Đóng BHXH tự nguyện một lần để hương lương hưu ngay
Bạn đọc số 0995535xxx, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi là nam, đã 60 tuổi có 17 năm đóng BHXH. Bây giờ tôi muốn đóng BHXH tự nguyện một lần đề hưởng lương hưu ngay có được không?
Bạn đọc số 01205777xxx gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi là nữ đã có 14 năm đóng BHXH. Năm nay tôi đã 55 tuổi, làm sao để được hưởng lưu ngay?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Để tạo điều kiện cho những người đã hết tuổi lao động nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu hằng tháng, pháp luật đã có quy định cụ thể về việc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu hàng tháng.
Cụ thể, điều 8 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTB&XH quy định: Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.
Đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), ngoài lựa chọn một trong các phương thức đóng quy định tại khoản 1 điều này còn được lựa chọn phương thức đóng một lần cho đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu.
Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP Quy định chi tết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện quy định như sau: Phương thức đóng:
1. Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: a) Đóng hằng tháng; b) Đóng 03 tháng một lần; c) Đóng 06 tháng một lần; d) Đóng 12 tháng một lần; đ) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
2. Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 điều này cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại điểm e, khoản 1 điều này.
Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định về mức đóng như sau: Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.
Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại điểm e, khoản 1, điều 9 Nghị định này được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
Như vậy, các bạn có thể liên hệ với UBND cấp xã hoặc cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú để hỏi về thủ tục đóng BHXH tự nguyện một lần ngay để hưởng lương hưu. Mức đóng cụ thể do các bạn lựa chọn phù hợp với thu nhập. Thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu tính từ tháng liền kề của tháng đã đóng đủ 20 năm BHXH.
Bị giữ bản chính bằng tốt nghiệp, phải làm sao?
Bạn đọc số 01237459069 gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Cty tôi giữ bản chính bằng tốt nghiệp của tôi, như vậy có đúng không? Tôi muốn lấy lại phải làm sao? Tháng 2 Công ty chỉ cho tạm ứng tiền lương chứ không trả lương với lý do là nghỉ Tết có đúng không?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 20 Bộ Luật Lao động 2012 quy định: Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện HĐLĐ: Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của NLĐ. Yêu cầu NLĐ phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện HĐLĐ.
Khoản 1, 3 Điều 115 BLLĐ 2012 quy định về nghỉ lễ, Tết như sau: NLĐ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, Tết sau đây: a) Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1 tháng 1 dương lịch); b) Tết Âm lịch 5 ngày…
Nếu những ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì NLĐ được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Theo quy định của Chính phủ, dịp Tết Đinh dậu 2017 NLĐ được nghỉ 7 ngày (vì ngày mùng 1, 2 trùng ngày thứ Bảy và Chủ nhật, nên NLĐ được nghỉ bù), từ ngày 29 tháng Chạp năm Bính Thân đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Đinh Dậu (nhằm ngày 26/1/2017 đến hết ngày 1/2/2017 Dương lịch).
Trong những ngày trên, Cty phải trả đủ lương theo quy định. Như vậy, việc Cty giữ bản chính văn bằng của bạn là sai. Bạn có thể làm đơn yêu cầu Cty trả lại. Nếu Cty không trả bạn có thể khởi kiện Cty ra tòa hoặc nhờ các cơ quan chức năng như Phòng LĐTBXH hoặc LĐLĐ cấp huyện nơi Cty đóng trụ sở can thiệp.
Bị gãy chân, Cty đòi chấm dứt HĐLĐ có đúng?
Bạn đọc số 01637208XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi ký HĐLĐ 1 năm với Cty từ tháng 8.2016. Tháng 1/2017, tôi bị ngã gãy chân đã điều trị một tháng nhưng chưa khỏi hẳn nên chưa thể đi làm được. Mặc dù chưa hết hạn HĐLĐ, nhưng Cty yêu cầu tôi vào viết đơn xin nghỉ việc. Tôi phải làm sao?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điểm b, khoản 1, Điều 38 BLLĐ quy định về Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động khi: b) NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với NLĐ làm theo HĐLĐ xác định thời hạn và quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của NLĐ bình phục, thì NLĐ được xem xét để tiếp tục giao kết HĐLĐ.
Trường hợp của bạn, mới điều trị bệnh hơn 1 tháng thì Cty không đủ điều kiện để đơn phương chấm dứt HĐLĐ được. Nếu Cty cố tình chấm dứt HĐLĐ với bạn sẽ thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật.
Nếu bạn viết đơn xin nghỉ việc và Cty đồng ý thì coi như hai bên đã thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ theo khoản 3, điều 36 BLLĐ. Do đó, bạn không nên viết đơn xin nghỉ việc.
Bạn nên viết đơn xin tạm hoãn HĐLĐ theo quy định tại khoản 5, điều 32 BLLĐ hoặc xin nghỉ việc không hưởng lương để tiếp tục điều trị bệnh nếu đã hết thời hạn được nghỉ theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.