trở thành mặt hàng kinh doanh béo bở, siêu lợi nhuận nên ít ai từ chối. Vì là chất gây nghiện nên nhu cầu về rượu trong xã hội chỉ tăng, khó giảm. Và khi “cầu” nhiều, “cung” ít thì rõ ràng là hiện tượng gian lận thương mại trong lĩnh vực này sẽ bùng phát, gây hại cho người sử dụng và cả xã hội là tất yếu. Trong khi đó, vì nhiều nguyên nhân, nhất là do hám rẻ, NTD không phân biệt đâu là rượu có lợi và có hại cho sức khỏe để lựa chọn và sử dụng.
Vậy nên, vấn đề là cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong xử lý vấn đề này từ gốc. Chính quyền các địa phương cần kiểm tra, gặp gỡ những người sản xuất rượu, ngăn chặn tận gốc tình trạng pha rượu từ cồn công nghiệp và hóa chất độc hại. Đồng thời các cơ quan truyền thông của các địa phương, các ngành cũng cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để người dân có nhiều kiến thức hơn trong sử dụng loại đồ uống đặc biệt này.
Vấn đề không kém quan trọng là ý thức của NTD trong sử dụng rượu. Trước tiên, cần lựa chọn sản phẩm rượu rõ nguồn gốc phù hợp với năng lực tài chính, sức khỏe và quan trọng hơn cả là sử dụng rượu vừa đủ; không lạm dụng trong liên hoan, tiệc, cưới hỏi cũng như trong các sự kiện to, nhỏ khác…