Cách Mỹ ngăn đồng minh mua tên lửa PL-15E

GD&TĐ - Theo Bulgaria Millitary, việc Mỹ ký hợp đồng thương vụ tên lửa không đối không hơn 300 triệu USD với Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy nhiều toan tính.

Tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ.
Tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ.

Hôm 14 tháng 5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt Thỏa thuận Bán Vũ khí Quân sự Nước ngoài (FMS) trị giá 304,1 triệu USD cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Thỏa thuận được công bố trước khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tới Thổ Nhĩ Kỳ dự cuộc họp các ngoại trưởng NATO, cũng như thảo luận với các quan chức Nga và Ukraine về nỗ lực đàm phán hòa bình.

Thương vụ bao gồm hai gói chính, gồm một gói 53 tên lửa AIM-120C-8 AMRAAM cùng các bộ phận dẫn đường, linh kiện và dịch vụ hỗ trợ kèm theo trị giá 225 triệu USD. Gói thứ hai trị giá 79,1 triệu USD, gồm 60 tên lửa AIM-9X Sidewinder Block II, 20 bộ phận dẫn đường chiến thuật, 20 tên lửa huấn luyện, cùng hỗ trợ kỹ thuật.

Những tên lửa này sẽ được tích hợp lên phi đội F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là 40 chiếc F-16V được Mỹ phê duyệt năm 2024, giúp Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện khả năng không chiến ngoài tầm nhìn và giao tranh tầm gần.

Tên lửa không đối không tầm trung AIM-120C-8, sử dụng radar chủ động, tầm bắn trên 185 km, tốc độ hơn Mach 4, khả năng "bắn và quên" với độ chính xác cao.

Trong khi đó, AIM-9X là tên lửa tầm ngắn, trang bị đầu dò hồng ngoại, tầm bắn 35 km, tốc độ hơn Mach 2,5, có khả năng tấn công mục tiêu lệch trục 180 độ.

Giới chuyên gia cho rằng thương vụ tên lửa mới này đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều năm thăng trầm.

Hợp đồng vũ khí này cũng thể hiện những tính toán chiến lược của cả Washington lẫn Ankara, với các tác động sâu rộng đến khu vực Đông Địa Trung Hải, Trung Đông, Biển Đen và toàn cầu.

Với Ankara, thỏa thuận này giúp lực lượng không quân của họ nâng cấp đáng kể năng lực. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vận hành 240 máy bay F-16 (Block 40 và Block 50), nhiều chiếc đã được nâng cấp qua các chương trình như CCIP và Ozgur.

Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho rằng với 40 chiếc F-16V mới cùng lô tên lửa trong thương vụ mới này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sở hữu lực lượng không quân mạnh nhất khu vực.

Được tích hợp tên lửa AIM-120C-8 và AIM-9X, tiêm kích F-16V của Ankara có thể dễ dàng đối phó với các mối đe dọa hiện đại, từ máy bay chiến đấu thế hệ mới đến UAV.

Thương vụ còn ngầm khẳng định chính sách ngoại giao cân bằng của nước này, cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng duy trì quan hệ với cả Nga, Trung Quốc lẫn các nước phương Tây, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào một bên sau căng thẳng với phương Tây vì hợp đồng mua S-400 của Nga.

Trong khi đó, với Mỹ thương vụ cũng phát đi thông điệp quan trọng, giúp Mỹ vừa củng cố ảnh hưởng địa chính trị tại khu vực, vừa bán được một lượng vũ khí lớn.

Nằm giữa châu Âu, Trung Đông và Trung Á, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh chiến lược của NATO. Mỹ muốn giữ Ankara trong quỹ đạo ảnh hưởng của mình, đặc biệt khi Thổ Nhĩ Kỳ những năm gần đây có dấu hiệu xích lại gần Nga và đàm phán mua thiết bị quân sự của Trung Quốc.

Thương vụ tên lửa mới được coi là công cụ để Washington duy trì vị thế trong thị trường vũ khí, ngăn Ankara mua các hệ thống của Trung Quốc, đặc biệt là tên lửa PL-15E, loại vũ khí đã chứng minh hiệu quả trong trận không chiến giữa Pakistan và Ấn Độ. Tên lửa này được coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của AIM-120.

Với việc cung cấp cho F-16V Thổ Nhĩ Kỳ tên lửa tiên tiến, Mỹ tạo ra sự ràng buộc lâu dài, vì Ankara sẽ cần hỗ trợ kỹ thuật, bảo trì và nâng cấp từ Mỹ trong hàng chục năm.

Khi trang bị các tên lửa này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải sử dụng các công nghệ tương thích với NATO, tăng khả năng phối hợp quân sự với Mỹ và đồng minh, đặc biệt trong các khu vực bất ổn như Biển Đen.

Thỏa thuận mới cũng sẽ giúp Mỹ kéo Thổ Nhĩ Kỳ trở lại quỹ đạo ảnh hưởng của mình, đảm bảo Ankara phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ phương Tây thay vì Nga hay Trung Quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh Bác Hồ luôn giản dị và rất mực ấm áp. (Ảnh tư liệu)

Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân

GD&TĐ - Báo Giáo dục và Thời đại trân trọng giới thiệu bài viết "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân", của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Cụ bà Đặng Minh Hà, sinh năm 1933 (Mẹ của ông Bạch Ngọc Dư, Phòng Truyền thông và Dự án, Báo Giáo dục và Thời đại), đã từ trần ngày 17/5/2025.