Cách làm từng dạng bài giúp chinh phục môn Ngữ văn thi vào lớp 10

GD&TĐ - Cô Phan Kim Dung, Tổ trưởng tổ Ngữ Văn THCS, Trường THCS -THPT Phenikaa lưu ý giúp học sinh Hà Nội làm tốt bài thi Ngữ văn vào lớp 10 năm 2025.

Học sinh Trường THCS-THPT Phenikaa trao đổi về môn Ngữ văn.
Học sinh Trường THCS-THPT Phenikaa trao đổi về môn Ngữ văn.

Môn Ngữ văn vừa cần kỹ năng đọc hiểu tinh tế, vừa đòi hỏi năng lực diễn đạt sâu sắc. Theo Chương trình GDPT 2018, cấu trúc đề thi Ngữ văn có sự điều chỉnh nhất định, chú trọng năng lực đọc - viết của học sinh. Vì vậy, cô Phan Kim Dung cho rằng, nắm rõ cách làm từng dạng bài là "chìa khóa" giúp học sinh tự tin với môn Ngữ văn trong Kỳ thi vào lớp 10.

Đọc kỹ, trả lời đủ, trình bày rõ ràng với bài Đọc hiểu

Đọc hiểu là phần mở đầu đề thi, giúp học sinh làm quen với ngữ liệu và rèn khả năng tư duy.

Với phần này, cô Phan Kim Dung khuyên thí sinh đọc kỹ văn bản, gạch chân từ ngữ, hình ảnh và chi tiết quan trọng. Tiếp theo, khi trả lời câu hỏi, cần trình bày ngắn gọn, rõ ý, tránh viết quá chung chung hoặc mơ hồ.

Thí sinh đặc biệt lưu ý: Với những câu hỏi yêu cầu lý giải, hay phân tích biện pháp tu từ, cần nêu cụ thể hiệu quả nghệ thuật. Chẳng hạn, nếu chỉ viết: "So sánh giúp gợi hình, gợi cảm" sẽ không đạt điểm tối đa. Hãy chỉ rõ so sánh nào, hình ảnh nào, cảm xúc nào được gợi lên.

Với câu hỏi không yêu cầu viết đoạn văn, học sinh nên trình bày theo từng ý nhỏ, chú ý ngữ pháp và sự trọn vẹn trong diễn đạt.

Các em đừng quên quan tâm đến biểu điểm. Hãy chia nhỏ ý rõ ràng để không bỏ sót điểm nào đáng có.

Viết đúng, đủ, sâu với dạng bài nghị luận văn học

Ở bài nghị luận văn học, cô Phan Kim Dung lưu ý, thí sinh cần viết đúng hình thức và đủ dung lượng (thường là đoạn văn khoảng 200 chữ). Cùng với đó, xác định đúng vấn đề nghị luận từ đề bài và nên giới thiệu vấn đề nghị luận ngay từ câu mở đoạn.

Các em cũng cần phân tích đủ cả nội dung và nghệ thuật. Khi phân tích nội dung, cần kết hợp đưa ra lời bình luận, đánh giá của mình về các chi tiết/sự việc… được nhắc đến. Dẫn chứng có thể ngắn, nhưng phải chọn lọc, tiêu biểu, gắn kết chặt chẽ với vấn đề nghị luận.

thi-vao-lop-10.jpg
Học sinh Hà Nội trong Kỳ thi vào lớp 10 năm 2024. Ảnh: Vân Anh.

Lý lẽ rõ, bằng chứng chắc, lập luận linh hoạt với bài nghị luận xã hội

Nghị luận xã hội là phần thi giúp học sinh bày tỏ suy nghĩ, thái độ trước một vấn đề trong đời sống; từ đạo đức, lối sống đến kỹ năng sống. Để đạt điểm tốt, theo cô Phan Kim Dung, học sinh cần thể hiện tư duy mạch lạc, suy luận hợp lý và quan điểm cá nhân sắc sảo.

Trước tiên, các em cần xác định đúng trọng tâm vấn đề nghị luận từ đề bài. Dù đề xuất phát từ một trích dẫn, tình huống hay hiện tượng xã hội, học sinh phải nắm chắc trọng tâm để không viết lan man hoặc sai hướng.

Khi triển khai, hãy đưa ra lý lẽ rõ ràng, có trình tự hợp lý. Mỗi đoạn nhỏ trong bài nên thể hiện một luận điểm cụ thể, tránh kiểu viết chung chung hoặc chỉ cảm xúc mà không có lý giải thuyết phục.

Đi kèm lý lẽ cần có bằng chứng chắc chắn. Đó có thể là sự kiện, nhân vật nổi bật trong thực tế, hoặc tình huống gần gũi với học sinh. Tránh dùng ví dụ mơ hồ, mang tính kể chuyện mà không liên hệ rõ với vấn đề.

Cuối cùng, bài viết có thể lập luận linh hoạt, không rập khuôn. Học sinh có thể đưa ra phản đề (phản biện), nêu mặt trái hoặc mở rộng liên hệ bản thân để tạo chiều sâu cho bài viết, miễn là không làm rối nội dung chính.

Ngữ văn không chỉ là môn học của cảm xúc, mà còn là nơi thể hiện tư duy, quan điểm sống và bản lĩnh diễn đạt của mỗi học sinh. Việc luyện tập thành thạo từng dạng bài, kết hợp với việc đọc kỹ, viết chỉn chu sẽ giúp các em làm chủ môn thi này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thầy thuốc trở thành nạn nhân

GD&TĐ - Xảy ra hàng loạt những sự việc gây náo loạn bệnh viện do người thân của bệnh nhân bức xúc, không kiểm soát được hành vi dẫn đến sự cố đáng tiếc.

Minh họa/INT

Kỳ vọng kịch bản bất ngờ

GD&TĐ - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/5 đến Ả-rập Xê-út, bắt đầu chuyến công du Trung Đông theo kế hoạch...