Luật cách ly đầu tiên trên thế giới
Cách đây gần 700 năm, trong khi chiến đấu chống lại sự bùng phát dữ dội của dịch hạch, các thầy thuốc và nhân viên y tế ở Italy không có khái niệm gì về virus hay vi khuẩn nhưng họ hiểu khá đầy đủ về “Cái chết đen” để thực hiện một số biện pháp chống lây nhiễm đầu tiên trên thế giới.
Bắt đầu từ năm 1348, ngay sau khi dịch hạch lan đến Venice và Milan, đội ngũ viên chức của chính quyền các thành phố này đã áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp tại chỗ về y tế công cộng, tương tự những gì mà ngày nay chúng ta đã làm, như giãn cách xã hội (social distancing), cách ly kiểm dịch (quarantine) và tẩy trùng môi trường, đồ vật.
“Họ hiểu rằng, phải thật cẩn thận với các loại hàng hóa đang được buôn bán, giao dịch, bởi vì bệnh có thể lan đến các đồ vật và các bề mặt tiếp xúc. Ngoài ra, mọi người còn được khuyên hết sức hạn chế tiếp xúc”, Jane Steven Crawshaw, giảng viên cao cấp về lịch sử châu Âu hiện đại tại ĐH Oxford Brookes (Anh), nói.
Thành phố cảng biển Ragusa (ngày nay là Dubrovnik - Croatia) là nơi đầu tiên thông qua luật cách ly bắt buộc đối với tất cả tàu bè và các xe chở hàng đến nhằm kiểm soát bệnh lây nhiễm. Văn bản luật này, may mắn còn tồn tại ở cơ quan lưu trữ của Dubrovnik, ghi rằng, vào ngày 27/7/1377, Hội đồng nguyên lão của thành phố đã thông qua luật, trong đó “quy định những người đến từ vùng nhiễm dịch hạch sẽ không được vào thành phố Ragusa hoặc các quận trực thuộc, trừ khi họ chấp nhận cách ly 1 tháng trên đảo Mrkan hoặc tại thị trấn Cavtat, nhằm mục đích tẩy uế, thanh lọc”.
Trong tác phẩm “Expelling the Plague: The Health Office and the Implementation of Quarantine in Dubrovnik, 1377-1533” (tạm dịch: Tống khứ dịch bệnh: Cơ quan y tế và việc thực hiện cách ly ở Dubrovnik, 1377 – 1533), nhà sử học Zlata Blazina Tomic viết rằng, Mrkan là hòn đảo đá ở phía Nam thành phố, không người ở, còn Cavtat là nơi cuối cùng của con đường vận chuyển hàng hóa, được thương nhân sử dụng để đến Ragusa.
Theo Tomic, việc cách ly kiểm dịch là một trong những thành tựu cao nhất của y học thời Trung cổ. Bằng cách ra lệnh cách ly các thủy thủ và thương nhân khỏe mạnh trong 30 ngày, những viên chức của chính quyền thành phố
Ragusan cho thấy họ có một sự hiểu biết nhất định về thời kỳ ủ bệnh dịch. Những người mới đến có thể không có biểu hiện triệu chứng của dịch nhưng cũng phải được cách ly một thời gian để xem họ có thực sự không mắc bệnh hay không.
Vì sao là quarantine?
Quy định 30 ngày trong luật cách ly năm 1377 được biết trong tiếng Italy là trentino, nhưng Stevens Crawshaw nói rằng, các thầy thuốc và nhà cầm quyền cũng có quyền ấn định thời gian ngắn hơn hoặc dài hơn. Phổ biến là tăng thêm 10 ngày nữa. Từ quarantine trong tiếng Anh bắt nguồn từ quarantino của Italy, có nghĩa là thời kỳ 40 ngày.
Tại sao là 40 ngày? Theo Crawshaw, các nhân viên y tế đưa ra thời gian cách ly 40 ngày bởi vì con số này có ý nghĩa tượng trưng của đạo Cơ đốc thời Trung cổ. Khi Chúa gây nạn đại hồng thủy trên Trái đất, mưa suốt 40 ngày, 40 đêm, và Chúa Jesus đã nhịn ăn trong vùng đất hoang dã suốt 40 ngày. Ngay cả trước khi dịch bệnh đến, khái niệm trong Kinh thánh về thời kỳ 40 ngày thanh lọc cơ thể cũng đã được ngành y tế thực hiện như là biện pháp giữ gìn sức khỏe. Ví dụ, sau khi đứa trẻ được sinh ra, người mẹ được khuyên phải nghỉ ngơi trong vòng 40 ngày rồi mới làm việc lại bình thường.
Mặc dù có luật mới về cách ly ngăn chặn lây lan, thành phố Ragusa vẫn phải tiếp tục chống đỡ khó khăn với dịch bệnh bởi sự bùng phát mạnh mẽ của nó trong năm những 1391 - 1397. Là một thành phố cảng, phát triển nhờ thương mại, nó không thể tránh khỏi những tổn thất về kinh tế khi cách ly, ngăn chặn với bên ngoài.
Tuy nhiên, Stevens Crawhaw cho rằng, biện pháp cách ly cho dù không bảo vệ hoàn toàn những người Ragusan khỏi đại dịch, thì cũng đã đáp ứng tốt cho mục đích khác, đó là phục hồi ý thức về trật tự xã hội.
Bệnh viện tạm thời
Cách ly không phải là biện pháp duy nhất được áp dụng trong trận chiến chống dịch hạch ở châu Âu, định kỳ tàn phá lục địa này vào thế kỷ 17.
Ragusa cũng là thành phố đầu tiên thành lập bệnh viện tạm thời chữa trị cho những người mắc bệnh dịch trên đảo Mljet. Đây là cơ sở điều trị mới do chính phủ tài trợ, ngay sau đó nó nổi tiếng khắp châu Âu với tên gọi lazaretto.
Steven Crawshaw, người đã viết một quyển sách về các bệnh viện tạm thời chống dịch bệnh, cho biết, lazaretto là một sai sót khi thể hiện từ Nazaretto, tên hòn đảo mà trên đó thành phố Venice xây dựng bệnh viện tạm thời để chống dịch đầu tiên, có tên là Santa Maria di Nazareth.
Bệnh viện tạm thời này đảm nhiệm hai chức năng: Trung tâm trị liệu y khoa và cơ sở cách ly kiểm dịch. Đây là một giải pháp nhằm chăm sóc nhân đạo cho cả những người mới đến và những người dân địa phương bị bệnh dịch hạch, trong khi vẫn cách ly với người khỏe mạnh. Tại lazaretto, bệnh nhân bị nhiễm dịch hạch sẽ nhận được thực phẩm tươi, giường nằm và các phương pháp điều trị tăng cường sức khỏe. Tất cả đều được nhà nước chi trả.
“Các bệnh viện tạm thời là một cấu trúc về y tế công cộng ban đầu đáng chú ý, trong đó chính phủ đã đầu tư một khoản tiền rất lớn”, Stevens Crawshaw nói, “Bất kể có bệnh dịch ở Venice hay không, tại các cơ sở này đều có nhân viên y tế điều hành thường xuyên, chờ đón những con tàu bị nghi đến từ vùng dịch, sẵn sàng áp dụng biện pháp cách ly với các thủy thủ”.