Cách nào chống xuống cấp di tích?

GD&TĐ - Tuần qua, diễn đàn Quốc hội đề cập vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, làm thế nào để chống xuống cấp di tích - trong khi kinh phí hạn hẹp và việc phân cấp chưa rõ ràng?

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Các đại biểu Quốc hội quan tâm vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản, trong bối cảnh hiện trạng nhiều di tích, di sản tại các địa phương xuống cấp nghiêm trọng.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Văn Hùng: Tổng số di tích cả nước hiện nay đã được kiểm kê là hơn 40 nghìn. Trong đó, 8 di tích - di sản đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá thế giới; 123 di tích quốc gia đặc biệt; 3.599 di tích cấp quốc gia và 10.755 di tích cấp tỉnh.

Coi di tích là báu vật mà thiên nhiên ban tặng, là lịch sử ngàn đời mà tổ tiên để lại, nên phải có trách nhiệm phát huy, bảo tồn và lan toả. Giai đoạn 2015 - 2020, với Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ngành văn hóa được ngân sách Trung ương phân bổ 245 tỉ đồng trong 5 năm để bảo tồn, tôn tạo cho 400 di tích ở các địa phương. Tính bình quân, mỗi di tích được đầu tư 600 triệu đến 1 tỉ đồng.

Bộ trưởng Hùng cho rằng, với con số nêu trên là quá khó khăn cho công tác chống xuống cấp. Vì vậy mà các địa phương đã lồng ghép các nguồn vốn, nhưng đó là những địa phương có điều kiện. Còn những địa phương không có điều kiện, thì cũng không có nguồn đầu tư nào, nên di tích xuống cấp.

Để chống xuống cấp di tích – theo Bộ trưởng, ngoài bố trí một khoản nào đó để điều tiết cho địa phương thì phải xem xét sửa đổi Luật Di sản. “Phân cấp rõ hơn, trách nhiệm rõ hơn để tránh tình trạng là khi công nhận di tích, xếp hạng di tích thì cứ nghĩ đây là trách nhiệm của Bộ, ngành. Di tích ở địa phương nào thì địa phương đó có cộng đồng trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Di sản là tài sản chung của cả dân tộc. Là báu vật nhưng lại rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất.

Chống xuống cấp, theo phân tích của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng là hợp lý. Tuy nhiên, sẽ rất không hợp lý khi giả sử vừa có kinh phí, vừa phân cấp rõ ràng mà tình trạng di tích vẫn xuống cấp, vẫn biến dạng.

Trong thời gian qua, nhiều di tích bị xâm phạm, đập cũ xây mới, làm nứt hỏng hiện vật… trong quá trình trùng tu. Có kinh phí mới có thể trùng tu, nhưng trùng tu mà đem cả máy cơ giới vào – như tháp Bánh Ít (Bình Định), “thay áo mới” đình cổ Tự Đông (Hải Dương), phá giếng cũ xây giếng mới ở đền thờ Lê Văn Hưu (Thanh Hoá)… thì thà không có tiền trùng tu, di tích sẽ an toàn hơn.

Việc phân cấp trách nhiệm cũng vậy, dù có thể chưa thực sự rõ ràng nhưng không phải không có ai phải chịu trách nhiệm. Vấn đề ở chỗ, việc thực thi pháp luật đến đâu mà thôi.

Tất nhiên trong bối cảnh xã hội hiện tại, với tầm quan trọng của di sản, buộc chúng ta phải có cách tiếp cận phù hợp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị. Đặc biệt việc phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cá nhân cần phải cụ thể.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là việc thực thi – phải nghiêm chỉnh, từ việc trùng tu cho đến nghiêm minh trong việc xử lý, nếu xảy ra sai phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.