Theo bà de Souza, cha mẹ không nên phán xét hoặc phản ứng gay gắt nếu phát hiện con mình đã xem, gửi hoặc nhận những hình ảnh khiêu dâm trực tuyến.
Không gian an toàn
Hướng dẫn có tiêu đề “Nói với con bạn về quấy rối tình dục trực tuyến”. Hướng dẫn được đưa ra với sự trợ giúp dựa trên chia sẻ từ một nhóm thanh thiếu niên. Họ là những người đã chia sẻ về cuộc trò chuyện mong muốn sẽ nhận được với cha mẹ.
“Thông điệp quan trọng nhất” được đưa ra từ các cuộc nói chuyện với những người trẻ tuổi là “nói sớm, nói thường xuyên”. “Lời khuyên của tôi dành cho các cha mẹ và những người chăm sóc trẻ là hãy tạo ra văn hóa trước khủng hoảng. Trẻ em đã nói với chúng tôi rằng, chúng muốn cha mẹ tạo ra một không gian an toàn, không phán xét để trẻ có thể nói về những vấn đề này”, bà de Souza viết trong hướng dẫn.
Những người trẻ tuổi kêu gọi các phụ huynh không để nội dung khiêu dâm trở thành một “chủ đề cấm kỵ”. Thay vào đó, phụ huynh được khuyến khích hãy bình tĩnh giải thích lý do tại sao xem nội dung người lớn khi còn nhỏ có thể gây hại.
Những người trẻ cũng chia sẻ, việc xem phim khiêu dâm khi còn nhỏ đã ảnh hưởng đến hành vi và thái độ thực tế của họ đối với vai trò giới, tình dục. Các cô gái trẻ cho biết đã bị những nam sinh lớn tuổi gửi phim khiêu dâm ở trường. Họ chia sẻ, điều này “thật đáng sợ và đau khổ”. Đó cũng là lý do những cô gái này muốn được nói chuyện với cha mẹ về điều đó.
Trong một cuộc phỏng vấn với Times Radio, Ủy viên Dame Rachel de Souza cho biết, các chàng trai trẻ chia sẻ, họ cảm thấy cần phải có những cuộc trò chuyện từ rất sớm.
“Tôi đã làm việc với những người từ 16 - 21 tuổi. Họ nói với tôi rằng, cần có những cuộc trò chuyện như vậy khi mới 8 hoặc 9 tuổi, đặc biệt là đối với các bạn nam. Chúng ta cần nói chuyện thoải mái và thường xuyên. Đồng thời, chúng ta cần khiến những cuộc trò chuyện đó trở nên thư thái. Đừng chỉ chờ đợi đến khi khủng hoảng. Hãy trò chuyện và trò chuyện trước khi xảy ra khủng hoảng. Nhiều thanh thiếu niên cũng nhấn mạnh: ‘Xin cha mẹ đừng phản ứng thái quá’”, bà de Souza chia sẻ.
Nữ Ủy viên Phụ trách nhận định, nhiều phụ huynh có thể mua cho con họ điện thoại thông minh và máy tính bảng đầu tiên, trong dịp Giáng sinh và năm mới. Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ phải có những cuộc trò chuyện với con về sự nguy hiểm của thế giới trực tuyến, trước khi tặng quà cho trẻ.
Rủi ro của thế giới trực tuyến
“Nhóm thanh niên của chúng tôi muốn các cha mẹ thông báo tốt hơn về rủi ro của thế giới trực tuyến, cũng như cách ngăn ngừa việc tiếp xúc sớm với nội dung có hại. Họ cũng cảnh báo rằng, cha mẹ nên biết cách hỗ trợ và tìm kiếm sự giúp đỡ nếu con cần. Trong đó bao gồm việc tìm hiểu đâu là nơi có thể báo cáo các vụ lạm dụng tình dục trực tuyến”, bà de Souza cho biết.
Cũng theo nữ Ủy viên Phụ trách, cha mẹ có thể ngạc nhiên khi những người trẻ cảm thấy, phụ huynh cần bắt đầu cuộc trò chuyện sớm như thế nào. Song, thực tế, trẻ em muốn có một cuộc trò chuyện phù hợp với lứa tuổi.
“Một đứa trẻ cần rất dũng cảm để chia sẻ về việc bị lạm dụng hoặc quấy rối. Cha mẹ và người chăm sóc nói với tôi rằng, họ muốn xứng đáng với sự dũng cảm đó trong việc hiểu rõ những vấn đề này”, bà de Souza nói.
Hướng dẫn mới được đưa ra trong bối cảnh hàng nghìn trẻ em chia sẻ trên trang web “Everyone’s Invited” vào đầu năm nay rằng đã nhận được phim khiêu dâm. Trong đó, một số học sinh cáo buộc, trường học của họ không giải quyết “văn hóa hiếp dâm”.
Vào tháng 6, một đánh giá của Văn phòng tiêu chuẩn giáo dục Ofsted (Anh) về việc bảo vệ an toàn trong các trường học kết luận rằng: Vấn đề quấy rối tình dục đã trở nên “bình thường hóa” đối với học sinh. Điều tra viên được thông báo rằng, các nam sinh đang chia sẻ những bức ảnh “khỏa thân” với nhau. Những nam sinh này coi đó là một “trò chơi sưu tập” trên các nền tảng như WhatsApp và Snapchat.
Hướng dẫn mới của bà de Souza đã nêu bật khoảng cách giữa suy nghĩ của cha mẹ và thực tế của con họ. Theo thống kê, chỉ 1/4 phụ huynh tin rằng, con họ đã xem nội dung khiêu dâm trực tuyến. Tuy nhiên, thực tế, hơn một nửa số trẻ từ 11 - 13 tuổi thừa nhận đã xem phim khiêu dâm. Nhiều người trong số đó đã xem một cách “tình cờ”. Một số khuyến nghị được đưa ra trong hướng dẫn bao gồm: Không để nội dung khiêu dâm trở thành “chủ đề cấm kỵ”. Thay vào đó, phụ huynh nên để các cuộc trò chuyện diễn ra “bình thường”.
Mới đây, nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ Billie Eilish cũng đã chia sẻ về việc xem phim khiêu dâm khi nhỏ. Eilish cho biết, việc xem phim khiêu dâm đã ảnh hưởng tiêu cực đến cô. Nữ ca sĩ cũng bày tỏ, điều đó đã “phá hủy não bộ của cô” khi nhỏ. Trong một cuộc phỏng vấn với SiriusXM’s The Howard Stern Show, nữ ca sĩ của “Happier Than Ever” cho biết đã xem phim khiêu dâm ở tuổi 11. Sau đó, cô cảm thấy bản thân như “bị tàn phá”.
“Là một phụ nữ, tôi nghĩ phim khiêu dâm là một sự ô nhục. Thành thật mà nói, tôi từng xem rất nhiều phim khiêu dâm. Tôi nghĩ nó thực sự đã phá hủy bộ não của tôi. Tôi cảm thấy vô cùng tàn khốc khi tiếp xúc với quá nhiều phim khiêu dâm”.
Trong khi đó, hướng dẫn mới được ban hành khuyến cáo, cha mẹ không nên “vội vàng kết luận” nếu phát hiện con mình đã gửi hoặc nhận ảnh khỏa thân. Phụ huynh nên bình tĩnh nói chuyện với con. Nhờ đó, có thể hiểu lý do tại sao hình ảnh hoặc video đó được chia sẻ tới trẻ.
Hướng dẫn đồng thời gợi ý rằng, cha mẹ nên nói với con về “rủi ro của việc chia sẻ hình ảnh” khi trẻ bắt đầu sử dụng điện thoại. Phụ huynh cũng cần giải thích cho con ngay từ sớm rằng, trẻ có thể sẽ nhận được ảnh khỏa thân của ai đó.